6 Thanh tra Lai Châu bị bắt: Chống tham nhũng không có vùng cấm!

Google News

Từ vụ 6 thanh tra Lai Châu bị bắt, ngành thanh tra cần thanh lọc cán bộ thoái hóa tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc đi rê chân người".

Công an tỉnh Lai Châu vừa bắt giữ 6 cán bộ trong Đoàn thanh tra về hành vi nhận hối lộ và 9 cán bộ là trưởng ban, nguyên trưởng ban Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện về hành vi Đưa hối lộ.
Đáng chú ý, trong số các cán bộ bị bắt có Ngô Thị Dung, Trưởng phòng 1, Thanh tra tỉnh Lai Châu đồng thời cũng là trưởng đoàn thanh tra cùng 3 cán bộ Thanh tra tỉnh này gồm Đỗ Lương Bằng, Lê Mạnh Cường, Vũ Thanh Vận. Hai cán bộ khác trong đoàn là Lò Văn Ngọc, sinh năm 1989, cán bộ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh và Phạm Trọng Thứ, Cán bộ Sở Tài nguyên và môi trường.
6 Thanh tra Lai Chau bi bat: Chong tham nhung khong co vung cam!
6 cán bộ trong Đoàn Thanh tra tỉnh Lai Châu vừa bị bắt do nhận hối lộ. 
Đoàn thanh tra trên làm nhiệm vụ thanh tra các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2021. Tuy nhiên, ngay sau khi quyết định được Thanh tra tỉnh Lai Châu ban hành vào ngày 17/1/2023, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện đã góp hàng trăm triệu đồng để xin giảm bớt các lỗi vi phạm. Số tiền này được chuyển cho cán bộ Thanh tra Đỗ Lương Bằng và được Ngô Thị Dung thống nhất chia số tiền trên cho các thành viên Đoàn thanh tra.
Đây không phải là những cán bộ thanh tra cá biệt về sự thoái hóa, biến chất, cách đó không lâu, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Ánh đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố về hành vi nhận hối lộ. Ông Ánh có sai phạm liên quan đến việc chỉ đạo, kết luận thanh tra về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, giao đất, giao rừng tại một dự án đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Hay như vụ án Vạn Thịnh Phát, C03 mới đây cho biết, đơn vị đã khởi tố 5 bị can thuộc Đoàn thanh tra liên ngành thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Các cán bộ này đã tiến hành thanh tra nhưng khi báo cáo Ngân hàng Nhà nước lại nói rằng SCB không vi phạm, dẫn đến công tác kiểm soát, xử lý đối với Ngân hàng SBC không kịp thời.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại nhiều cuộc họp “Phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Việc xử lý cả những cán bộ tại các cơ quan thanh tra một lần nữa là minh chứng, đồng thời hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư “phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng”.
Thực tế tham nhũng không loại trừ bất cứ ai, ai có chức có quyền đều có thể tham nhũng được, đặc biệt là những cán bộ trong các cơ quan thanh tra. Đây là một trong những cơ quan quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh sai phạm, đồng thời tham mưu cho cấp ủy chính quyền các cấp để thực hiện công tác phòng chống tham nhũng một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, như 6 cán bộ thuộc Đoàn Thanh tra Lai Châu, thay vì thực thi nhiệm vụ một cách công tâm, khách quan đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, nhận hàng trăm triệu đồng của các đối tượng bị thanh tra. “Tay cầm tiền thì khó thẳng lưng”, các cán bộ này khó có thể làm việc một cách thẳng thắn, thay vào đó rất có thể sẽ “giảm bớt các lỗi vi phạm” như yêu cầu của bên đưa hối lộ.
Tổng Bí thư không chỉ nhiều lần lưu ý cán bộ tại các cơ quan phòng, chống tham nhũng phải tránh tình trạng "Chân mình còn lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc đi rê chân người" và cũng đã từng đưa ra cảnh báo: “Ai ở trong cơ quan phòng chống tham nhũng mà vi phạm, tôi xử lý trước. Tôi ở đây không phải là cá nhân tôi mà là cơ chế, luật pháp làm sao phải xử lý trước. Không được cậy mình có quyền thế này, thế khác, muốn làm gì thì làm, thẳng thì uốn thành cong, che chắn cho nhau. Bản thân mình có trong sạch thì mới đi chống tham nhũng được chứ”.
“Phải xử lý thích đáng, trừng trị nghiêm minh, phải xử ở mức kịch khung nếu cán bộ thanh tra hay cán bộ trong cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại có hành vi tham nhũng”, những đề nghị của người dân, dư luận không phải không có cơ sở. Bởi cán bộ thanh tra là những người am hiểu pháp luật, am hiểu những hệ quả của tham nhũng tiêu cực đối với xã hội, đất nước, bản thân là những người được giao nhiệm vụ thực thi phòng chống tham nhũng nhưng lại vi phạm nên cần phải xử lý thật nghiêm khắc.
Không thể phủ nhận, thời gian qua, ngành thanh tra đã liên tiếp phát hiện sai phạm, xử lý sai phạm, qua các đợt thanh tra, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện chuyển cơ quan công an xử lý. Ngành thanh tra đã làm nổi bật kết quả của công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, ngay trong chính ngành thanh tra với tinh thần “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ” cũng cần một cuộc thanh lọc, kiểm tra toàn diện để loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất.
Đồng thời, cần có giải pháp để tuyên truyền, giáo dục đạo đức phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của những đối tượng trong tổ chức phòng, chống tham nhũng để họ “không thể”, “không dám”, “không muốn” và "không cần" tham nhũng, lấy lại niềm tin đối với nhân dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng

Nguồn: VTV1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)