Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm…), để quan tâm, chăm lo, kịp thời có chính sách hỗ trợ phù hợp.
|
Ảnh minh hoạ. |
Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết, không để ai không có Tết.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết.
Đặc biệt quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định.
Ngoài ra, cần thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán.
Trước đó, trong kế hoạch chăm lo Tết 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã giao công đoàn cơ sở giám sát việc chi trả các chế độ lương, thưởng Tết cũng như thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tăng ca hợp lý cho người lao động. Theo kiến nghị của đơn vị này, doanh nghiệp cần công khai kế hoạch thưởng Tết chậm nhất trước ngày 19/1/2024.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mặc dù thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động, nhưng với người lao động, dù khó khăn bao nhiêu thì vẫn mong ngóng tiền thưởng Tết. Thưởng Tết ngoài giá trị vật chất còn là động viên tinh thần lớn của người lao động. Doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn coi thưởng Tết là cách giữ chân người lao động, tăng năng suất làm việc.
Để nắm bắt thông tin về lương thưởng dịp Tết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương khảo sát, rà soát và báo cáo tình hình lương, thưởng Tết và quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
Bên cạnh việc rà soát, báo cáo tình hình lương, thưởng Tết, Bộ này cũng sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình cắt giảm đơn hàng, giảm việc làm tại một số ngành nghề; đồng thời chỉ đạo Cục Việc làm và các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành tăng cường kết nối thị trường lao động cuối năm.
Các Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm; hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.