Chiều ngày 10/9, 3 công nhân khi xuống tầng hầm của 1 khách sạn đang xây dựng trên đường Hồ Xuân Hương (phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) để tháo dỡ cốt pha thì bị ngạt khí khiến cả 3 người tử vong.
Hiện các cơ quan chức năng của thành phố Sầm Sơn đang tiến hành công tác điều tra, làm rõ vụ tai nạn lạo động nghiêm trọng trên. Đồng thời yêu cầu khách sạn nơi xảy ra vụ tai nạn lao động tạm dừng thi công để phục vụ công tác điều tra.
Dư luận đặt câu hỏi, để xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên, chủ khách sạn sẽ bị xử thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm thiệt mạng ba công nhân, bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân để có hướng xử lý theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Cường, những năm gần đây việc những tòa nhà thi công tầng hầm làm nơi đỗ xe, trung tâm thương mại không ít, thậm chí có những tòa nhà xây đến 4,5 tầng hầm.
|
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Báo Thanh Hóa. |
“Việc công dân bị ngạt khí thiệt mạng ở tần hầm thứ 3 của một tòa nhà cao tầng là một vụ việc hi hữu xảy ra trong lĩnh vực xây dựng. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ khí độc mà những người công nhân này hít phải là loại khí gì? Tại sao thời điểm trước đây đã thi công mà không phát hiện ra, không xử lý?, Trước đó đã có ai bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? Giải pháp của chủ đầu tư, đơn vị thi công là gì ? “, luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Trong trường hợp kết quả điều tra, xác minh cho thấy về địa chất của khu vực này có khí độc, trước đó đã phát hiện có khí độc nhưng đơn vị thi công và chủ đầu tư không có giải pháp bảo vệ người lao động phải không tuân thủ các quy định về an toàn lao động dẫn đến hậu quả công nhân tử vong thì có thể xem xét trách nhiệm pháp lý, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về vệ sinh lao động, an toàn lao động, an toàn đây đông người theo quy định tại điều 295 Bộ luật hình sự.
Cụ thể, khoản 3 điều 295 – Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người quy định phạt tù từ 7 năm đến 12 năm nếu làm chết 3 người trở lên.
Còn trường hợp kết quả điều tra, xác minh cho thấy sự việc là bất khả kháng, ngoài sự kiểm soát của con người, chủ đầu tư và đơn vị thi công không thể lường trước được nguyên nhân dẫn đến hậu quả 3 công dân thiệt mạng, nói cách khác không ai có lỗi trong vụ việc này thì vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra.
Tuy nhiên, vấn đề bồi thường thiệt hại vẫn được đặt ra đối với người sử dụng lao động. Trong trường hợp này gia đình nạn nhân sẽ được bồi thường thiệt hại, được hưởng các quyền lợi về tai nạn lao động theo quy định pháp luật.
Theo quy định của bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành thì: Nếu người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung.
Ngoài ra, tại điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trongthời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;
8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;
10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.