Tàu ngầm Soryu Nhật đánh bại Kilo Nga, Type 209 Đức?

Google News

(Kiến Thức) - Sau một thời gian dài lên kế hoạch chuẩn bị, Nhật Bản đã sẵn sàng xuất khẩu tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu.

Tạp chí The Diplomat có trụ sở chính ở Tokyo cho hay, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ xem xét việc xuất khẩu tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu cho Australia. Việc bán một trong những mẫu tàu ngầm tiên tiến nhất của Nhật cho Australia không chỉ tăng cường mối quan hệ giữa hai nước này, mà còn là bước đi đầu tiên cho chính sách mở cửa thị trường xuất khẩu vũ khí của chính phủ Nhật Bản.
Từ lâu các quốc gia như Đức, Pháp, và Nga luôn thống trị thị trường xuất khẩu tàu ngầm phi hạt nhân. Có thể kể tới mẫu tàu ngầm Type 209 của Đức, một trong những mẫu tàu ngầm diesel-điện thông dụng nhất trên thế giới. Type 209 đang được trang bị cho lực lượng hải quân hơn 12 quốc gia trên thế giới và với số lượng được sản xuất lên tới 60 chiếc.
 Tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu sẽ là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản.
Không dừng lại ở sự thành công của Type 209, người Đức đã lên kế hoạch xuất khẩu mẫu tàu ngầm tiên tiến tiếp theo của mình là Type 214. Với một số khách hàng tiềm năng như Hy Lạp và Hàn Quốc.
Pháp đạt doanh thu lớn từ các hợp đồng xuất khẩu mẫu tàu ngầm Scorpene đến các nước như Malaysia, Brazil, và Ấn Độ. Trong khi đó Nga vẫn tiếp tục thành công với mẫu tàu ngầm diesel-điện huyền thoại của mình là Kilo, cho một số quốc gia trên thế giới (Việt Nam, Trung Quốc, Algeria, Ấn Độ...). Ngoài ra, Nga cũng đang xúc tiến phát triển thế hệ tiếp theo của tàu ngầm lớp Kilo là lớp Lada (phiên bản dành cho xuất khẩu có tên là Amur -1650).
Mẫu tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản được giới chuyên gia đánh giá có khả năng cạnh tranh với nhiều mầu tàu ngầm cùng loại khác, nhất là khi nó có lượng giãn nước khi chìm lên tới 4.200 tấn. Lớn hơn nhiều so với hai mẫu tàu ngầm lớp Type 214, Scorpene và nhỉnh hơn một chút so với tàu ngầm lớp Kilo.
 Tàu ngầm Kilo do Nga sản xuất luôn có sự phát triển ổn định trong thị trường xuất khẩu tàu ngầm trên toàn thế giới.
Ngoài ra, Soryus còn được thiết kế để có thể mang nhiều vũ khí hơn, mẫu tàu ngầm này có độ ồn thấp hơn nhiều so với các tàu cùng loại trên thị trường nhờ được trang bị công nghệ đẩy không khí độc lập (AIP). Với giá chào bán khoảng 500 triệu USD, không phải là quá đắt với một mẫu tàu ngầm như Soryus.
Xét về sự cạnh tranh đến từ Mỹ, nước đã không còn tham gia vào thị trường tàu ngầm phi hạt nhân cách đây hàng chục năm về trước. Và Hải quân Mỹ cũng không được trang bị bất kỳ tàu ngầm diesel-điện nào.
Còn lại chỉ có Trung Quốc, quốc gia từ lâu đã nuôi tham vọng chinh phục đại dương từ nhiều năm nay. Tính về khả năng thì Trung Quốc vẫn chưa đủ sức xuất khẩu một mẫu tàu ngầm nội địa ra bên ngoài, khi lực lượng tàu ngầm của nước này vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Nhưng trong tương lai gần thì quốc gia này có thể sẽ bắt đầu tham giá thị trường đầy màu mỡ này.
 Tuy sở hữu lực lượng tàu ngầm đông đảo hơn, nhưng công nghệ tàu ngầm Trung Quốc luôn bị đánh giá là thua xa so với Nhật Bản.
Việc chuyển đổi nền công nghiệp quốc phòng sang hướng xuất khẩu cũng là một bài toán khó đối với Nhật Bản, khi đa phần tuổi thọ lực lượng tàu ngầm mà nước này đang sử dụng chỉ có 20 năm. Trong khi đó các khách hàng của Nhật Bản mong đợi những chiếc Soryu có thể hoạt động lâu hơn thế, do đó nền công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản buộc phải tiến hành điều chỉnh cho phù hợp hơn để có thể đáp ứng lại mọi yêu cầu từ thị trường. Từ sửa chữa, bảo dưỡng cho đến phù tùng hay thiết bị thay thế.
Không giống như Đức, Pháp, hay Nga. Nhật Bản có ít kinh nghiệm trong việc quản lý hay kéo dài thời gian hoạt động của các thiết bị quân sự, nhưng bù lại đó là với danh tiếng của nền công nghệ của nước này điều đó sẽ không phải là vấn đề quá lớn.
Sau những đánh giá trên có thể cho thấy, nếu Nhật Bản chính thức tham gia vào thị trường tàu ngầm diesel-điện chắc chắn sẽ là nỗi lo lớn đối với các công ty quốc phòng đến từ Đức, Pháp và Nga. Trong khi đó, thị trường tàu ngầm thông thường đang có nhu cầu khá lớn, một số quốc gia Mỹ Latinh đang mang muốn thay thế một số lượng tàu ngầm Type 209 của Đức đã lỗi thời càng sớm càng tốt.
 Mẫu tàu ngầm Type 209 do Đức.
Nếu Nhật Bản đủ khả năng sản xuất những chiếc tàu ngầm lớp Soryu sử dụng động cơ lai diesel-điện với giá thành cạnh tranh hơn, thì chắc chắn việc chiếm lĩnh thị trường tàu ngầm phi hạt nhân ở khu vực châu Á Thái Bình Dương của Soryu sẽ có thể xảy ra, và đây là điều mà Hải quân Trung Quốc không hề mong muốn.
Trà Khánh

Bình luận(0)