Đây là thời điểm lái xe đường dài rất dễ “lơ là” tay lái sau khi ăn xong bữa trưa, nhất là trên các cung đường đẹp, xe cứ thế “mát ga”.
Tại chốt kiểm soát của Cảnh sát giao thông (CSGT), tài xế chiếc xe tải chạy hướng Lào Cai-Hà Nội đã được mời xuống kiểm tra giấy tờ. Từ xa quan sát, một thoáng lúng túng của lái xe trẻ khi bước xuống đã khiến Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng - Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 1 (Cục CSGT) chú ý. Ra hiệu lệnh cho tổ công tác mời tài xế test nhanh với ma túy, tài xế lập tức phản ứng, tìm cách thoái lui. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm nhiều năm đứng chốt xử lý vi phạm, sau hơn nửa tiếng nói chuyện, giải thích, tài xế đã đồng ý thực hiện test nhanh bằng nước tiểu. Những tưởng thế là suôn sẻ, nhưng khi ra phía sau ô tô, lái xe này lập tức lấy trong túi quần ra một chai nhựa nho nhỏ đựng nước tiểu đã chuẩn bị sẵn rồi quay vào đưa cho CSGT. Hiểu ngay sự “lập lờ”, đồng chí đội trưởng đã yêu cầu tài xế thực hiện nghiêm túc việc lấy chất test một lần nữa. Không nằm ngoài dự đoán, kết quả lái xe dương tính với ma túy.
Cùng ngày này tại Km188+300 trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình tổ công tác Đội 3 trong khi làm nhiệm vụ đã phát hiện lái xe Phạm Văn H (SN 1990, trú tại Quảng Bình) điều khiển xe ô tô đầu kéo biển số 73C-070.5x kéo theo sơmi rơmoóc biển số 73R-070.4x có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành dừng phương tiện để kiểm tra. Sau khi test nhanh ma túy đối với lái xe đã phát hiện lái xe dương tính với chất ma túy (methamphetamine) một dạng ma túy tổng hợp. Đội 3 đã tiến hành lập biển bản xử lý vi phạm hành chính đối với lái xe H.
Kiểm tra nồng độ cồn của lái xe.
Nhưng đó chỉ là 2 trong số hàng chục trường hợp lái xe dương tính với ma túy bị lực lượng CSGT phát hiện trong những ngày qua. Theo Cục CSGT, sau 10 ngày ra quân thực hiện cao điểm kiểm soát các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, ma túy trên các tuyến đường cao tốc theo chỉ đạo của Bộ Công an (từ ngày 2/8 - 12/8), lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản 76 trường hợp vi phạm về ma túy, nồng độ cồn, gồm 2 xe khách, 9 xe tải, 57 xe con, 6 xe đầu kéo và 2 xe mô tô. Trong số này, vi phạm về ma túy phát hiện 20 trường hợp (1 xe khách, 4 xe tải, 11 xe con, 4 xe đầu kéo), phạt tiền hơn 700 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 18 trường hợp, tạm giữ 20 phương tiện. Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 1, Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT đã phát hiện nhiều nhất với 9 trường hợp. Trước đó, trong 4 ngày nghỉ lễ (30-4 và 1-5 vừa qua) lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 24.061 trường hợp vi phạm (trong đó có 3.371 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 22 trường hợp lái xe dương tính với ma túy).
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết, trong nhiều năm qua, thực trạng lái xe sử dụng ma túy vẫn còn diễn ra, nhiều vụ tai nạn xảy ra bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe "phê" ma túy nên đã không làm chủ được tay lái. Do khoán sản phẩm hàng hóa, nhất là vào các dịp cuối năm hoặc chiến dịch vận chuyển hàng hóa đã gây áp lực cho lái xe, trong đó có cả lái xe container, xe siêu trường, siêu trọng, xe tải… Mặt khác, lái xe muốn chạy tăng chuyến, tăng ca, tăng hàng hóa, lái xe chạy đường dài, đường trường, chạy ban đêm dẫn đến mệt mỏi. Để có "sức khỏe" lái xe sử dụng chất kích thích, ma túy tổng hợp vì họ coi đó là thuốc "an thần" để giữ tỉnh táo khi làm việc. Mặc dù mức xử phạt cao nhất đối với lái xe trong cơ thể có chất ma túy đến 35-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều lái xe vi phạm.
Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, để xử lý một trường hợp nghi sử dụng ma túy, lực lượng chức năng thường mất chừng 1-2 tiếng. Không như các vi phạm khác, với các trường hợp nghi ngờ, CSGT phải tế nhị đề nghị họ thử. Điều đặc biệt cần lưu ý là giám sát quá trình lấy mẫu thử, và không xử lý nhiều trường hợp cùng một lúc vì tài xế rất dễ xin nhau mẫu. Như vậy, kết quả sẽ không còn chính xác. Còn chuyện tài xế “chây ỳ” viện đủ lý do không thử thì khá nhiều. “Nên chăng để xử lý nghiêm các lái xe này, ngoài việc phạt tiền, tước giấy phép lái xe, cần xử phạt nghiêm cả chủ doanh nghiệp vận tải”, Thượng tá Thắng đề xuất.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, không ít trường hợp tài xế tìm cách qua mặt doanh nghiệp vận tải. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng gần như không hiệu quả bởi nhiều trường hợp giấy chứng nhận sức khỏe không đáng tin cậy. “Thậm chí, tài xế còn đối phó bằng việc ngưng sử dụng chất kích thích một thời gian hay sử dụng thuốc giải trước mỗi lần khám sức khỏe định kỳ. Cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc kiểm tra, xác định tài xế có sử dụng ma túy hay không, bởi thực tế là lực lượng chức năng trên đường chưa có đủ chuyên môn về y tế và không có dụng cụ lấy mẫu để kiểm tra lái xe có sử dụng chất gây nghiện”, ông Thanh nói.
Là quản lý của doanh nghiệp vận tải đường dài lâu năm, ông Đỗ Văn Bằng, chủ hãng xe Sao Việt cũng nhìn nhận, tình trạng lái xe sử dụng chất ma túy tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ lớn. Vì vậy, để ngăn tình trạng lái xe sử dụng ma túy tham gia giao thông, các doanh nghiệp vận tải cần có cách thức để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, tuân thủ quy định kiểm tra sức khỏe định kỳ lái xe 6 tháng/lần. Khi nghi ngờ, cần kiểm tra ngay, nếu phát hiện sử dụng chất kích thích buộc phải sa thải ngay lập tức. Tuy nhiên, theo ông Bằng, hiện nay chưa có một cơ sở dữ liệu nào giám sát các tài xế từng vi phạm sử dụng chất ma túy nên xuất hiện tình trạng lái xe bị sa thải tại doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đi xin việc tại một doanh nghiệp khác với bộ hồ sơ mới, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng để tránh phát hiện sử dụng ma túy khi đi khám sức khỏe. Thậm chí, khi tài xế bị lực lượng chức năng phát hiện sử dụng ma túy trên đường, bị phạt tiền và tước GPLX, sau một thời gian vẫn có thể đi thi lại bằng lái xe khác và tiếp tục hành nghề.
Để ngăn ngừa tình trạng lái xe sử dụng ma túy vẫn cố tình lưu thông trên đường, lực lượng CSGT sẽ kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đối với các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy, lực lượng chức năng sẽ tổ chức xác minh về nhân thân, thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã nơi người đó làm việc, cư trú để có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng chống ma túy; kiến nghị với ngành giao thông vận tải có biện pháp trong việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe….
Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật cần tăng cường biện pháp quản lý lái xe của doanh nghiệp, kiên quyết không sử dụng lái xe sử dụng chất ma túy; phải kiểm tra việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác trước khi giao phương tiện cho lái xe; thường xuyên thực hiện công tác khám sức khỏe. Với các trung tâm đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe phải thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác đào tạo nhằm bảo đảm học viên có đầy đủ kiến thức, kĩ năng khi điều khiển phương tiện.