Bộ Quốc phòng đã bắt đầu thay các hệ thống radar dẫn đường tầm xa trên mặt đất RSDN-10 bằng các tổ hợp mới, Scorpion. Trong trường hợp chiến tranh, các hệ thống xác định toạ độ mặt đất này sẽ thay các hệ thống định vị toàn cầu GPS và GLONASS vũ trụ. Chương trình đổi mới được xác định cho đến năm 2020 và đã được bắt đầu trong năm nay từ 3 hệ thống của mạch Zabaikal.
Đại diện Viện Dẫn đường Vô tuyến Yuri Kupin cho biết: “Trong thời gian có các hoạt động tác chiến, mọi tín hiệu vệ tinh truyền qua vũ trụ đều bị chế áp mạnh bằng cái gọi là “nhiễu trắng”. Nga, Mỹ và nhiều nước trang bị các máy bay mang thiết bị chuyên dụng có khả năng dùng nhiễu khống chế toàn bộ không gian vô tuyến điện gần Trái Đất. Trong tình huống đó, Scorpion có nhiệm vụ thay thế cho GLONASS”.
|
Trong thời chiến, hệ thống định vị chính xác cao như GLONASS hay GPS đều có thể bị gây nhiễu.
|
Các hệ thống dẫn đường tầm xa hiện nay đã được chế tạo từ những năm 1940-1950 và làm một phần chức năng xác định toạ độ (với sai số 150-800m), những chức năng này hiện đã chuyển cho GLONAS và GPS. Hiện nay do các thiết bị bị hao mòn và chăm sóc phức tạp nên RSDN-10 thực tế không còn được sử dụng, phần lớn các trạm đã bị huỷ. Việc thay các hệ thống mặt đất trước hết là do yêu cầu cần đảm bảo an ninh quốc gia trong phần dẫn đường vô tuyến.
Trong nhiều năm qua, Nga đã sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học những năm qua để chế tạo hệ thống RSDN mới. Scorpion có thể đảm bảo khu vực hoạt động rộng lớn (1.000km so với 600km trước đây). Ngoài ra, RSDN-10 không có LKKS - trạm hiệu chỉnh kiểm tra khu vực được đặt ở khoảng cách xa, điều đó làm cho sóng vô tuyến không xâm nhập được vào vùng lãnh thổ đối phương tiềm tàng và làm cho hệ thống dẫn đường vô tuyến trở nên không phát hiện ra được.
“Những người sử dụng chủ yếu các trạm này, hiện có trong trang bị của Phòng không và Không quân là ném bom tần xa và Hải quân. Họ nhận được tín hiệu thời gian chuẩn xác và đồng bộ hoá thiết bị thông qua các mạng này”, ông Kupin nói.
|
Hệ thống Scorpion có thể thay thế tạm thời vai trò của GLONASS khi bị "mù".
|
Khác với các trạm cũ, Scorpion có thể tự động duy trì các thông số của tín hiệu phát, có thể được điều khiển từ một điểm duy nhất và có thể chế áp các xung vô tuyến dư. Các máy thu của hệ thống có thể được lắp đặt trên máy bay, trên các trang bị kỹ thuật mặt đất, biển và sông. Còn một ưu thế nữa của Scorpion là hệ thống có khả năng đồng bộ hoá các trạm với hệ thống GLONASS, điều này làm tăng hiệu quả của chúng lên nhiều.
Nguyên Tư lệnh Không quân Petr Deinekin cho biết: “Phi hành đoàn lái máy bay ném bom tầm xa không bao giờ chỉ sử dụng dữ liệu của một hệ thống để xác định địa điểm. Chúng tôi bao giờ cũng sử dụng tổng hợp các phương tiện xác định chính xác vị trí của máy bay. Cũng phải có cả hệ thống dẫn đường độc lập, sao cho phi công không bị phụ thuộc vào các phương tiện kỹ thuật vô tuyến và vũ trụ, những hệ thống có thể bị chế áp vì nhiễu. Đúng là, vấn đề độ chính xác dẫn đường là một trong những vấn đề quan trọng của thới chiến và thời bình”.
|
Độ chính xác dẫn đường góp một phần quan trọng khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
|
Ngoài việc đưa vào sử dụng các thiết bị radar hiện đại nhất, nước Nga có kế hoạch hiện đại hoá các hệ thống cũ. Hãng Rosoboronpostavka đã đặt sửa chữa phục hồi các tổ hợp RSDN-10 Alpha. Việc cải tiến nâng cấp được thực hiện trong khuôn khổ chương trình mục tiêu liên bang “Các hệ thống dẫn đường toàn cầu” và phù hợp với “Kế hoạch dẫn đường vô tuyến Nga cho giai đoạn 2008-2025”. Ngân sách của bộ Quốc phòng chi cho các mục đích này khoảng 50 triệu Rub.
Việc đưa Scorpion vào hoạt động diễn ra theo 4 giai đoạn: 2013-2015 sẽ thay 3 hệ thống của mạch Zabaikal; 2016-2017 thay 4 hệ thống của mạch Bắc Kavkaz; 2017-2019 thay 4 hệ thống ở Viễn Đông và 2019-2020 thay 3 hệ thống mạch Nam Ural.
Bên cạnh các hệ thống mới dẫn đường tầm xa, Quân đội Nga sẽ được trang bị các máy thu không quân chống nhiễu PPA-S/V, những máy thu này có thể thu tín hiệu GLONASS, GPS, toàn bộ RSDN mặt đất và Scorpion.