Ám ảnh cái chết đau lòng ba người dưới hầm sâu

Google News

Hai ngôi nhà cách nhau chưa đầy 10m có đến 3 cái chết cùng một ngày khiến cho không khí tang thương tại bản Chảo, xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) càng tăng lên.

Những nạn nhân trong vụ sập hầm khi đi mót quặng là những gia đình hộ nghèo của bản, những đứa con thơ, cả đứa bị bạo bệnh cũng trông chờ vào những đồng bán quặng để đi học và đi bệnh viện, giờ đây không biết sẽ ra sao…
Am anh cai chet dau long ba nguoi duoi ham sau
Người chồng kể lại giây phút bới đất đá tìm thi thể người vợ bất tỉnh và tử vong sau đó. 
Buổi chiều định mệnh, ba mạng người dưới hầm quặng
Những ngày qua, không khí u ám bao trùm từng con đường dẫn vào bản Chảo nơi ba nạn nhân bị sập hầm, tử vong trong khi đi mót quặng tại núi Lan Toong. Vụ tai nạn xảy ra vào 14h30 ngày 13/3 khiến vợ chồng anh Lương Văn Tuấn (42 tuổi), chị Lương Thị Hảo (37 tuổi) và chị Sầm Thị Hải (32 tuổi) tử vong. Dù đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tai nạn sập hầm mỏ tại đây, nhưng chưa lúc nào cùng một lúc họ lại chứng kiến ba người trong cùng một bản ra đi.
Một trong những nhân chứng tại buổi chiều định mệnh đó là anh Trương Văn Hiền (30 tuổi, chồng nạn nhân Sầm Thị Hải) là người đi mót quặng nhớ lại. “Sau khi ăn xong bữa trưa, vợ chồng tôi cùng khoảng 20 người rủ nhau lên núi Lan Toong để mót quặng. Đến nơi cũng hơn 1 giờ chiều rồi, mỗi người tìm một nhánh hầm trong bãi khai thác để đào mót quặng.
Vợ tôi cùng vợ chồng anh Tuấn chị Hảo vào chung một nhánh hầm, còn tôi đi đào nhánh khác cách đó không xa. Chỉ khoảng 15 phút đào quặng thì nghe thấy bên nhánh của vợ tôi đổ sập xuống, mọi người hốt hoảng chạy ra ngoài, thấy chỗ vợ tôi đất đổ sập xuống vùi lấp tất cả. Tôi cùng nhiều người bới đất đá, sau đó tìm được vợ đưa lên nhưng cũng không cứu được vợ vì bị ngạt quá lâu”.
Những người dân còn lại tiếp tục bới đất đá tìm vợ chồng anh Tuấn chị Hảo, vụ việc cũng được trình báo chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng để hỗ trợ để tìm kiếm các nạn nhân. Lãnh đạo huyện, lực lượng công an, dân quân cùng với lực lượng cán bộ, chính quyền xã lập tức có mặt sau đó để tìm phương án tìm kiếm. Qua khảo sát nhận thấy điểm gặp nạn cách miệng hầm khoảng 40m, lực lượng cứu hộ đã đào đất để mở đường đến điểm bị sập, hai nạn nhân xấu số cũng được tìm thấy sau đó tuy nhiên cả hai đã tử vong.
Ba cái chết thương tâm xảy ra trong buổi chiều, cướp đi người vợ, người mẹ, người cha của những đứa trẻ thơ vô tội. Bà Sầm Thị Phương (cô ruột của nạn nhân Hải) nhớ lại, “Đầu giờ chiều nghe điển thoại người trong bản điện về có vụ sập hầm mỏ trên núi nhưng chưa rõ đâu đuôi ra sao vì cũng không nghe rõ. Không lâu sau đó, người ta điện về thông báo là thằng Hiền và vợ là con Hải bị sập hầm, đang bị vùi lấp bên trong…”.
Mót quặng chữa bệnh cho con
