Vụ án anh chém cả nhà em gái ở Thái Nguyên được cho rằng xuất phát từ mâu thuẫn trong việc vay mượn số tiền 3 tỷ đồng. Dư luận đặt ra câu hỏi pháp lý xung quanh việc nợ nần phát sinh mâu thuẫn mà không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng thì sẽ là nguyên nhân của nhiều vụ xung đột, có khi thành án mạng.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nợ nần mà không được giải quyết thỏa đáng, đúng đắn, triệt để là nguyên nhân xuất phát của những mâu thuẫn. Khi việc đòi nợ không có hiệu quả mà các bên không đưa vấn đề ra pháp luật hoặc không tin tưởng vào pháp luật nữa thì nhiều người sẽ chọn giải pháp tiêu cực là “tự xử”, chấp nhận trở thành tội phạm để trả thù người nợ tiền.
Theo quy định pháp luật thì vay mượn tài sản là quan hệ dân sự được pháp luật thừa nhận. Việc vay nợ có thể có lãi suất hoặc không có lãi suất, có thể có tài sản đảm bảo hoặc không có tài sản đảm bảo (theo hình thức tín chấp).
Khi hai bên có mâu thuẫn về việc vay mượn hoặc mâu thuẫn về việc thanh toán, trả nợ thì vụ việc có thể được giải quyết bằng cách thỏa thuận, thương lượng, hoà giải tự nguyện giữa các bên. Khi có tranh chấp về quan hệ vay mượn tài sản như: Bên vay không trả nợ đúng hạn, trả nợ không đủ... mà hai bên không thể tự giải quyết được thì các bên có thể giải quyết qua trung gian, hòa giải hoặc đưa đơn tới cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố tụng hình sự (nếu có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).
|
Hiện trường vụ án và đối tượng Bùi Xuân Hồng. (Ảnh lớn: Báo Thái Nguyên). |
Tuy nhiên, nhiều người do nóng vội hoặc do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc cũng có thể do thiếu niềm tin vào pháp luật nên đã "tự xử", tự đòi nợ bằng các hành động tiêu cực như dùng vũ lực đe dọa uy hiếp để đòi nợ, thậm chí, sát hại, trả thù người nợ tiền... dẫn đến từ một quan hệ dân sự thuần tuý, thân thiết, câu chuyện giúp đỡ, ơn huệ, bỗng chốc trở thành một vụ án hình sự mà người phạm tội lại chính là chủ nợ. Như trong vụ việc này là việc đối tượng Bùi Xuân Hồng cho gia đình em gái Bùi Thu Hà nảy sinh mâu thuẫn trong việc đòi nợ nên dẫn đến những hành động tiêu cực.
Trong tất các các vụ mâu thuẫn xuất phát từ quan hệ vay nợ dân sự thì mối quan hệ giữa các bên từ tích cực, dần dần sở thành tiêu cực (trừ trường hợp vay nợ thông qua tín dụng đen).
Phân tích về việc vay nợ giữa những người thân thích, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong cuộc sống thì ai không tránh khỏi lúc khó khăn, cần sự giúp đỡ của người khác. Với những khó khăn về tiền bạc, vật chất thì rất cần có sự giúp đỡ của người thân, bạn bè bằng cách cho vay, cho mượn. Trong tình huống gấp gáp, vay nợ không có lãi suất hoặc lãi suất thấp thì người cho vay, cho mượn sẽ luôn là những người thân quen, những người coi trọng tình cảm hơn tài sản. Bởi vậy, trong quan hệ vay mượn luôn hàm chứa cái tình, sự biết ơn, mang ơn giữa người đi vay và người cho vay.
Những khoản vay xuất phát từ mối quan hệ tình cảm như vậy thường là không có lãi suất hoặc lãi suất không đáng kể và không có tài sản đảm bảo. Đảm bảo cho việc trả nợ sau này chỉ là uy tín, tình cảm (tín chấp) giữa các bên nên người cho vay luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người đi vay bội ước hoặc lâm vào tình trạng khó khăn, phá sản...
