An toàn lao động bị buông lỏng?
Vụ ngã giàn giáo khi thi công tòa nhà tòa nhà văn phòng cho thuê và kinh doanh dịch vụ thương mại (Hòa Xá Tower) do Công ty TNHH Hòa Xá làm chủ đầu tư khiến 2 công nhân thương vong đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo Công an TP Hải Dương, khoảng 16h ngày 29/6, khi đang hoàn thiện phần ngoài tầng 14 tòa nhà Hòa Xá (số 358 - 360 phố Nguyễn Lương Bằng, TP Hải Dương), một bộ phận của giàn giáo bật ra khiến 2 công nhân rơi xuống.
Hậu quả, công nhân Nguyễn Văn Huy (SN 1980, trú tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) rơi xuống mặt sàn tầng 4, tử vong tại chỗ, công nhân Bùi Văn Tích (SN 1987, trú tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) mắc lại ở tầng 8, bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
|
Tòa nhà Hòa Xá Tower nơi xảy ra vụ tai nạn lao động. |
Dư luận đặt nghi vấn, để xảy ra vụ tai nạn trên, an toàn lao động tại công trình này đã bị buông lỏng. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, xử lý trách nhiệm của đơn vị thi công cùng chủ đầu tư là Công ty TNHH Hòa Xá nếu có sai phạm?
"Trách nhiệm đầu tiên thuộc nhà đầu tư"
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, xây dựng là một trong những ngành nghề quan trọng trong nền kinh tế nhưng ngành nghề xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, gây hậu quả nghiêm trọng mà mới đây, vụ tai nạn lao động xảy ra tại tòa nhà văn phòng cho thuê và kinh doanh dịch vụ thương mại của Công ty TNHH Hòa Xá tại TP Hải Dương là một ví dụ.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, khi sự cố xảy ra tại công trường thi công xây dựng dự án, cụ thể là tòa nhà văn phòng cho thuê và kinh doanh dịch vụ thương mại của Công ty Hòa Xá, trước hết phải dừng thi công, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, sau đó tìm hiểu để biết rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị nào.
Trước hết, trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, thi công, nhà thầu, ban quản lý dự án… Bên cạnh đó, cần tìm hiểu và truy cứu trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn, giám sát, năng lực hành nghề của công nhân tham gia xây dựng. Sau khi xác định rõ mới có thể quy kết trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai.
Luật sư Bình phân tích, về nguyên tắc, mọi vấn đề về an toàn lao động, bảo hộ lao động và vệ sinh lao động tại công trường thi công xây dựng thì chủ đầu tư công trình là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan chính quyền các cấp có liên quan khi có sự cố xảy ra.
Nếu chủ đầu cư có cán bộ giám sát an toàn lao động, thì trách nhiệm của cán bộ giám sát đó về tai nạn lao động với chủ đầu tư là chuyện nội bộ của chủ đầu tư vối nhân viên của mình chứ không phải cứ có cán bộ chuyên trách về an toàn lao động thì cán bộ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn chủ đầu tư thì vô can.
Trách nhiệm của cán bộ giám sát về an toàn lao động thể hiện qua hợp đồng lao động, nội dung phân công, phân nhiệm, quyết định giao nhiệm vụ tại công trường.
Đồng thời luật sư Bình cho rằng, đơn vị thi công cũng phải có trách nhiệm chứ không chỉ chủ đầu tư khi xảy ra tai nạn lao động.
Theo luật Xây dựng quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thi công xây dựng công trình nêu rõ, nhà thầu thi công xây dựng có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng, thi công đúng thiết kế tiêu chuẩn xây dựng, bảo đảm chất lượng,tiến độ, an toàn và vệ sịnh môi trường, có nhật ký thi công xây dựng công trình, kiểm định vật liệu sản phẩm vật liệu xây dựng, quản lý công nhân lao động trên công trường không gây ảnh hưởng đến khu dân cư chung quanh, chịu trách nhiệm mua bảo hiểm….
Đối với quy chuẩn kỹ thuật về giàn giáo, căn cứ Thông tư số 14 năm 2014 của Bộ Xậy dựng về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn xây dựng có những quy định chung như: Các công trình không được phép thi công khi chưa có đầy đủ các hồ sơ (tài liệu) thiết kế biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công, trong đó phải thể hiện các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn lao động và phòng chống cháy, nổ.
|
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Khi có sự cố xảy ra, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì điều tra sự cố gây mất an toàn lao động dẫn đến chết người hoặc làm bị thương nặng từ hai người trở lên xảy ra trên địa bàn tỉnh; Chủ đầu tư có trách nhiệm tạm ứng chi phí tổ chức điều tra xác định nguyên nhân sự cố.
Sau khi có kết quả xác định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố phải có trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức điều tra xác định nguyên nhân sự cố nêu trên.
Trường hợp sự cố xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng, trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức điều tra xác định nguyên nhân sự cố thực hiện theo quy định của hợp đồng xây dựng có liên quan.
Từ đó, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, nếu như trong quá trình thẩm tra, kiểm định, nhà thầu và các đơn vị chủ đầu tư có những hành vi vi phạm pháp luật, không làm đúng nhiệm vụ cần có, thì cần phải chịu trách nhiệm trước thiệt hại do hành vi đó gây ra. Nếu không tuân thủ theo các quy định của pháp luật trong quá trình xây dựng sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và bồi thường thiệt hại theo quy định.
Nếu trong trường hợp công trường xây dựng hợp pháp, tất cả các quy trình thực hiện đều đúng theo quy định của pháp luật không xác định được vi phạm thì sẽ không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm đặt ra ở đây là trách nhiệm bồi thường cho gia đình người bị thiệt hại.
Điều 298. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 và Điều 281 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng…”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ít nhất 2 người chết vì tai nạn lao động mỗi ngày