Không phải phụ huynh nào cũng am hiểu về SGK
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2024.
Theo đó, Hội đồng lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục.
Việc Ban đại diện cha mẹ học sinh được vào hội đồng lựa chọn SGK đã gây nhiều ý kiến trái chiều.
|
Đại biểu Nguyễn thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: Mai Loan. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, việc cho phép đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh được tham gia Hội đồng lựa chọn SGK là chưa hợp lý.
Lý do là vì, phụ huynh học sinh không phải ai cũng am hiểu, đủ trình độ chuyên môn về SGK. Trong khi đó, việc lựa chọn SGK mang tính thuần túy học thuật.
“Để so sánh tính ưu việt giữa bộ SGK này và bộ SGK kia, đưa ra kết luận bộ nào là phù hợp, ưu việt nhất với các đối tượng học sinh, nếu đưa đại diện phụ huynh học sinh vào hội đồng lựa chọn SGK với vai trò là một thành viên học thuật thì tôi thấy chưa hợp lý và nó chỉ mang tính hình thức”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Theo bà Nga, nếu để đại diện Ban đại diện phụ huynh tham gia Hội đồng với vai trò theo dõi, giám sát, chứng kiến quá trình lựa chọn SGK thì sẽ hợp lý hơn.
Không nên nhìn một ngữ liệu mà đánh giá toàn bộ về SGK
Thời gian vừa qua, đã có không ít những nội dung trong SGK gây tranh luận, thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt đối với SGK môn Ngữ văn. Nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc về nội dung SGK mới không ổn, đặt câu hỏi về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, Bộ GD&ĐT…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, bà đã hỏi ý kiến nhiều giáo viên về việc dạy bộ môn Ngữ văn theo Chương trình mới, đánh giá ngữ liệu trong SGK…
Theo bà, bất cứ bộ SGK nào cũng tồn tại những vấn đề này kia, tuy nhiên, cần cái nhìn tổng thể, khách quan. Chẳng hạn, nếu chỉ nhìn vào một bài thơ trong sách thì chưa thể đánh giá, kết luận được về SGK, mà quan trọng là đặt trong tổng thể chương trình, và xem yêu cầu, mục tiêu đối với việc dạy bài thơ này trong chương trình là gì.
Thực tế, không phải bây giờ mới có tranh luận về SGK. Chẳng hạn với truyện cổ tích Tấm Cám, cũng đã từng có nhiều quan điểm cho rằng, sao cô Tấm ác thế mà lại đưa giảng dạy, và vẫn ca ngợi cô Tấm.
Nhưng phải đặt truyện Tấm Cám vào trong đặc trưng thể loại của truyện cổ tích, đó là thể hiện mơ ước của nhân dân, ở hiền gặp hiền, ở ác gặp ác. Theo đó, cô Tấm ở đây không chỉ là Tấm nữa, mà là đại diện cho những người dân hiền lành. Còn cô Cám không chỉ là cô Cám, mà là đại diện cho thế lực ác, phải bị tiêu diệt bởi chính tay người dân, người bị áp bức.
“Như vậy, cần phải đặt truyện vào trong bối cảnh, đặc trưng thể loại mới biết được tiếp cận theo hướng nào, chứ không phải tách rời ra một văn bản rồi lên án, hoặc nhân cơ hội bôi nhọ, xuyên tạc SGK”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Về việc có nên coi học sinh cũng là một kênh có thể đánh giá được ngữ liệu, SGK hay không, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, thực tế, có nhiều em trước khi học bài thơ, được yêu cầu cho cảm nhận, các em bảo “chẳng hay gì”, nhưng sau khi được dạy lại nói: “ôi sao hay thế”. “Thế thì học sinh mới cần đi học”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Một điểm mới trong thông tư 27, đó là hội đồng lựa chọn SGK của các trường do hiệu trưởng thành lập. Như vậy, việc thành lập hội đồng chọn sách quay lại tương tự như đầu năm 2020, chứ không còn như 3 năm học vừa qua, hội đồng chọn sách do UBND tỉnh thành lập, các trường chỉ được đóng góp ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá, quy định này rất hợp lý, đúng đắn. Bởi cùng một địa bàn tỉnh, hay một thành phố, nhưng đối tượng học sinh ở các trường không giống nhau. Vì vậy, có thể mỗi trường lại phù hợp với một bộ SGK khác nhau.
Ngoài ra, việc trao quyền này còn tránh được nguy cơ lợi ích nhóm có thể phát sinh trong quá trình chọn SGK. Lý do là vì, chúng ta chỉ có hơn 60 tỉnh, thành phố.
“Nếu các tổ chức, cá nhân xuất bản muốn tỉnh, thành phố lựa chọn bộ sách của mình thì có thể lobby dễ dàng hơn so với nếu để trường chọn thì số lượng các trường rất lớn, nên việc lobby sẽ khó hơn”, bà Nga phân tích.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nói về việc cho phép đại diện Ban đại diện Cha mẹ học sinh tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.