Với những giao dịch vay nợ qua ngân hàng có tài sản đảm bảo hoặc qua các tổ chức tín dụng, các cơ sở tài chính có bảo đảm bằng cầm cố, thế chấp, có lãi suất, thậm chí lãi cao.... thì đây là quan kinh tế sòng phẳng, sẽ không đặt nặng câu chuyện ơn huệ.
Nhưng đối với các khoản vay nợ giữa những người thân, bạn bè, người trong gia đình mà chuyện vay mượn thường diễn ra vào bối cảnh người đi vay đang gặp khó khăn, hoạn nạn, việc vay nợ lại không có tài sản đảm bảo, thậm chí không viết giấy tờ, quan hệ cho vay, cho mượn hoàn toàn dựa vào tình cảm, niềm tin với nhau, họ coi trọng tình cảm hơn số tiền cho vay - Tín chấp.
Chính vì vậy, khi đòi nợ không được thì người cho vay thường bực tức, nghĩ rằng người đi vay không biết điều, vô ơn... Còn người đi vay nhiều khi không hiểu đạo lý, lại nghĩ rằng người ta phải có trách nhiệm giúp đỡ mình, khi mình chưa có thì không được đòi...
Những suy nghĩ khác nhau, lời ra tiếng vào, một bên coi rằng cho vay là nghĩa vụ của người thân, bên cho vay lại nghĩ rằng người đi vay vô ơn, ăn chặn, chiếm đoạt tài sản của người mang ơn, người thân... khiến mâu thuẫn ngày càng lên cao, có khi đến đỉnh điểm không kiểm soát được hành vi, không kiềm chế được cảm xúc, thế là án mạng có thể xảy ra.
Chính vì sự am hiểu không đầy đủ về bản chất vấn đề, thêm vào đó là lòng tham và sự ích kỷ đã đẩy mối quan hệ tốt đẹp trước khi cho vay trở thành mâu thuẫn, căng thẳng giữa các bên.
Khi quá trình đòi nợ kéo dài thì mỗi lần đòi nợ là một lần mâu thuẫn lên cao, tình cảm dần sứt mẻ, những suy nghĩ tiêu cực dần dần tích tụ, thậm chí một số trường hợp người cho vay do đòi nợ không được, bị xúc phạm, bị coi thường nên đã nảy sinh ý định trả thù theo hướng mình mà mất tài sản thì nó phải bỏ mạng, nó không coi mình là người thân, nó vô ơn, tham lam, lừa lọc, “nó nghĩ mình ngu, không dám làm gì nó...”!
Thêm vào đó là thái độ không đúng mực của người nợ tiền, có thể là vô cảm, vô trách nhiệm hoặc khiêu khích, thách thức... khiến cảm xúc của người đi đòi nợ bùng nổ, mất kiểm soát, thêm vào đó những suy nghĩ tiêu cực kéo dài khiến nhiều người đòi nợ đã thực hiện hành động trả thù, sẵn sàng ra tay, sát hại con nợ.
Với những người bản tính hung hãn, suy nghĩ thiển cận, tính tình nóng nảy, nhận thức hạn chế thì rất dễ bùng phát cảm xúc và thực hiện hành vi thiếu kiểm soát, vi phạm pháp luật khi đòi nợ.
Còn đối với những người chín chắn, có học thức, có tuổi tác, trải nghiệm nhưng khi cái tôi quá lớn, tính ích kỷ có sẵn trong con người và khả năng kiềm chế cảm xúc, điều kiểm soát vi hạn chế thì vẫn có thể khiến những người này có suy nghĩ và hành động tiêu cực khi bị bội tín trong các quan hệ cho vay.
