Rosa María Apodaca đã mất 6 năm tìm kiếm con gái lớn mà không có kết quả. Patricia Jazmín Ibarra mới 18 tuổi khi mất tích vào ngày 7.6.2011 trong lúc đi làm tại một cửa hàng điện thoại di động ở Ciudad, Mexico.
|
Thành phố Ciudad Juárez từng được biết đến là "thủ phủ chết chóc" của thế giới. |
"Chúng đã cướp mất con bé", Apodaca, mẹ của Ibarra, nói. Người phụ nữ khốn khổ vẫn nuôi hy vọng dù biết rõ những cô gái trẻ mất tích ở Mexico thường được tìm thấy trong tình trạng đã chết.
Nạn buôn người và buôn lậu ma túy diễn ra ngang nhiên và táo tợn tại thành phố Ciudad Juárez, gần biên giới Mexico - Mỹ.
Thập niên 90 của thế kỷ 20, nhiều phụ nữ trẻ ở thành phố này đã biến mất khó hiểu. Giai đoạn 2008 và 2011, Ciudad Juárez thậm chí còn được gọi là "thủ phủ chết chóc" của thế giới.
"Giới chức chưa bao giờ tìm thấy những cô gái mất tích còn sống. Họ chỉ tìm thấy một phần thi thể và trao lại cho người nhà nạn nhân. Nhưng chính gia đình nạn nhân cũng không dám chắc đó có phải là thân nhân của họ bởi những gì còn sót lại xương", bà Apodaca nói.
Xác định người chết
|
Bác sĩ Alejandro Hernández Cárdenas cảm thấy mình phải giúp“người chết nói lên sự thật” mà họ vốn không thể nói khi qua đời. |
Bác sĩ Alejandro Hernández Cárdenas đang trợ giúp những trường hợp điển hình như bà Apodaca.
Ông Hernández là một bác sĩ pháp y làm việc tại văn phòng công tố viên. Ông là người phát triển một kỹ thuật đặc biệt để tái tạo xác chết, giúp xác định danh tính nạn nhân.
Kỹ thuật này còn được nhiều người ví von là giúp “người chết nói lên sự thật” mà họ vốn không thể nói khi qua đời.
Kỹ thuật được đánh giá cao tới mức Viện Sở hữu Công nghiệp Mexico đã cấp bằng sáng chế cho bác sĩ Hernández.
Trong hơn một thế kỷ, các chuyên gia pháp y đã dùng glycerine để tái tạo các ngón tay nhằm lấy dấu vân tay. Tuy nhiên, kỹ thuật này không hiệu quả với toàn bộ cơ thể.
Thử nghiệm ADN có thể hữu ích nhưng để nhận dạng thi thể, bác sĩ pháp y cần mẫu ADN từ 2 thành viên trong gia đình để so sánh.
Với quá trình tái tạo theo kỹ thuật đặc biệt của bác sĩ Hernández, thi thể nạn nhân sẽ trở nên gần giống như phiên bản gốc, giúp gia đình dễ dàng nhận diện bằng mắt thường.
"Tôi nghĩ bị thôi thúc làm điều này vì tôi bị ám ảnh với việc các thi thể này sẽ bị chôn ở mộ tập thể và gia đình họ không thể mai táng", bác sĩ Hernández chia sẻ.
Hướng đi mới
Kỹ thuật tái tạo tiên tiến cũng giúp công tác điều tra tội phạm rẽ sang một hướng mới.
Trong một lần bác sĩ Hernández tái tạo thi thể nạn nhân ở bang Queretaro, miền trung Mexico, ông phát hiện những tổn thương bất thường trên lớp da. Chính việc này sau đó giúp cảnh sát chú ý. Cuối cùng họ điều tra và đưa vụ giết người ra ánh sáng.
Bác sĩ Hernández chia sẻ, lần đầu tiên ông có ý nghĩ trở thành chuyên gia pháp y năm 18 tuổi. Trước đó, ông đang học tập để trở thành bác sĩ và lái xe cứu thương kiếm tiền chu cấp cho gia đình.
Một đêm năm 1977, chàng thanh niên Hernández được gọi đến hiện trường một vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng khiến 35 người thiệt mạng và nhiều thi thể không thể nhận diện nổi.
"Khi bác sĩ pháp y tới, ông ấy nhắc chúng tôi kiểm tra răng của các nạn nhân", ông Hernández nhớ lại.
Vị bác sĩ pháp y khi ấy đã ở liền trong nhà xác 4-5 ngày trong khi người nhà nạn nhân túc trực bên ngoài. Nhiều người khi nghĩ đến cảnh ấy thì ớn lạnh nhưng Hernández chỉ chuyên tâm làm việc vì mong muốn xác định danh tính người chết.
Mong muốn “được làm ít việc hơn”
Bác sĩ Hernández bắt đầu thí nghiệm của mình với da lợn và ngón tay người. Năm 2004, khi đang kiểm tra lọ thủy tinh thứ 4 trong số 7 lọ, Cárdenas phát hiện ngón tay được tái tạo khá hoàn hảo.
"Nó giống như một ngón tay mới vậy. Tôi không còn tin nổi vào mắt mình nữa", vị bác sĩ 59 tuổi cho biết. Nó giống tới mức Hernández ban đầu còn cho rằng các đồng nghiệp đánh lừa ông.
Nhưng khi hỏi họ, một người nói: "Chúng tôi chẳng dám dây vào đống đồ thí nghiệm của ông đâu".
4 năm sau đó, bác sĩ Hernández đã tái tạo toàn bộ thi thể người chết thành công. Trong những năm gần đây, Hernández đã áp dụng kỹ thuật mới để nhận dạng những người tị nạn chết ở khu vực biên giới.
Gần như toàn bộ công trình nghiên cứu đều do ông tự bỏ tiền túi. Nói về tương lai, bác sĩ Mexico hy vọng mình sẽ được làm ít việc hơn.
“Không phải là tôi lười, nhưng công việc ít đi đồng nghĩa rằng sẽ có ít người chết hơn. Tôi chỉ hy vọng như vậy”, bác sĩ Hernández nói với BBC.