Chiều 22/3, sau khi nghe các luật sư bào chữa cho mình, bà Dương Thị Bạch Diệp đưa ra quan điểm tự bào chữa trước mức án chung thân mà VKS đề nghị.
"Tôi đã nghe bản luận tội và mức án đề nghị cho tôi. Trong lòng tôi rất thanh thản, không một chút suy nghĩ gì", bà Diệp mở đầu phần tự bào chữa.
|
Bà Dương Thị Bạch Diệp. Ảnh: Chí Hùng.
|
"Tôi không mong mỏi gì hơn, chỉ mong được trình bày vì tôi bị án chung thân, án nặng lắm. Năm nay tuổi thật tôi là 77 tuổi, tôi cần làm rõ vì đây là sinh mạng của tôi, danh dự của tôi và gia đình", Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương mong mỏi.
Tại bản luận tội, VKS nhận định nhà đất 57 Cao Thắng là tài sản bà Diệp hứa hoán đổi với tài sản 185 Hai Bà Trưng. Việc không thông báo cho Trung tâm ca nhạc nhẹ tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp cho các khoản vay tại Agribank thể hiện sự gian dối để lừa đảo của bị cáo Diệp.
Trước cáo buộc lừa đảo, bà Diệp cho rằng trong quá trình điều tra và tại tòa, chưa bao giờ bà khai đã thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng. "Trong vụ án này có nhiều uẩn khúc lắm. Tôi ở tù cũng đáng vì tôi quá tin người... Tôi khẳng định bản thân không lừa đảo ai và cũng chưa bao giờ nảy sinh ý định lừa đảo", bà Diệp nói.
Bị cáo khai tại tòa rằng không có hợp đồng công chứng việc thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng để vay 8.700 lượng vàng của Agribank. Nghi hợp đồng trong hồ sơ vụ án là giả, bà Diệp đề nghị được tận mắt thấy bản chính của hợp đồng.
"Tôi muốn có bản chính hợp đồng công chứng trước mặt. Tôi phải được thấy bản chính. Tôi đã kiểm tra và không hề có trong hệ thống Phòng công chứng số 1 và Sở Tư pháp TP.HCM", bị cáo nói trước tòa.
Theo VKS, tại tòa, bị cáo Diệp không thừa nhận nhà đất 57 Cao Thắng là tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Agribank nhưng lời chối tội này không có căn cứ. Theo cơ quan công tố, chính bà Diệp là người ký văn bản họp hội đồng thành viên, hợp đồng công chứng, ký giấy nhận nợ cùng các hợp đồng tín dụng với Agribank.
Đối đáp lại quan điểm này, bà Diệp trình bày với hợp đồng công chứng thì phải có dấu lăn tay của bà thể hiện đã đọc và ký. Nhưng bản hợp đồng trong hồ sơ vụ án chỉ có chữ ký, bà cho rằng hoàn toàn có thể làm giả. "Tôi yêu cầu tôi phải tận mắt thấy hợp đồng công chứng thật mà cho rằng tôi đã ký", bị cáo nhắc lại đề nghị với HĐXX.
"Việc tôi mua tài sản 57 Cao Thắng là có thật, đầu tư xây dựng sửa chữa là có thật. Tôi đã 3 lần photo giấy tờ gửi Sở Tài chính và Trung tâm ca nhạc để thông báo, có bút tích của tôi. Tôi không hề gian dối gì trong việc này", bà Diệp nói.
Về tài sản 185 Hai Bà Trưng, bị cáo thừa nhận khi chưa giải quyết nợ dứt điểm với Agribank mà đem thế chấp nhà đất này cho Sacombank là sai. Điều này bắt nguồn từ việc bà "tức Agribank mới làm vậy chứ không có ý định lừa đảo".
"185 Hai Bà Trưng vẫn còn đó, nợ với Sacombank tôi sẽ giải quyết, lấy giấy tờ về trả lại cho Nhà nước. Giờ nhà đó cho không tôi cũng không muốn. VKS cho rằng tôi có ý chí lừa đảo thì không. Ý chí hoán đổi là tôi có còn ý chí lừa đảo là không", bà Diệp đưa ra quan điểm bào chữa.
Khi bị cáo trình bày những điều đã khai trong các ngày xét xử, chủ tọa Phạm Lương Toản đề nghị bà không nhắc lại.
"Tôi khinh bỉ những người lừa đảo lắm... Tôi đã làm nhục ba tôi và các con. Tôi không van xin gì, tuổi tôi lớn, sức khỏe có hạn. Tôi chỉ mong xã hội, bạn bè làm ăn với tôi hiểu tôi rằng tôi chưa bao giờ biết lừa đảo ai. Đây là sự thật. Mong tòa điều tra tất cả giấy tờ trong vụ án là giả. Tôi đứng đây cách nhà mình 500 m nhưng tôi không về được...", bà Diệp nghẹn giọng, kết thúc phần tự bào chữa.
|
Đại diện VKS phát biểu quan điểm luận tội sáng 22/3. Ảnh: Chí Hùng.
|
Trước đó, bào chữa cho bà Diệp, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng cáo trạng quy buộc bà Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt tài sản 185 Hai Bà Trưng trị giá 186 tỷ đồng là không có căn cứ. Bởi tài sản Nhà nước không bị mất đi và không bị chiếm đoạt. Nhà nước đã xác lập quyền sở hữu đối với tài sản 57 Cao Thắng.
Theo luật sư Hoài, nếu Nhà nước cho rằng việc hoán đổi là sai thì có quyền thu hồi lại tài sản 185 Hai Bà Trưng, đồng thời giao lại tài sản 57 Cao Thắng cho bà Diệp.
Còn các tranh chấp phát sinh trong quan hệ tín dụng với Agribank và Sacombank, nếu không tìm được phương án giải quyết, các bên có quyền khởi kiện ra tòa.