Trong số những người có suy nghĩ và hành động tiêu cực như vậy thì có một số không hiểu biết pháp luật, không vận dụng pháp luật để thực hiện thủ tục đòi nợ một cách hợp pháp, số khác thì thiếu niềm tin vào công lý hoặc không đủ kiên nhẫn để chờ đợi công lý, cho rằng việc kiện tụng kéo dài, phức tạp, tốn kém, khi kiện xong thì con nợ cũng tẩu tán hết tài sản, cuối cùng rồi cũng lại về không nên đã có hành động tiêu cực.
Dưới góc độ pháp lý thì pháp luật cho phép trong quan hệ vay mượn, các bên có thể thoả thuận áp dụng các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự như: Cầm cố, thế chấp, đặt cọc, bảo lãnh.... để giảm thiếu rủi ro cho người cho vay, dễ dàng hơn khi đòi nợ. Tuy nhiên, trong các quan hệ vay mượn giữa những người thân thì nhiều người lại e ngại khi vận dụng các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thậm chí việc giao nhận tiền còn đưa tay, không viết giấy.
Bởi vậy, khi đến hạn trả nợ hoặc khi đòi nợ mà người vay không trả thì người cho vay sẽ khó khăn về mặt pháp lý để khởi kiện đòi nợ hoặc việc đòi nợ không mang lại nhiều hiệu quả (đối tượng vay không còn tài sản để đảm bảo thi hành án....).
Chính vì những sơ hở, thiếu sót do yếu tố tình cảm chi phối khiến các giao dịch vay mượn giữa những người thân, ruột thịt như những "hiệp ước quân tử", khi một bên bội ước thì mất luôn cả tình cảm và tài sản. Một số trường hợp thì mâu thuẫn do vay nợ nói miệng, trả tiền đưa tay, không có giấy tờ nên lúc nhớ, lúc quên, bên nhớ bên quên dẫn đến tranh chấp, mẫu thuẫn, khi đó cả hai bên đều suy nghĩ rất tiêu cực, tôi tệ về nhau dẫn đến mâu thuẫn dễ dàng phát sinh và có thể lên đến đỉnh điểm.
Pháp luật cho phép người cho vay tiền có thể khởi kiện để đòi nợ hoặc tố cáo người vay tiền đến công an nếu thấy có dấu hiệu lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng không phải vụ nào cũng được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật khiến nhiều người nghi ngại, ngại kiện tụng và không biết thủ tục thế nào, phải bắt đầu từ đâu.
Sự thiếu hiểu biết pháp luật hoặc thiếu niềm tin vào pháp luật, thêm vào đó là sơ hở, thiếu kín kẽ trong "hiệp ước quân tử" vay mượn khiến người đòi nợ lâm vào bế tắc, bức xúc. Nếu giá trị tài sản lớn hoặc bị áp lực về tiền bạc, thêm vào đó là thái độ không đúng mức của người nợ tiền (đáng ra người vay phải biết ơn, phải tìm mọi cách thể hiện sự thiện chí trong việc trả nợ nhưng lại không làm thế) khiến cảm xúc của người đòi nợ bùng nổ, hành vi thiếu kiểm soát dẫn đến người đòi nợ từ nạn nhân trở thành kẻ sát nhân, đổi mạng để trả thù.
Đó là những câu chuyện đau lòng thường diễn ra trong quan hệ vay mượn dân sự giữa những người thân. Bởi vậy, hiểu biết pháp luật, vận dụng pháp luật, tôn trọng pháp luật và tôn trọng lẫn nhau, khi đặt mình vào vị trí người khác để ứng xử thì mới giảm bớt được những vụ án đau lòng như vậy. Khi tình cảm luôn được đề cao ở cả hai bên, vấn đề đạo đức được duy trì, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, lọt sàng xuống nia, anh em như chân với tay... Tính ích kỷ, lòng tham, sự đố kỵ giảm bớt thì mới hóa giải được các mâu thuẫn xung đột trong các quan hệ vay mượn như thế này.