Ngày 24/11, Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) xác nhận đã tiếp nhận nguồn tin về tội phạm từ chị N. (ngụ TP HCM). Nội dung thông tin tiếp nhận thể hiện chị N. tố giác bị các đối tượng chưa rõ lai lịch truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng chiếm đoạt hơn 620 triệu đồng.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, chị N. cho biết chị vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ việc đã xảy đến với mình.
Chị N. kể chiều ngày 23/11, chị bất ngờ nhận được tin nhắn "Ông (Bà) đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Bấm vào www.vnbomo.icu để lấy. Quá hạn sẽ không được chấp nhận" từ số điện thoại +84 56 4170816.
Sau đó chị N. liền bấm vào đường link một trang web trong tin nhắn. Ngay lập tức, đường dẫn nhanh chóng chuyển người truy cập đến giao diện của một trang web được thiết kế tương tự với ứng dụng "Smart Banking" của ngân hàng BIDV, yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản.
|
Vừa hoàn thành đăng nhập, đường link này yêu cầu chị N. tiếp tục cung cấp OTP vừa được tổng đài ngân hàng chuyển về. |
"Do thấy giao diện thiết kế giống y hệt với ứng dụng của ngân hàng nên tôi làm theo mà không đề phòng, kể cả việc nhập mã OTP khi được yêu cầu", chị N. nói.
Thực hiện xong yêu cầu của đường dẫn chứa mã độc, lần đầu tiên kẻ giấu mặt đã lấy đi số tiền 499.900.000 đồng và lần tiếp theo cưỡng mất số tiền 126.000.000 đồng. Cả 2 lần chiếm đoạt tiền trong tài khoản diễn ra trong vòng 30 giây.
Nhiều tháng liền mất việc vì thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, chị N. đã rất vui mừng khi thấy thông báo trên.
"Trước đó, tôi có nghe thông tin tiền Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân và có tin nhắn thông báo đến điện thoại. Khi tôi bấm vào link trong tin nhắn lập tức hiện lên giao diện của ngân hàng tôi đang mở thẻ. Tôi tiếp tục nhập thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng trên giao diện này để kiểm tra tiền trong tài khoản. Không ngờ, vừa thao tác xong thì ngân hàng báo bị trừ hơn 620 triệu đồng" – chị N. kể.
Nhìn số dư tài khoản chỉ còn hơn 100.000 đồng, chị N. bủn rủn tay chân, như người mất hồn. Chị tự trách mình, không dám nói với người nhà vì sợ gia đình lo lắng.
Chị N. nói trong nước mắt số tiền hơn 620 triệu đồng trên chị vừa vay mượn được từ người quen để gom góp trả tiền mặt bằng kinh doanh trong những tháng cửa hàng phải đóng cửa, không có thu nhập.
"Tiền vừa vào tài khoản được hơn 2 tiếng thì sự việc trên diễn ra. Tôi sợ lắm, không biết phải làm sao bây giờ!" – chị N. lo lắng.
Tổng cộng số tiền nằm trong tài khoản ngân hàng BIDV của chị N. bị đánh cắp là 625.900.000 đồng.
Trước đó, giữa tháng 11, Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng đưa ra cảnh báo về việc cơ quan này đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về tin nhắn lừa đảo từ các đầu số: +84563…; +84528… giả mạo thông báo của Bảo hiểm xã hội.
Phương thức chung của kẻ gian là gửi tin nhắn kèm theo đường link đăng nhập một số ứng dụng,
web xấu nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản và thông tin cá nhân. Người nhận mất cảnh giác và đăng nhập vào. Đường link lừa đảo sẽ hiển thị giao diện giống với trang giao dịch điện tử của các ngân hàng họ đang sử dụng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để chiếm dụng tiền.
Cơ quan bảo hiểm khẳng định không gửi bất kỳ tin nhắn nào có nội dung như trên và cảnh báo người dân khi có số điện thoại lạ gửi thông tin đến cần cảnh giác, bình tĩnh xác minh để tránh bị lừa đảo. Người dân có thể gọi đến hotline 1900.9068 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để được giải đáp, tư vấn về gói hỗ trợ từ Quỹ hoặc phản ánh thông tin.