Ngày 15/3 vừa qua, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, quê Bình Định, ngụ TP.HCM) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trước khi vướng vòng lao lý, bà Dương Thị Bạch Diệp là một nữ đại gia bất động sản có tiếng, đại diện theo pháp luật cho 4 Công ty, gồm: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, Công ty TNHH Nam Nam Phương, Công ty TNHH Bất động sản Châu Sơn, Công ty TNHH Bất động sản Nam Đông Dương.
Đầu năm 2019, Công ty TNHH Bất động sản Châu Sơn và Công ty TNHH Bất động sản Nam Đông Dương ngừng hoạt động, chỉ còn lại Diệp Bạch Dương và Nam Nam Phương.
|
Trước khi vướng vào vòng lao lý, bà Dương Thị Bạch Diệp là một nữ đại gia bất động sản có tiếng, sở hữu khối tài sản lên tới cả nghìn tỷ đồng. |
Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương được thành lập tháng 5/2002, đăng ký trụ sở chính tại phường 6, quận 3, TP.HCM, với vốn điều lệ hơn 905,6 tỷ đồng. Trong đó, bà Diệp góp 57,54% vốn, tương đương 521 tỷ đồng. Phần còn lại do bà Nguyễn Thị Châu Hà (con gái bà Diệp) đang định cư tại Australia sở hữu.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn năm 2016 và 2018, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của Diệp Bạch Dương bằng nhau, đều hơn 13 tỷ đồng. Riêng năm 2017, nguồn thu của Công ty đạt 762 tỷ đồng, gấp hơn 55 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tương ứng là 348 tỷ đồng, lãi sau thuế 341 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2016 và 2018, Công ty báo lãi lần lượt là 10 tỷ đồng và 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2018 doanh nghiệp này lại “lọt” danh sách nợ thuế của Cục Thuế TP.HCM đến hai lần (tháng 5 nợ 33,9 tỷ đồng và tháng 10 nợ 35,5 tỷ đồng).
Năm 2019, Diệp Bạch Dương không ghi nhận doanh thu, thậm chí Công ty báo lỗ 271 triệu đồng sau thuế (thời điểm bà Dương Thị Bạch Diệp bị khởi tố).
Tính đến thời điểm cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Diệp Bạch Dương đạt 2.637 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu âm 497 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của doanh nghiệp đã vượt quá vốn điều lệ.
Ngoài ra, năm 2019, Diệp Bạch Dương tiếp tục bị Cục Thuế TP.HCM “bêu tên” với khoản nợ 36,7 tỷ đồng.
|
Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp và ông Nguyễn Thành Tài hầu tòa sáng ngày 15/3/2021. (Ảnh: Vietnamnet). |
Trong khi đó, Công ty TNHH Nam Nam Phương được thành lập vào tháng 4/2004, có trụ sở tại lầu 1, số 28 Lê Văn Hưu, Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Giai đoạn 2016-2019, Nam Nam Phương không ghi nhận doanh thu và đều lỗ nhẹ. Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp này là 74 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 54 tỷ đồng, chiếm 73%.
Theo cáo trạng, năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ có trụ sở tại số 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM xuống cấp. Để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở, đơn vị này đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương. Sau đó, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đã đề nghị xây dựng trụ sở mới cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ tại khu đất số 57 Cao Thắng (quận 3). Đổi lại, mặt bằng số 185 Hai Bà Trưng của trung tâm này sẽ được nhượng lại cho Công ty Diệp Bạch Dương để hợp khối với số 179-181-183 Hai Bà Trưng, phục vụ nhu cầu xây dựng khách sạn 5 sao. Đề nghị này được phía Trung tâm Ca nhạc nhẹ chấp thuận.
Năm 2008, nữ bị cáo Diệp làm đơn gửi UBND TP.HCM xin hoán đổi 2 khu đất trên, nhưng không được chấp nhận. Trong thời gian chờ thỏa thuận hoán đổi, nữ bị cáo đã thế chấp khu đất 57 Cao Thắng cho Ngân hàng Agribank chi nhánh TP.HCM để vay gần 22.000 lượng vàng.
Tháng 3/2010, bị cáo Diệp đến gặp Nguyễn Thành Tài (thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) để trao đổi và đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận việc hoán đổi nêu trên. Ngày 5/3/2010, Nguyễn Thành Tài đã ký văn bản về việc chấp thuận cho hoán đổi 2 tài sản nhà đất 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng.
Sau khi hoán đổi tài sản thành công, nhận giấy tờ sở hữu khu đất 185 Hai Bà Trưng, nữ bị cáo không trả nợ cũ mà mang tài sản đến ngân hàng khác, tiếp tục vay vốn. Từ đó, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu nhà nước - khu đất 185 đường Hai Bà Trưng, có giá trị hơn 186 tỷ đồng.