Thiên tai luôn là mối đe dọa lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có tài sản và nhà xưởng lớn. Tuy nhiên, việc tham gia bảo hiểm tài sản đôi khi không đủ để đảm bảo quyền lợi khi sự cố xảy ra.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm chia sẻ những hướng dẫn chi tiết từ việc ký hợp đồng đến quy trình xử lý thiệt hại và cách làm việc hiệu quả với công ty bảo hiểm, giúp doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó khi thiên tai ập đến.
|
Nhiều tàu du lịch ở Tuần Châu (Quảng Ninh) bị chìm do bão số 3. (Ảnh: ZNews)
|
Bảo hiểm tài sản “tấm lá chắn” giúp DN giảm thiểu tổn thất
Thưa luật sư Trương Anh Tú, bão lũ và thiên tai đang gây ra rất nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty có nhà xưởng tại vùng bị ảnh hưởng nặng nề. Luật sư có thể chia sẻ về tầm quan trọng của bảo hiểm tài sản trong bối cảnh này?
Thiên tai là rủi ro không thể kiểm soát và thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng về mặt tài chính cho các doanh nghiệp. Bảo hiểm tài sản đóng vai trò như một "tấm lá chắn" giúp doanh nghiệp giảm thiểu tổn thất và khôi phục hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng.
Bảo hiểm tài sản bao gồm nhà xưởng, máy móc và hàng hóa, giúp doanh nghiệp tránh được nguy cơ sụp đổ tài chính khi những tài sản này bị hư hại hoặc phá hủy do thiên tai.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về phạm vi và điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm. Không phải mọi loại tổn thất đều được chi trả. Điều này thường là nguyên nhân gây ra tranh chấp giữa doanh nghiệp và công ty bảo hiểm.
Doanh nghiệp cần làm gì tránh rủi ro khi ký hợp đồng bảo hiểm?
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn nhầm lẫn về các điều khoản loại trừ trong bảo hiểm tài sản. Ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?
Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là một trong những nội dung quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần nắm rõ khi ký hợp đồng. Đây là những trường hợp mà công ty bảo hiểm sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ví dụ, nhiều hợp đồng loại trừ thiệt hại do sạt lở đất, sương muối, hoặc nước tràn từ các hồ, đập, kênh. Điều này có nghĩa là nếu thiệt hại của doanh nghiệp phát sinh từ những nguyên nhân này, công ty bảo hiểm không có nghĩa vụ chi trả.
Rất nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào quyền lợi được bảo hiểm mà quên mất phần loại trừ. Điều này dẫn đến sự ngộ nhận rằng mình được bảo vệ toàn diện, nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Vậy doanh nghiệp cần làm gì để tránh rủi ro khi ký hợp đồng bảo hiểm?
Trước tiên, doanh nghiệp phải đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm và hiểu rõ mọi điều khoản, đặc biệt là các trường hợp loại trừ. Nếu có bất kỳ điều gì không rõ ràng, họ cần yêu cầu công ty bảo hiểm hoặc đại lý giải thích cặn kẽ. Đừng ngại ngần đặt câu hỏi vì điều này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên cân nhắc mở rộng các loại bảo hiểm, không chỉ giới hạn ở bảo hiểm cháy nổ mà còn các rủi ro như bão, lũ lụt, và giông tố. Mua bảo hiểm với phạm vi bao phủ rộng hơn có thể tăng chi phí, nhưng sẽ giúp bảo vệ doanh nghiệp khỏi nhiều rủi ro hơn.
Nếu sự cố xảy ra, doanh nghiệp cần làm gì để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm của mình?
Để đảm bảo quyền lợi, doanh nghiệp cần tuân thủ một số quy tắc quan trọng:
Khai báo sự cố ngay lập tức: Khi có sự cố, doanh nghiệp phải thông báo cho công ty bảo hiểm càng sớm càng tốt. Nếu để chậm trễ, yêu cầu bồi thường có thể bị từ chối.
Cung cấp đầy đủ bằng chứng: Doanh nghiệp cần chụp ảnh, quay video và lưu giữ các hóa đơn, chứng từ liên quan đến tài sản bị thiệt hại. Đảm bảo rằng mọi tài liệu đều được chuẩn bị kỹ lưỡng để chứng minh mức độ thiệt hại.
Hợp tác chặt chẽ với công ty bảo hiểm: Khi có giám định thiệt hại, doanh nghiệp cần phối hợp để quá trình này diễn ra minh bạch và hiệu quả. Điều này giúp doanh nghiệp tránh được các tranh cãi không đáng có về mức độ tổn thất.
Giám định độc lập: Trong nhiều trường hợp, việc thuê một đơn vị giám định độc lập có thể giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt hơn, tránh tình trạng giám định từ phía bảo hiểm không khách quan.
|
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm |
Vậy trong trường hợp phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp nên xử lý như thế nào, thưa luật sư?
Khi xảy ra tranh chấp, việc đối thoại trực tiếp với công ty bảo hiểm để tìm giải pháp hòa giải là phương án nên được ưu tiên. Nếu không đạt được thỏa thuận, doanh nghiệp cần cân nhắc đến việc thuê luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của mình.
Luật sư có thể giúp doanh nghiệp trong quá trình thu thập bằng chứng, lập luận pháp lý và đại diện cho doanh nghiệp trong quá trình đàm phán hoặc tranh tụng. Nếu việc thương lượng không mang lại kết quả, doanh nghiệp có thể đưa vụ việc ra Trọng tài thương mại hoặc Tòa án để giải quyết. Tuy nhiên, đây là giải pháp cuối cùng vì quá trình này tốn kém thời gian và chi phí.
Ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp đang muốn tham gia bảo hiểm tài sản, đặc biệt là trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp?
Trước hết, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về hợp đồng bảo hiểm và phải chắc chắn rằng mình hiểu rõ các điều khoản, đặc biệt là phạm vi bảo hiểm và các trường hợp loại trừ. Bên cạnh đó, họ cũng nên cân nhắc mua các gói bảo hiểm mở rộng để bảo vệ mình khỏi nhiều rủi ro hơn.
Một điểm quan trọng nữa là doanh nghiệp nên lưu giữ đầy đủ tài liệu về tài sản của mình và luôn sẵn sàng đối phó với bất kỳ sự cố nào xảy ra. Khi có sự cố, hãy khai báo ngay và cung cấp đầy đủ chứng cứ để tăng cơ hội được bồi thường. Cuối cùng, nếu tranh chấp phát sinh, đừng ngần ngại tìm sự hỗ trợ pháp lý từ các luật sư có kinh nghiệm.
Cảm ơn ông đã chia sẻ những thông tin rất hữu ích.
Khẩn trương bồi thường cho doanh nghiệp sớm trở lại sản xuất
Số tiền bồi thường thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 đang không ngừng tăng lên, ước tính ban đầu lên đến 7.000 tỷ đồng. Cụ thể, các yêu cầu bồi thường tập trung vào bảo hiểm con người, tài sản như bảo hiểm xe ôtô, nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa.
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, con số sẽ tiếp tục tăng và các doanh nghiệp bảo hiểm đang dồn toàn lực đưa đội ngũ giám định đến hiện trường khu vực thiệt hại để rà soát, xác định thiệt hại và chi trả tiền bảo hiểm cho khách hàng bị thiệt hại do bão.
Bão số 3 gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng
Báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sáng 15/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Theo đó, bão số 3 đã làm 353 người chết và mất tích, khoảng 1.900 người bị thương, đồng thời gây tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, bão số 3 gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng về tài sản của nhân dân và nhà nước. Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên…
Ngoài ra, có trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị gẫy đổ.