Dự thảo lần 1 Thông tư về nội dung chính của văn bằng đại học vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến.
Văn bản này ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học bao gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự.
Theo đó, 10 nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học gồm:
- Tiêu đề: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
-Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ);
- Tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng;
- Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng;
- Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng;
- Quốc tịch của người được cấp văn bằng;
- Ngành đào tạo;
- Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng;
-Họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định;
- Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng;
Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học được bổ sung các nội dung khác ghi trên văn bằng giáo dục đại học phù hợp với quy định của pháp luật.
Như vậy, so với quy định hiện nay sẽ có nhiều thay đổi lớn về cách thức ghi trên văn bằng giáo dục ĐH. Theo Thông tư số 19/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành mẫu bằng tốt nghiệp ĐH, người tốt nghiệp sẽ được phân biệt về xếp loại bằng tốt nghiệp theo các mức gồm: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình.
Đồng thời, văn bằng theo quy định hiện tại cũng phân biệt rõ ràng hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn.
Đáng chú ý, theo quy định hiện hành có sự phân biệt tên văn bằng tuỳ theo khối ngành đào tạo. Cụ thể, với ngành kỹ thuật là bằng kỹ sư. Ngành kiến trúc là bằng kiến trúc sư. Ngành y là bằng bác sĩ hoặc bằng cử nhân. Ngành dược là bằng dược sĩ hoặc bằng cử nhân. Các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế là bằng cử nhân. Các ngành còn lại ghi là bằng tốt nghiệp ĐH.
Nhưng nếu dự thảo này được thông qua thì bằng tốt nghiệp ĐH sẽ không còn các nội dung trên và tên gọi văn bằng tốt nghiệp trình độ ĐH chỉ gọi chung là bằng cử nhân.