Vị bác sĩ nói: “Tôi không phải bác sĩ giỏi nhất, nhưng ở Đài Loan tôi là số một trong ngành pháp y”. Trở nên nổi tiếng với kinh nghiệm giải phẫu hơn 5.000 xác chết, hơn 10.000 lần khám nghiệm thi thể và tính cách bộc trực có gì nói đấy, bác sĩ Cao luôn là chuyên gia được cảnh sát mời đến làm thẩm định trong những vụ án mạng lớn.
Vốn dĩ ông không xuất thân từ ngành pháp y mà là chuyên khoa sản. Ông Cao cho biết đại gia đình ông đều là bác sĩ, cha làm viện trưởng một bệnh viện mắt có tiếng ở Đài Nam, anh trai và em trai đều làm viện trưởng trong các bệnh viện tại tỉnh Chiba, Nhật Bản.
Cả dòng họ có khoảng 40 - 50 người đều làm bác sĩ, tốt nghiệp đại học danh tiếng tại Đài Loan chỉ có ông vì lười học nên chỉ đỗ một trường không mấy danh tiếng. Bất đắc dĩ ông chọn chuyên khoa sản. Vì chuyện này mà ông và cha mình cãi nhau nhiều lần.
Ông thừa nhận khi còn trẻ ông là một thiếu gia chơi bời, tiêu tiền nhiều hơn kiếm tiền. Cha ông tức giận đã bắt phải đi Nhật học thêm. Và cũng tại đây ông bước vào nghành pháp y.
Nguy cơ nhiễm bệnh từ những tử thi
Nhớ về sự nghiệp của mình, ông nói về chuyện xém chút nữa nhiễm HIV từ thi thể của một người đàn ông qua Việt Nam làm ăn, bị người ta bắn 10 viên đạn vào người. Ông này bị nhiễm AIDS nhiều năm, vốn dĩ đợi sau 7 ngày chờ virus chết hết mới giải phẫu nhưng tính cách mình như vậy, cứ muốn làm cho xong. Thế là mang ba đôi găng tay giải phẫu, ông tặc lưỡi chắc chắn an toàn.
Tưởng là vậy nhưng khi cố lấy viên đạn mắc kẹt ở kẽ xương sườn ra không may ông bị xương đâm vào đầu ngón tay, máu chảy ròng ròng. Chợt nghĩ đến AIDS, ông lạnh cả sống lưng.
Rồi 10 năm ròng rã ông định kì làm xét nghiệm để chắc chắn mình không nhiễm bệnh. Ông nói vui “10 năm liền tôi không dám động vào vợ tôi, sợ hại đời cô ấy”. Một phần vì nguyên nhân đó mà đến nay ông bà không có con. Nhắc đến đây mắt ông cụp xuống giọng trầm buồn.
Năm 1987, ông tiếp nhận một thi thể chết được mấy ngày đã bắt đầu phân hủy. Vì phải dùng cưa mở hộp sọ nạn nhân nên trong khi cắt nước từ thi thể bắn lên mặt và đầu ông. Ngay lúc đó ông cũng không để ý gì tiếp tục làm việc và quên bẵng đi.
Ngày hôm đó ông tiếp nhận nhiều ca giải phẫu, tối lại đi uống rượu nên khi về nhà ông đi ngủ luôn. Ông nói luôn “say rượu không được tắm, dễ đột quỵ lắm”. Hai hôm không tắm, đến ngày thứ ba thì cơ thể ông nổi mẩn đỏ, da đầu toàn gàu trắng và bong tróc. Lúc này ông mới biết mình bị nhiễm độc từ một loại nấm trên thi thể người đã chết.
Để điều trị triệt để, trong hai năm liền người ta nhìn thấy ông xuất hiện với cái đầu trọc. Đến giờ căn bệnh vẫn rình khi trở trời là lại tái phát. Ông cười xòa cũng là cái nghiệp của bản thân mình.
Sự thật ẩn dấu trong những thi thể
Ngoài những nguy hiểm có thể gặp phải, pháp y còn là một phương pháp điều tra nguyên nhân cái chết. Đôi khi ông làm rõ những trường hợp tưởng như chết ngoài ý muốn lại thành ra chết do mưu sát.
Ông nhớ lại một trường hợp một người đàn ông trung niên đưa vợ mình đến cấp cứu lúc tầm giờ ăn tối. Đến viện thì bà này đã tắt thở từ lâu. Ông này nói vợ ông ăn sủi cảo và bị hóc nên yêu cầu bác sĩ cấp giấy chứng nhận chết ngoài ý muốn. Tuy nhiên với chẩn đoán này pháp luật quy định chỉ có bác sĩ pháp y mới được cấp.
