Tạp chí Armyrecognition hôm 21/7 cho biết, các công ty quốc phòng của Nhật Bản đang thực hiện những bước đi đầu tiên cho các hợp đồng xuất khẩu vũ khí sau khi chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí theo hiến pháp Nhật Bản. Đây có thể xem như là động thái đáp trả cứng rắn của Nhật Bản đối với Trung Quốc trong bối cảnh trong khu vực hiện tại.
Hôm 17/7, Bộ quốc phòng Nhật Bản đã phê duyệt hợp đồng xuất khẩu các bộ cảm biến do Mitsubishi Heavy Industries chế tạo sẽ lắp đặt trong các tên lửa phòng không của hãng Raytheon (Mỹ) sản xuất.
Ngoài ra các cảm biến trên cũng được sử dụng trong một dự án hợp tác phát triển hệ thống tên lửa phòng không mới giữa Nhật Bản và Vương Quốc Anh.
|
Công nghệ tàu ngầm tiên tiến của Nhật Bản luôn là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.
|
Một tuần trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Thủ tướng Australia Tony Abbott đã ký một thỏa thuận hợp tác phát triển lực lượng tàu ngầm chung giữa hai nước.
Các nhà phân tích quân sự cho biết, thỏa thuận này sẽ cho phép Australia tiếp cận công nghệ đẩy không khí độc lập (AIP) trang bị cho các tàu ngầm của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết, các nhà sản xuất vũ khí Nhật Bản lúc này đang rất cần các đơn hàng quốc tế nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho các hợp đồng sản xuất vũ khí cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF). Hiện tại, nền công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản đang bị phân mảnh nặng nề và chỉ hoạt động với qui mô hạn chế do ràng buộc bởi hiến pháp.
|
Với giá thành quá cao các hệ thống vũ khí của Nhật Bản không thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại.
|
Nhật Bản còn đang xúc tiến hợp đồng xuất khẩu vũ khí tiềm năng khác như máy bay vận tải C-2 được chế tạo bởi công ty Kawasaki Heavy Industries và thủy phi cơ US-2 của ShinMaywa Industries.
Trong đó, Ấn Độ đang rất quan tâm tới việc mua các máy bay thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản, cho các hoạt động dân sự lẫn quân sự. Tuy nhiên giá thành của mỗi chiếc US-2 lại quá cao gần 100 triệu USD, vô hình chung đã tạo thành rào cản cho việc xuất khẩu các máy bay này.
Giá thành quá cao và các vấn đề nhạy cảm trong khu vực luôn là rào cản chính khiến doanh thu của các công ty quốc phòng Nhật Bản thấp. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, Nhật Bản không nên xuất khẩu vũ khí hoàn chỉnh, mà thay vào đó là xuất khẩu các linh kiện cũng như bộ phận của các hệ thống vũ khí phổ biến hiện nay cũng như xuất khẩu các loại vật liệu tiên tiến như sợi carbon.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong năm 2012 công ty quốc phòng Mitsubishi Heavy của Nhật Bản chỉ có doanh thu 3 tỷ USD, bằng 1/12 doanh thu tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ.
Các công ty quốc phòng của Nhật Bản chỉ đứng thứ 29 trong danh sách các công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.