Gia đình anh Tuấn thuộc diện hộ cận nghèo mới thoát nghèo được vài tháng, con đầu mới đi làm ăn xa, hai đứa nhỏ sau do kinh tế khó khăn phải nghỉ học giữa chừng. Đau lòng hơn là một trong hai đứa lại bị chứng bệnh khó chữa não úng thủy khiến gia đình phải dồn tiền vào đưa cháu đi cứu chữa khắp nơi. Gia đình chị Hải anh chị Hiền cũng có hai đứa con, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi, cả hai đang tuổi ăn tuổi học. Nhìn hai đứa nhỏ bơ vơ chị Lương Thị Lan – chị gái nạn nhân Hảo nức nở nói “Hai vợ chồng mấy hôm nay đi mót quặng gom góp để cuối tháng đưa đứa út đi bệnh viện khám. Giờ thì người không còn, quặng không thấy, mấy đứa nhỏ không biết giờ ra sao, đứa bé út lại đau ốm, bệnh tật nữa…”.
Am anh cai chet dau long ba nguoi duoi ham sau-Hinh-2
Hiện trường vụ vỡ đập bùn thải tại mỏ khai thác Cty Kim loại màu Nghệ Tĩnh năm 2017. 
Đau lòng hơn khi đứa nhỏ kéo tay người dì bảo “dì gọi bố mẹ dậy ăn cơm với em”. Ông Lương Thanh Nhàn – anh trai anh Tuấn kể lại, “Hai đứa nhỏ chưa biết bố mẹ chết là như thế nào cả, lúc mới đưa hai vợ chồng chú Tuấn về cho vào trong quan tài thì đứa con út cứ bám lấy, dù chưa ăn uống gì nhưng ai mua kẹo hay cho gì nó cũng không chịu ăn mà bảo “chờ bố mẹ ngủ dậy để ăn cơm cùng” khiến ai nấy đều khóc theo”.
Con đường từ bản Chảo lên núi Lan Toong nơi có các mỏ quặng đã hết phép khai thác, đóng cửa cũng mất cả tiếng đồng hồ đi bộ, nếu đi xe máy thì phải tay lái chuẩn mới đi được. Nếu đi bằng xe ô tô thì chỉ có thể đi bằng xe tải, hoặc xe hai cầu, trời mưa thì không thể vào khu này bằng phương tiện gì.
Bà Phương chia sẻ, “Ai cũng biết là vào khu vực mỏ khai thác mót quặng hết sức nguy hiểm, cũng có những vụ tai nạn xảy ra trước đó trong những năm trước. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, cần tiền cho con đi học, đi chữa bệnh nên ai cũng liều mình để kiếm thêm đồng ra đồng vào”.
Giá quặng bán cho các đầu nậu hoặc các công ty khai thác quặng giá khoảng 130 ngàn đồng/1kg, một người cả buổi chiều hì hục cũng được trên dưới 1kg, nếu đi cả vợ cả chồng thì tầm 2kg quặng. Với số tiền này, đối với họ là cả một số tiền lớn để trang trải cuộc sống, vì thế mỗi khi không có việc làm, trời nắng ráo họ lại rủ nhau lên núi mót quặng.
Theo thông tin từ UBND huyện Quỳ Hợp, khu vực xảy ra tai nạn là núi Lan Toong có 4 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng đến nay chỉ còn một công ty đang khai thác là của Cty khoán sang Hà An. Hai điểm mỏ của Cty khai thác khoáng sản Tuấn Hùng và Cty Phủ Quỳ đã có quyết định của UBND tỉnh về đóng cửa mỏ. Riêng điểm mỏ của Cty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh đang bị đình chỉ khai thác từ năm 2017 do vụ vỡ đập chứa bùn thải trên núi. Điểm ba nạn nhân bị sập hầm là của Cty Tuấn Hùng đã đóng cửa từ lâu, huyện giao cho địa phương quản lý.
Chính quyền các cấp đã có nhiều văn bản tuyên truyền, phổ biến khuyến cáo người dân không vào các điểm mỏ khai thác, mót quặng vì tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Tuy nhiên, vì cuộc sống còn khó khăn nên nhiều hộ dân vẫn lén lút tranh thủ lúc nông nhàn rủ nhau đi mót, vét quặng để tăng thêm thu nhập. Hiện trước mắt huyện đã hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân số tiền hơn 5 triệu đồng để lo hậu sự… Đây là bài học đắt giá cho những người dân mạo hiểm, liều mình để đi mót quặng bất chấp nguy hiểm, hi vọng sẽ không còn cái chết nào xảy ra ở vùng quê nghèo này…
Theo Ngô Toàn/Báo Pháp Luật

>> xem thêm

Bình luận(0)