Khi ông Cao Đại Thành đến kiểm tra phát hiện trong bụng thi thể có mùi tỏi, mở hộp sọ cũng thấy mùi tỏi. Ngay lập tức ông nghĩ đến thạch tín – một loại độc cực mạnh, khi vào cơ thể sẽ khiến nạn nhân tử vong rất nhanh, và nhất là sinh ra mùi giống như mùi tỏi.
Ông báo lại với cảnh sát vụ việc có vẻ giống một vụ mưu sát. Cảnh sát vào cuộc điều tra phát hiện ông chồng này có tình nhân bên ngoài và sau khi vợ chết thì chuyển đến ở hẳn với tình nhân. Khi kiểm tra trong nhà nạn nhân cảnh sát phát hiện vài miếng sủi cảo trong thùng rác, dù đã 5-6 ngày nhưng không hề bị ruồi bọ phân hủy.
Sau khi điều tra cảnh sát kết luận người đàn ông trung niên vì ngoại tình nên âm mưu giết vợ. Ông này mua cho vợ một gói bảo hiểm giá trị khá lớn , sau đó không lâu ông này đã cho thạch tín vào sủi cảo cho vợ ăn và giả làm một tai nạn ngoài ý muốn. Vừa có tiền bồi thường vừa rảnh rang đi lại với tình nhân.
Ông Cao lại cười lớn “tôi mà làm cảnh sát thì cũng ra trò lắm đấy”. Ông còn chia sẻ thêm về những kinh nghiệm của mình như: “ Xác chết vớt dưới nước lên mà trong phổi có nước thì là chết đuối, còn không có nước thì chắc chắn bị người ta giết hại trước đó rồi mới vứt xuống nước...”
Và cả những câu chuyện tâm linh khó giải thích
Ông từng gặp trường hợp một cô gái tử vong do treo cổ. Điều tra sơ bộ cho là cô gái do cãi vã với bạn trai nên nghĩ quẩn. Khi cảnh sát đề nghị giải phẫu thi thể cô gái thì cha cô ngăn lại. Nói rằng để nó chết toàn thây.
Bác sĩ Cao ôn tồn nói: “Ông về nhà thắp hương xin âm dương xem cô ấy có cho giải phẫu không rồi đến nói với tôi”.
Tối đó bác sĩ Cao về nhà, ông nhìn thấy một cô gái chừng 20 tuổi đứng trước của nhà ông, không nói không rằng giúp ông mở cửa.
Khi đó ông còn ở nhà thuê nên lấy làm tức giận chạy xuống lầu 1 nói với chủ nhà tại sao người lạ lại có thể mở cửa phòng của ông. Nhưng khi quay lên tìm cô gái để đối chất thì cô ấy đã biến mất, chiếc chìa khóa vẫn gắn trong ổ.
Sáng hôm sau khi đến văn phòng làm việc ông nhận được giấy đồng ý giải phẫu thi thể của cô gái chiều hôm qua. Mở tấm vải trắng chùm trên thi thể, ông giật mình, lạnh từ sống lưng. Cô gái với bộ quần áo đó, và cả mái tóc, khuôn mặt giống y hệt cô gái đứng trước của nhà ông tối qua.
Có lẽ người đã khuất cũng muốn nhờ ông đưa sự thật ra ánh sáng.
Cô chết do nghẹt thở, nhưng trong máu cô có nồng độ thuốc an thần rất lớn. Ông nói “ thử hỏi một người uống thuốc an thần nhiều như vậy thì làm sao tự mình thắt cổ được? Chắc chắn là bị giết chứ không phải tự tử”.
Cảnh sát nhờ có kết luận của ông mà đã tìm được hung thủ thật sự. Hóa ra bạn trai cô vì mâu thuẫn nên đã cho cô uống một lượng lớn thuốc an thần, sau đó thắt cổ cô gái, tạo hiện trường giống như một vụ tự tử.
Sứ mệnh của một chuyên gia pháp y
Bác sĩ Cao chia sẻ những vụ giả tự tử này nhiều lắm nên pháp y có vai trò rất quan trọng. Nó còn giúp người chết nói thay nỗi oan khuất của mình. Ông cho đó là một việc chính nghĩa và cao cả, ông vất vả mấy cũng thấy vui.
Tuy công việc của một bác sĩ pháp y cực nhọc là thế, thu nhập cũng không cao, lại không có cơ hội thăng tiến, nhưng khi thấy các thế hệ sau đến học hỏi kinh nghiệm ông lại cảm thấy không thể rời bỏ, ông cũng ý thức được mình phải có trách nhiệm truyền đạt lại, dù không biết ông còn làm được bao lâu.
Năm nay đã bước đến tuổi 68 của cuộc đời, nếu không khám nghiệm tử thi thì ông đi dạy thêm hoặc làm việc tại phòng khám của mình. Có bệnh nhân của ông còn trêu đùa “bác sĩ Cao đến người chết còn khám được thì người sống khám còn giỏi hơn”.