Bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, trú tại xã Song Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) – “nhân chứng” mới - chính là tâm điểm của phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung trong vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Sự xuất hiện của người phụ nữ này gây sự chú ý của dư luận vì trước khi phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung diễn ra, bà Hà đã có đơn đến các cơ quan tiến hành tố tụng, báo chí về kiến nghị làm rõ việc Lý Nguyễn Chung có phải là hung thủ giết chị Nguyễn Thị Hoan hay không.
Bà Hà còn đề nghị tạm hoãn việc chi trả 7,2 tỉ đồng bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Để rộng đường dư luận cũng như xem xét khách quan, toàn diện vụ án, TAND tỉnh Bắc Giang đã có trả lời việc xem xét đơn kiến nghị của bà Hà tại phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung.
Tại phiên tòa diễn ra từ ngày 21-23/7, trong phần trả lời thẩm vấn HĐXX, bà Hà cho rằng, Chung không phải là hung thủ giết chết chị Hoan mà chính là ông Nguyễn Thanh Chấn. Bà Hà cho rằng, Chung nhận tội thay và ông Chấn đã được “chạy án”.
Theo bà Hà, phiên tòa ngày 6/3 vừa qua xét xử Lý Nguyễn Chung, bà Hà có ra nghe Chung khai về 2 chiếc nhẫn. Bà này cho rằng, chi tiết này vô lý vì 2 chiếc nhẫn đó đã được chị Hoan “cắm” cho bà này lấy 2 triệu đồng, trả nợ cho ông Chấn.
Bà Hà cho biết, giữa bà và chị Hoan có mối quan hệ làm ăn. Chị Hoan có kể với bà Hà về mối quan hệ với ông Chấn.
Buổi chiều cầm đồ chị Hoan có nói về việc mâu thuẫn và vay tiền để trả cho ông Chấn thì ngay tối hôm đó bị giết.
Hơn nữa khi ngồi nói chuyện với bà Thân Thị Hải (người giúp ông Chấn minh oan), bà Hải có nói rằng lúc vào trại giam, chị có dặn ông Chấn nhất định không được nhận tội giết người.
|
Khá bất ngờ khi trong tài liệu trình lên HĐXX phiên tòa Lý Nguyễn Chung, “nhân chứng” mới đã đưa ra “bản thú tội của ông Nguyễn Thanh Chấn”. |
Để bảo vệ quan điểm của mình, tại tòa, bà Hà đã đưa ra 14 căn cứ, đồng thời, để tăng tính thuyết phục, bà Hà còn nộp lên HĐXX “bản tự thú của ông Nguyễn Thanh Chấn” viết vào khoảng 1 tháng sau khi xảy ra vụ án mạng tại thôn Me năm 2003.
Liên quan đển “bản thú tội của ông Chấn”, tại phiên tòa, chủ tọa đặt vấn đề: Tài liệu này, từ đâu bà Hà có? Bà Hà cho biết, bản tự thú này bà lấy từ một người trong gia đình bị hại.
Tuy nhiên tại tòa, những thành viên của gia đình bị hại đều bác bỏ và cho biết không cung cấp tài liệu này cho bà Hà.
Việc bà Hà đưa “bản tự thú của ông Chấn” vào trong các tài liệu của mình và nộp cho HĐXX vụ án Lý Nguyễn Chung nhằm làm tăng tính thuyết phục để bảo vệ quan điểm rằng: Ông Chấn mới là hung thủ thực sự.
Theo quy định của pháp luật, đối với tài liệu, hồ sơ của vụ án, những người có quyền tiếp cận và có loại tài liệu này là các cơ quan tiến hành tố tụng, các luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với các đương sự, bị cáo trong vụ án.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà không liên quan đến vụ án giết người ở thôn Me cách đây 10 năm, nhưng tại sao lại có “bản tự thú của ông Chấn”?
Tại tòa, gia đình bị hại đã phủ nhận việc cung cấp tài liệu này cho bà Hà. Chính điều này đã khiến dư luận đặt câu hỏi: Ai là người cung cấp cho “nhân chứng” mới “bản tự thú của ông Nguyễn Thanh Chấn”. Việc cung cấp tài liệu này cho “nhân chứng” mới với mục đích gì?
Liên quan đến lời khai của bà Hà tại tòa, tại phần tuyên án, chủ tọa cho rằng lời trình bày của bà Hà mâu thuẫn với một số nhân chứng và lời khai của Chung về chiếc nhẫn.
HĐXX kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra xác minh lời khai của bà Hà.
Chưa đủ căn cứ xử lý hình sự “nhân chứng” mới
Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho biết: Những lời khai của bà Hà đối với những sự việc trên là không có cơ sở pháp lý, nhưng vẫn chưa thể quy kết bà Hà đã có hành vi vu khống đối với ông Nguyễn Thanh Chấn và bà Thân Thị Hải.
Điều 122 Bộ luật hình sự quy định về tội Vu khống như sau: “Người nào bịa đặt, lan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.”
Đối với cấu thành của tội danh này, hành vi của người phạm tội phải là “biết rõ” điều mà họ nói ra là sai sự thật nhưng họ vẫn nói, nghĩa là mặc dù biết sự thật là A nhưng vẫn nói là B, thì họ mới có thể bị xử lý về tội danh này.