Lo lắng của phụ huynh vụ bảo mẫu Mẹ Mười bạo hành trẻ em được tờ VOV cho hay:
Trường công lập quá ít trong khi các trường tư thục với mức học phí khá cao nên nhiều phụ huynh, nhất là người lao động nghèo, dân di cư và công nhân làm việc tại các khu công nghiệp chế xuất buộc phải tìm đến những nhóm trẻ độc lập tư thục.
|
Cơ sở nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười.
|
Vụ bạo hành vừa xảy ra tại Nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười trên đường Thái Thị Bôi, phường Chính Gián, thành phố Đà Nẵng dấy lên mối quan ngại về tình trạng bạo hành trong nhóm trẻ độc lập tư thục.
Nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười ở Đà Nẵng bị đóng cửa gần tuần nay vì có hành vi bạo hành trẻ. Vụ việc này bị phát hiện sau khi một clip ghi lại những hình ảnh xót xa lan truyền trên mạng xã hội.
Hình ảnh bé trai trong clip bị bảo mẫu ném chiếc khăn lên mặt, vừa tát vừa la, vừa nhét thức ăn vào miệng mặc cháu la khóc, rồi hình ảnh một cháu bé khác bị nắm đầu, nhấc bổng người lên… khiến nhiều người phẫn nộ.
Chị Nguyễn Thị Vân ở quận Thanh Khê, có con gái 3 tuổi học tại nhóm trẻ này lo lắng: “Thỉnh thoảng đi học về bé có nói Mẹ Mười có đánh con nhưng mình cứ nghĩ đánh mức độ răn đe, chứ không nghĩ đánh ác như phát clip. Tôi muốn Cơ quan chức năng xử lý nghiêm Mẹ Mười, siết chặt những trường tư thục không để tình trạng tương tự xảy ra”.
Đại úy Trần Nam Phước, Điều tra viên Công an quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho biết, clip lan truyền trên mạng xã hội được quay từ tháng 4 vừa qua nhưng đến ngày 21/5 mới xuất hiện trên mạng xã hội.
Bà Đinh Thị Hồng, chủ nhóm trẻ độc lập tư thục Mẹ Mười cũng đã thừa nhận có hành vi bạo hành trẻ.
Đại úy Trần Nam Phước cho hay: “Chúng tôi đã tiến hành khởi tố vụ án để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Tới thời điểm hiện tại, bên phòng giáo dục có liên hệ với cơ quan điều tra công an quận Thanh Khê. Phòng giáo dục cũng đã có hướng sẽ liên hệ với các cháu, sắp xếp hỗ trợ, giúp đỡ cho các cháu đến các trường mầm non trên địa bàn quận Thanh Khê”.
|
Dư luận bức xúc hành động bảo mẫu bạo hành trẻ tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười.
|
Trước đây, ở thành phố Đà Nẵng cũng từng xảy ra tình trạng trẻ bị tai nạn thương tích, thậm chí thiệt mạng tại các nhóm trẻ gia đình. Cụ thể như vụ trẻ tử vong do bị sặc cháo năm 2010 ở quận Hải Châu; trẻ bị ngã chết tại nhóm trẻ năm 2016 ở quận Cẩm Lệ và một số vụ trẻ bị tai nạn thương tích khác do người giữ trẻ bất cẩn gây ra để lại nỗi đau cho gia đình, người thân và nỗi ám ảnh đối với nhiều phụ huynh có con nhỏ…
Với những công nhân, người lao động nghèo khó đang làm việc tại các khu công nghiệp chế xuất, dân di cư và những gia đình hoàn cảnh khó khăn thì nhóm trẻ gia đình là nơi họ tìm đến gửi con dù biết ở đó luôn tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm.
Một phụ huynh tâm sự: “Cả 2 vợ chồng tôi làm công nhân ở khu công nghiệp, thường xuyên phải làm thêm giờ, tăng ca. Nếu gửi trường công theo giờ hành chính sẽ không có người đưa đón. Còn nếu gửi ở trường tư thục chất lượng cao, gia đình không có khả năng. Thực tế gửi ở nhóm trẻ, cơ sở vật chất không đảm bảo, người dạy phần lớn là những người lớn tuổi, thiếu kỹ năng chăm trẻ cũng lo lắm nhưng biết làm sao được”.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 209 trường mầm non cùng hơn 1.000 nhóm trẻ độc lập tư thục. Các nhóm lớp độc lập tư thục thu nhận trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi với mức học phí phù hợp cho những gia đình thu nhập thấp.
Tại đây, giờ giấc đưa, đón trẻ cũng linh hoạt hơn kể cả giữ trẻ thêm giờ, cả thứ Bảy lẫn Chủ nhật nên thuận lợi cho những công nhân làm việc ở các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất. Hoạt động của những nhóm trẻ này rất khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo chủ tịch UBND các phường tăng cường công tác quản lý giám sát cơ sở mầm non, nhất là những cơ sở, những nhóm trẻ độc lập. Giao cho cả chủ tịch phường chỉ đạo tổ trưởng dân phố, Trưởng Ban công tác mặt trận khu dân cư tham gia giám sát, yêu cầu các chủ cơ sở lắp đặt các camera giám sát”.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, mặc dù ngành cũng đã có nhiều nỗ lực nhưng do số lượng nhóm trẻ tư thục quá lớn và hoạt động thiếu ổn định nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thời gian sắp tới, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ siết chặt công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, chất lượng bữa ăn tại các cơ sở mầm non.
“Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các quận huyện chỉ đạo phòng giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các xã, phường trong việc theo dõi tăng cường giám sát kiểm tra các nhóm trẻ. Chúng tôi cũng đề xuất trong việc siết chặt tuyển dụng đối với các giáo viên mầm non”, ông Nguyễn Đình Vĩnh thông tin thêm.
Vụ bạo hành trẻ vừa xảy ra ở Nhóm trẻ tư thục độc lập Mẹ Mười được đưa ra khởi tố, hành vi vi phạm pháp luật của bà Đinh Thị Hồng chủ cơ sở này sẽ được xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, điều mà người dân mong chờ là thành phố Đà Nẵng nhanh chóng lập lại trật tự, kỷ cương hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non, kịp thời ngăn chặn những hành vi bạo hành trẻ em để tai họa không còn rình rập các gia đình nghèo.