Thực hiện công văn số 4169/BNV-CCVC ngày 11/9/2015 của Bộ Nội vụ về việc chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên, nội dung: “Qua một số phương tiện thông tin truyền thông đã phản ánh việc 214 giáo viên của hai đơn vị thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã bị chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 30/9/2015, gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống và tâm lý của các giáo viên, phát hiện có những dấu hiệu tiêu cực để có suất dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn này”, Sở Nội vụ Hà Tĩnh đã có báo cáo, giải trình chi tiết tới Bộ Nội vụ.
Triển khai văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp đã tổ chức họp với UBND huyện Kỳ Anh và UBND thị xã Kỳ Anh hướng dẫn quy trình chấm dứt hợp đồng, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc chấm dứt hợp đồng; giải quyết chế độ cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng.
|
Đại diện 214 giáo viên tại Hà Tĩnh đi gửi đơn thư kêu cứu lên Bộ Nội vụ.
|
Ngày 25/8/2015, UBND huyện Kỳ Anh đã tổ chức gặp 142 lao động hợp đồng các trường tiểu học, mầm non và trung học. Ngày 23/8, UBND thị xã Kỳ Anh cũng gặp 36 lao động hợp đồng tại các trường trung học cơ sở. Nội dung các cuộc gặp là thông báo chủ trương của UBND tỉnh về chấm dứt hợp đồng, giải thích, tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, quyền lợi người lao động khi kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi kết thúc hợp đồng, 214 giáo viên mất việc tại Hà Tĩnh đã vô cùng bất ngờ và họ không đồng ý về việc sau nhiều năm giảng dạy, họ bỗng nhiên bị cắt hợp đồng chỉ với lý do... hết hạn.
Đại diện của 214 giáo viên đã ra Hà Nội gửi đơn thư kêu cứu lên các lãnh đạo ban ngành và lên các cơ quan báo chí truyền thông để bày tỏ nguyện vọng của mình.
Ngày 15/10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho hay, Bộ Nội vụ đã nhận được thông tin 214 giáo viên gửi đơn thư kêu cứu đến Bộ và đồng thời cũng nhận được báo cáo của của Hà Tĩnh, Bộ Nội vụ sẽ vào kiểm tra trực tiếp trước khi có kết luận cuối cùng về vụ việc này. Hiện tại kế hoạch kiểm tra đã được trình lãnh đạo Bộ Nội vụ và sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Việc Hà Tĩnh chấm dứt hợp đồng với 214 giáo viên sau rất nhiều năm công tác (từ 4-12 năm các giáo viên công tác giảng dạy) là không đúng với quy định của Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó việc tái diễn ký hợp đồng nhiều lần đối với đối tượng hợp đồng không tham gia bảo hiểm xã hội là chưa đúng so với Luật Lao động hiện hành. Đây sẽ là những điểm nhấn để Bộ Nội vụ cần phải vào cuộc kiểm tra và làm rõ.
Cũng theo luật sư Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân: Luật lao động quy định, hợp đồng được ký 3 lần thì phải chuyển sang dài hạn. Còn ở Kỳ Anh, có những giáo viên trong quá trình làm việc thời gian dù 3 năm hay 5 năm, 10 năm, các cô vẫn chỉ được hưởng một mức lương đóng khung duy nhất, không được tăng lương, nâng bậc.
Điều này, dưới góc độ về Luật Lao động chế độ tiền lương và luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều không đúng. Hợp đồng Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh ký với các giáo viên này hoàn toàn sai so với những nguyên tắc cơ bản của luật giáo dục, viên chức và Luật Lao động.
Trong các hợp đồng mà lãnh đạo huyện Kỳ Anh ký với các giáo viên, có những người dạy trên 10 năm, hưởng 85% lương nhưng lại không được giải quyết về vấn đề bảo hiểm xã hội. Điều này là trái với các quy định pháp luật.