Năm học mới đã bắt đầu hơn tháng nay, nhưng năm giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) không được đến lớp giảng dạy. Họ nằm trong số 612 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk.
Đưa ra chiếc balô chứa đầy đơn và hồ sơ, thầy Nguyễn Tuấn Anh (giáo viên tin học Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) cho biết đã đi khắp các cơ quan chức năng để hỏi han nhưng chưa được hồi âm thỏa đáng.
Theo đó, ngày 23-7-2015, ông Nguyễn Sỹ Kỷ (thời điểm này là chủ tịch UBND huyện Krông Pắk) ra quyết định ký hợp đồng lao động với thầy Tuấn Anh (hưởng lương bậc 1/9, hệ số 2,34) và giao về Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai.
Lương 1 triệu đồng/tháng
Tương tự, bốn giáo viên khác là Lương Văn Chinh, Trịnh Thị Bích Hạnh, Nguyễn Ánh Dương, H’Dim Niê K’Đăm đều được ông Nguyễn Sỹ Kỷ ký quyết định hợp đồng lao động trong thời điểm từ năm 2013-2015.
Nhưng vào chiều 20-1-2017, nhà trường mời 22 giáo viên dạy hợp đồng lên ký lại hợp đồng thời vụ (từ tháng 2 đến tháng 7-2017), mức lương 1.500.000 đồng/tháng/người. Trừ 32,5% tổng lương để đóng các loại bảo hiểm, mỗi người chỉ còn được nhận 1.002.500 đồng.
Chỉ có 17 giáo viên đồng ý ký hợp đồng thời vụ, năm giáo viên từ chối, yêu cầu nhà trường thực hiện đúng hợp đồng đã ký theo quyết định của UBND huyện.
"Từ đó đến nay, nhà trường đã đơn phương cắt hợp đồng với năm chúng tôi" - thầy Tuấn Anh nhớ lại.
Thầy giáo Nguyễn Ánh Dương cho biết thêm, sau khi năm giáo viên mất việc, người ở nhà phụ gia đình nuôi heo, người làm rẫy, người làm công nhân... "Chúng tôi tứ tán kiếm sống khắp nơi, nhưng vẫn đau đáu muốn trở lại bục giảng" - thầy Dương tâm sự.
"Chúng tôi về trường yêu cầu trường nhận lại chúng tôi về dạy theo như quyết định của UBND huyện Krông Pắk, hoặc cắt hợp đồng theo quy định... nhưng ông Nguyễn Khắc Thành - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai - không chấp nhận" - thầy Tuấn Anh thông tin.
|
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh với chiếc ba lô chứa đầy đơn, hồ sơ đi khắp cơ quan chức năng
|
Trên "đẩy" xuống phải chịu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Khắc Thành thừa nhận có năm giáo viên hợp đồng tại trường đang nghỉ dạy. Việc trường phải ký hợp đồng lại với các giáo viên cũng là bất đắc dĩ.
Theo ông Thành, năm học trước trường được Phòng tài chính huyện chi lương cho 66 biên chế, nay giảm xuống còn 56 biên chế.
"Hiện chúng tôi đã làm báo cáo gửi Phòng GD-ĐT, Nội vụ, Tài chính và UBND huyện báo cáo việc nhà trường còn dư bảy biên chế (không được huyện trả lương), đề nghị huyện luân chuyển, có giải pháp.
Ngoài ra, hiện có 15 giáo viên ký hợp đồng thời vụ (ký lại vào tháng 1-2017) với mức lương rất thấp, và năm giáo viên đang nghỉ ngang" - ông Thành nói.
Theo ông Thành, nhiều năm nay UBND huyện liên tục giao biên chế về nhưng không giao đủ tiền lương (so với số người giao về), nên nhà trường rất khó xoay xở.
"Vì vậy trường mới gọi các giáo viên lên, yêu cầu ký lại hợp đồng thời vụ với mức lương thấp thì mới có đủ kinh phí duy trì. Thế nhưng năm giáo viên trên không chấp nhận" - ông Thành nói.
Tương tự, ở Trường THCS Ea Phê (xã Ea Phê, huyện Krông Pắk), 10 giáo viên có biên chế nhưng không có tiết để dạy. Ngoài ra, trường cũng có bảy giáo viên hợp đồng dài hạn ngồi chơi xơi nước, nhận mức lương rất thấp, luôn thấp thỏm không biết khi nào mất việc.
Thế khó của cơ sở
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tình trạng trên diễn ra ở không ít trường tại địa phương này. "Trên họ cứ "đẩy" xuống. Nhận thì không sắp xếp được chỗ dạy, thiếu tiền trả lương, nhưng không nhận không được" - một hiệu trưởng bức xúc.
Ông Phạm Xuân Vinh - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk - cho biết đã yêu cầu hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai báo cáo về việc các giáo viên không được dạy trong năm học này.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, phòng chỉ phụ trách chuyên môn, còn các hiệu trưởng liên hệ trực tiếp Phòng tài chính việc xin cấp kinh phí chi thường xuyên. Về số giáo viên dôi dư, ông Vinh nói đã yêu cầu các trường ký hợp đồng ngắn hạn với các giáo viên, chờ phương án giải quyết của huyện, tỉnh.
Ông Lê Quang Đương - chánh văn phòng Sở Nội vụ Đắk Lắk - cho biết sở đã có báo cáo và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã thống nhất giao UBND huyện Krông Pắk thực hiện giải quyết việc hơn 600 giáo viên dôi dư trên toàn huyện này.
Còn theo ông Y Suôn Byă - chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, sẽ "tuyển đặc cách và đại trà số giáo viên dôi dư này, dứt điểm trong năm 2017". Tuyển thế nào thì cơ quan chuyên môn của huyện đang lập kế hoạch để trình cơ quan chức năng phê duyệt trước khi tiến hành.