11 điều mà bạn cần biết về chuyển đổi giới tính ở Việt Nam

Google News

Kể từ ngày 1/1/2017, việc chuyển đổi giới tính sẽ chính thức được hợp pháp hóa tại Việt Nam.

Sự kiện này trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người chuyển giới trên khắp cả nước cũng như người thân của họ.
Điều 37 của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định:
"Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".
1. Những đối tượng nào thì được phép chuyển đổi giới tính?
Bộ luật Dân sự mới có hai điều riêng biệt: Xác định lại giới tính (Điều 36) và chuyển đổi giới tính (điều 37). Xác định lại giới tính áp dụng cho những người khi sinh ra không có cơ quan sinh dục rõ ràng là nam hay nữ. Trong khi đó, chuyển đổi giới tính là dành cho tất cả những người có nhu cầu thay đổi giới tính thông qua phương pháp phẫu thuật.
2. Nếu tôi chưa phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì có thay đổi được thông tin trên giấy tờ tùy thân hay không?
Câu trả lời là không, ít nhất là ở hiện tại. Theo điều 37 thì việc thay đổi giấy tờ hộ tịch chỉ áp dụng cho những người đã trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, xu hướng của thế giới là cho phép thay đổi giới tính trên giấy tờ mà không cần phải phẫu thuật, thay vào đó là quá trình tư vấn tâm sinh lý kéo dài từ 1-2 năm. Đây là điều mà các nhà vận động quyền LGBT tại Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy thông qua trong thời gian tới.
3. Vậy là tôi có thể phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Việt Nam?
Đúng vậy. Trước đây, chuyển đổi giới tính bị cấm cho nên nhiều người đã phải ra nước ngoài (Thái Lan, Hàn Quốc...) để thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, theo Bộ luật Dân sự mới thì kể từ 1.1.2017 thì bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể phẫu thuật chuyển đổi giới tính tại Việt Nam. Điều này sẽ góp phần giảm tải chi phí cho những người có mong muốn chuyển giới cũng như bảo đảm an toàn cho quá trình hậu phẫu.
4. Sau khi phẫu thuật, tôi có thể thay đổi thông tin trên giấy tờ?
Đúng, kể cả với những người đã phẫu thuật trước ngày 1.1.2017 ở nước ngoài. Điều 37 quy định "Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch" có nghĩa là sau khi phẫu thuật, người chuyển giới có quyền thay đổi thông tin trên giấy tờ như tên gọi và giới tính. Tuy nhiên, chưa biết là có bao gồm họ hay chỉ là tên.
 
5. Ai là người xác nhận cho tôi là đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính?
Trong thời gian sắp tới sẽ có những hướng dẫn chi tiết về việc xác nhận một người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay chưa.
6. Tôi chỉ phẫu thuật một phần (ngực, sử dụng hóc - môn...) thì có tính là "đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính" không?
Hiện tại vẫn chưa rõ. Điều 37 chưa định nghĩa rõ thế nào là "đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính", toàn phần hay một phần. Tại nhiều nước trên thế giới, một người được chứng nhận là "người chuyển giới" sau khi trải qua quá trình tư vấn tâm sinh lý cũng như sử dụng hóc môn liên tục trong ít nhất 12 tháng. Hy vọng sắp tới sẽ có những hướng dẫn chi tiết hơn.
7. Phẫu thuật chuyển đổi giới tính phải hy sinh 20 năm tuổi thọ?
Không đúng. Theo một cuộc nghiên cứu gần đây, những lý do chính dẫn đến tỷ lệ tử vong cao trong cộng đồng người chuyển giới là do bị kỳ thị và phân biệt đối xử khiến họ quyết định tự tử cũng như thiếu các phương tiện tiếp cận y tế.
Nếu như việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính được bảo đảm đúng quy trình thì nó không gây ảnh hưởng gì đến việc giảm tuổi thọ. Trên thực tế, có rất nhiều người chuyển giới tại Mỹ đã sống qua độ tuổi trung niên.
8. Vậy là ngay bây giờ tôi có thể phẫu thuật chuyển đổi giới tính hoặc thay đổi thông tin trên giấy tờ?
Chưa. Phải đến 1.1.2017, tức là hơn 1 năm nữa, thì Bộ luật Dân sự (sửa đổi) mới chính thức có hiệu lực. Từ đây đến đó sẽ có nhiều hướng dẫn chi tiết về việc này. Các bạn nên theo dõi thường xuyên trên các phương tiện truyền thông.
9. Việt Nam hiện đã có những bệnh viện nào có thể thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính?
Bộ Y Tế đã chỉ định 3 bệnh viện sau đây có thể thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính: Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Nhi Đồng (TP. HCM).
10. Hôn nhân đồng giới đã được cho phép?
Không. Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vừa được thông qua không bao gồm quyền kết hôn đồng giới.
11. Nếu sau khi thay đổi giới tính trên giấy tờ thì tôi có thể kết hôn với một người khác giới không?
Có thể. Nếu như bạn là người chuyển giới từ nam sang nữ thì sau khi hoàn thành quá trình thay đổi thông tin trên giấy tờ, bạn có thể kết hôn với một người đàn ông khác. Điều này cũng đúng với những người chuyển giới từ nữ sang nam.
(Tham khảo: Luật sư Lương Thế Huy - chuyên viên về LGBT của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường)
Theo Một Thế Giới

Bình luận(0)