4 nữ tiếp viên hàng không xách hơn 11kg ma túy: Kỷ luật thế nào?

Google News

Dù được trả tự do do không có căn cứ xử lý hình sự hành vi xách hơn 11kg ma túy, tuy nhiên, các tiếp viên sẽ không được làm việc tại vị trí nhân viên hàng không.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không trong vụ việc vận chuyển ma túy từ Pháp về Việt Nam.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép chất ma tuý” để điều tra làm rõ bản chất vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan theo quy định.
4 nu tiep vien hang khong xach hon 11kg ma tuy: Ky luat the nao?
 
Theo cơ quan công an, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và đối chiếu các quy định của pháp luật xác định, khi 4 tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp thì có 1 đối tượng người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà. Các tiếp viên này không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển, có 157 tuýp bị đối tượng trà trộn, cất giấu ma tuý. Do vậy, chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Dù được trả tự do do chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, nhưng 4 tiếp viên này sẽ bị xử lý theo Thông tư 46/2013 của Bộ GTVT về kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Thông tư 46/2013 của Bộ GTVT nêu rõ, sẽ “không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với hành vi lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa".
Quan điểm chỉ đạo của Cục Hàng không là trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua đường hàng không là “kiên quyết, kiên trì, thường xuyên và không có vùng cấm”.
Với vụ 4 tiếp viên xách ma túy xảy ra vừa qua, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận “vẫn còn có lỗ hổng”, trong trường hợp này nằm ở khâu thực thi của doanh nghiệp. Vị này cũng khẳng định, mặc dù không mong muốn nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, nghiêm túc đánh giá, kiên quyết đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn.
Để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, trước hết phải xem lại cách thức, quy chế quản lý, kiểm soát nội bộ, vì vậy phải rà soát lại công tác tuyên truyền, đào tạo, công tác quản lý, các quy trình chuyên môn để trước hết là tự làm trong sạch đội ngũ của mình.
Đại diện Cục Hàng không cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không khẩn trương rà soát lại các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cụ thể của các hãng hàng không, nhất là việc bồi dưỡng văn hoá doanh nghiệp/đạo đức nghề nghiệp và việc kiểm soát Tổ bay để kịp thời phát hiện các lỗ hổng, phải khắc phục càng sớm càng tốt, giảm thiểu các hành vi vi phạm.
Trước mắt, các hãng hàng không cần tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất hành lý của tổ bay trước khi bay và sau khi kết thúc chuyến bay, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định.
Khi có vụ việc xảy ra, hãng hàng không phải chủ động bình giảng vụ việc, đánh giá, rút kinh nghiệm và phổ biến rộng rãi tới tất cả cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống làm bài học để cảnh tỉnh, nâng cao ý thức chấp hành quy định về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, đồng thời qua đó rà soát, bổ sung các quy định, kế hoạch để bịt kín lỗ hổng nếu có.
Còn đại diện đoàn tiếp viên của Vietnam Airlines khi trao đổi với báo chí khẳng định các tiếp viên bay quốc tế của hãng đều được quán triệt không mang hộ, cầm giúp bất cứ thứ gì và phải ký cam kết trước mỗi chuyến bay. Với người vi phạm sẽ xử lý theo quy định của Tổng Công ty hàng không Việt Nam.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong vụ việc này, 4 nữ tiếp viên hàng không có thể không bị xử lý hình sự về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy, nhưng nếu kết luận của cơ quan chức năng cho thấy, số hàng hóa mà các nữ tiếp viên này vận chuyển vào Việt Nam là không được phép do không khai báo hải quan, quá số lượng, trọng lượng, giá trị mà pháp luật quy định, hành vi này là vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Ngoài ra, hành vi của 4 nữ tiếp viên hàng không đã vi phạm quy định của ngành hàng không nên sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, có thể mức cao nhất là buộc thôi việc. Hành vi của 4 nữ tiếp viên hàng không rõ ràng là ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho bản thân và xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội…
Vào lúc 8h45 ngày 16/3, thông qua công tác soi chiếu hàng hóa thường nhật, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện lô hàng hóa khoảng 60 kg, gồm: 4 vali của các tiếp viên Trần Thị Thu Ng., Võ Tú Q., Nguyễn Thanh Th. và Đặng Phương V. có nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Sau đó, phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TPHCM tiến hành kiểm tra, phát hiện trong 04 vali, ngoài các vật dụng cá nhân, có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng. Tiến hành kiểm tra bên trong các tuýp kem đánh răng nêu trên, phát hiện có 157 tuýp chứa tổng cộng 11.284,57 gram ma túy các loại Ketamine và MDMA.
Ngày 17/3, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất chuyển giao hồ sơ và vật chứng của vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không nêu trên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt giữ 2 nghi can liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)