Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật được trang Lịch sử Chiến trang đăng tải về một chiếc tàu ngầm của quân đội Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới lần II chỉ vì một lý do hết sức đơn giản là thuyền trưởng của họ đã không đi toilet đúng cách.
Trong Thế chiến thứ II, trong khi các tàu ngầm của quân Đồng Minh cơ bản đều tích trữ rác thải sinh hoạt của các thuỷ thủ trong các bình chứa kín được bố trí khép kín trên tàu thì các kỹ sư của Hitler đã bận rộn cho việc chế tạo ra công nghệ đẩy rác trực tiếp ra đại dương và họ đã thành công.
|
Tưởng như chuyện cái nhà vệ sinh trên tàu ngầm là chuyện đơn giản, hóa ra là rất phức tạp và đầy nguy hiểm. |
Trên các tàu ngầm của Hải quân Đức Quốc xã (U boat) đã được thiết kế các hệ thống xả thải trực tiếp ra ngoài thông qua hệ thống bơm áp suất phức tạp.
Sở dĩ quân Đức muốn sử dụng công nghệ đẩy thải này là vì muốn giảm tải tối đa trọng lượng và tiết kiệm không gian trên các tàu ngầm chiến đấu.
Tuy nhiên, với các tàu ngầm đầu tiên được áp dụng công nghệ này, mỗi khi muốn xả thải buộc thân tàu phải nổi gần mặt nước vì khi đó áp lực nước mới ở trạng thái thấp thuận tiện cho quá trình xả.
Theo tài liệu lịch sử chiến tranh, hệ thống xả thải sinh hoạt trên tàu ngầm của Đức rất phức tạp bởi chúng liên quan đến rất nhiều van áp suất. Chính vì phức tạp nên ngay cả việc nhỏ nhất như đi vệ sinh cá nhân các thuỷ thủ tàu ngầm cũng phải trải qua các kỳ huấn luyện.
“Đầu tiên, rác thải vệ sinh của thuỷ thủ tàu ngầm sẽ được đẩy qua nhiều buồng chứa với không khí bị ném chặt trước khi bắn thẳng vào lòng biển. Về nguyên tắc có thể hình dung hệ thống toilet trên tàu ngầm có nguyên lý hoạt động giống như một hệ thống vũ khí bắn ngư lôi” – trang Warisboring.com mô tả lại.
Ngày 14/4/1945, một chiếc tàu ngầm mang số hiệu U-1206 của quân Đức Quốc xã đã bất ngờ bị chìm chỉ vì thuyền trưởng của nó – 1 sỹ quan 27 tuổi có tên Karl-Adolf Schlitt đã đi toilet không đúng quy trình huấn luyện.
Sau khi để xảy ra sự cố nhỏ trong phòng toilet, Karl-Adolf Schlitt đã cố gắng gọi 1 kỹ sư đến để giúp anh ta thoát ra ngoài nhưng không may mắn là kỹ sư này đã mở nhầm 1 van áp lực khiến rác thải sinh hoạt chảy ngược vào trong tàu ngầm cùng cả một lượng nước biển rất lớn.
Sự cố này đã không được ngăn chặn ngay lập tức vì nước thải cùng nước biển đã bắt đầu tràn cả vào các khoang điều khiển có chứa các thiết bị pin dự phòng bởi những khoang này được bố trí nằm ngay dưới phòng tắm và vệ sinh.
Nước thải và nước biển mặn đã khiến một phản ứng hoá học xuất hiện. Pin bắt đầu bị chập và sản sinh ra khí chlorine.
Thuyền trưởng Karl-Adolf Schlitt khi đó không có cách nào khác là phải cho tàu ngầm U-1206 nổi lên mặt nước.
Tuy nhiên, vận đen của Karl-Adolf Schlitt và các thuỷ thủ tàu ngầm U-1206 chưa dừng lại bởi khi nổi lên mặt nước chiếc tàu ngầm đã bị các máy bay chiến đấu của quân Đồng Minh đang bay tuần tra gần bờ biển Scotland phát hiện và chuẩn bị tấn công.
Trang Lịch sử Chiến Tranh cho biết, vì không thể cho tàu ngầm U-1206 lặn trở lại vì có thể toàn bộ thuỷ thủ sẽ chết ngạt vì khí độc, thuyền trường Đức Quốc xã Karl-Adolf Schlitt đã hạ lệnh tùy nghi di tản và bỏ mặc chiếc tàu ngầm chìm xuống lòng biển khơi.
Kết quả của sự cố này là 3 thuỷ thủ của quân Đức bị chết đuối, 37 người khác được cứu thoát nhưng bị bắt luôn làm tù binh chiến tranh.