|
Toàn cảnh phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Nhà Quốc hội chiều 23/10/2021. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN. |
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, ngày 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2021.
Tiếp đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến (trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo sau: Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; báo cáo công tác thi hành án; báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 và thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Tại phiên thảo luận đã có 7 ý kiến đại biểu phát biểu, tập trung vào những nội dung sau: Về các báo cáo định kỳ hàng năm, các đại biểu cơ bản tán thành và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của cùng kỳ năm nay so với cùng kỳ năm trước; về những tiến bộ, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong bối cảnh tình hình dịch bệnh của những tháng cuối năm.
Các ý kiến nêu rõ, năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 chúng ta bị tác động của đại dịch COVID-19 rất nặng nề, trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, đoàn thể và nhân dân đã triển khai thực hiện rất nhiều các hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại an ninh quốc phòng và đạt được những kết quả quan trọng.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ những số liệu trên cơ sở so sánh với năm trước, từ đó xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan để đánh giá thực chất hơn những kết quả đạt được và có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong các báo cáo.
Về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tòa án trong công tác xét xử, bảo đảm thời hạn xét xử do luật định, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; đồng thời cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi, các nguyên tắc cơ bản của phiên tòa trực tuyến, một số yêu cầu khi tổ chức phiên tòa trực tuyến, đồng thời góp ý trực tiếp vào nội dung dự thảo Nghị quyết.