Bao giờ nông dân nghèo hết khổ?

Google News

(Kiến Thức) - Biết mình phận con ong cái kiến, những người nông dân nghèo thấp cổ bé họng chỉ còn cách lầm lũi mà chịu đựng bất công của cuộc đời. Bao giờ người nông dân nghèo hết khổ?

Dư luận chưa nguôi phẫn nộ “vụ nợ thôn 1,7 triệu đồng “không được chết” của người đàn bà nghèo tật nguyền ở Bắc Giang thì lại thêm những câu chuyện khác cũng khiến dư luận bức xúc, đau lòng không kém.
Đó là câu chuyện cũng của một người đàn bà tật nguyền: Bà Phạm Thị Nguyên, SN 1948, trú tại tổ dân phố 19, khu 4, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.
Bà Nguyên vô cùng ngạc nhiên và sửng sốt khi một lần về thăm quê mới biết mình đã… chết từ năm ngoái.
Truy tìm nguyên nhân, mới hay, giấy chứng tử cho bà là giả mạo và suốt mấy năm nay, khoản tiền trợ cấp người tàn tật của bà đã có người… “nhận giùm”, đó là ông Phạm Bình Thủy, nguyên PBT thường trực Đảng ủy xã.
Còn đây là chuyện của mấy chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo hai thôn Núi Ngỗng và Lương Tri (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) vừa được xã ép mua bò già, gầy, mắc bệnh với giá từ 18,5-20 triệu đồng/con.
 Bà Mang Thị Củi (thôn Núi Ngỗng) bức xúc bên con bò già rụng hết răng. Ảnh: M.Trân/Tuổi Trẻ.
Những hộ nông dân nghèo này thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền 20 triệu đồng/hộ, bao gồm tiền hỗ trợ 5 triệu đồng và vay 15 triệu đồng lãi suất 1,2%/năm, thời gian vay 5 năm.
Lẽ ra, các hộ dân sẽ được nhận số tiền trên để tự đi mua bò về nuôi nhưng các quan xã đã “sốt sắng quan tâm”, đứng ra lãnh lấy trách nhiệm “cao cả” ấy vì dân. Và kết quả là các hộ nghèo bị buộc phải nhận những con bò già, ốm o, bệnh tật, dị dạng.
Hi vọng đổi đời của những người dân nghèo có nguy cơ tan thành mây khói và hơn thế nữa, họ có thể phải ôm lấy cục nợ đối với nhà nước nếu chẳng may những con bò “hết đát” ấy lăn đùng ra chết?
Thế là một chủ trương tốt đẹp của nhà nước đã bị người ta lợi dụng. 
Hình như ai đó vẫn nghĩ, đòi cho được (mà làm sao đòi được nữa?) món nợ phi lí 1,7 triệu đồng của người đàn bà tật nguyền đã chết là sự thực thi nghiêm minh chức phận của mình trước dân? Rồi thì dân nghèo được nhận bò dù là bò già bò bệnh thế cũng là may mắn lắm rồi? Bởi khi thấy dân tỏ ý từ chối, người ta đã đe: Không chịu nhận thì xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo!
Và mới đây nhất, báo chí đã phát hiện, một số xã ở Hậu Giang bắt ép dân phải xây cổng bê tông để đạt chuẩn văn hóa, chuẩn nông thôn mới, nếu không tự đúc theo mẫu mã qui định thì phải nộp 2 triệu đồng để xã làm. Dân còn nghèo, ở nhà lá tạm bợ, chạy ăn từng bữa, vậy mà phải bóp mồm bóp miệng để có được hai cái trụ cổng bê tông đứng chơ vơ giữa trời. Chuẩn nông thôn mới là thế này ư?
Đấy là chưa kể, hàng chục hàng trăm các khoản phí, lệ phí mà người nông dân phải è cổ gánh chịu. Còn có cả thứ phí “nuôi cán bộ” thôn xã nữa. Chả nhẽ tất cả những thứ ấy đều “đúng qui trình”, “hợp lòng dân”?
Biết mình phận con ong cái kiến, những người nông dân nghèo thấp cổ bé họng chỉ còn cách lầm lũi mà chịu đựng bất công của cuộc đời. 
Bao giờ người nông dân nghèo hết khổ?

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
Nguyễn Duy Xuân

Bình luận(0)