Quân đội Tanzania lộ kho vũ khí "khủng" mua của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Với giá thành hấp dẫn cùng tính năng đa dạng, vũ khí Trung Quốc là sự lựa chọn hàng đầu đối với các quốc gia ở Châu Phi.

Theo Tạp chí Jane’s Defence Weekly, Lực lượng vũ trang Tanzania gần đây đã tổ chức lễ duyệt binh nhân dịp tròn 50 năm sáp nhập giữa hai vùng lãnh thổ Tanganyika và Zanzibar để tạo thành đất nước Tanzania ngày nay.
Trong buổi lễ này Quân đội Tanzania lần đầu tiên cho ra mắt trước công chúng các loại vũ khí có trong trang bị của lực lượng này, và điều đáng lưu ý đa phần số vũ khí trên có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Lễ duyệt binh trên được tổ chức ở sân vận động tại thành phố lớn nhất của Tanzania là Dar es Salaam, trong hình ảnh được phát đi từ lễ diễu binh có sự xuất hiện của một số loại tăng thiết giáp do Trung Quốc sản xuất như: xe tăng chiến đấu hạng nhẹ Type 63; hệ thống pháo phản lực 300mm A100; pháo cối tự hành Type 07PA 120mm và hệ thống phòng không di động tầm thấp FB-6A.
Xe thiết giáp chở quân WZ-551 (Trung Quốc chế tạo) của Quân đội Tanzania trong lễ duyệt binh.
Bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của hệ thống cầu phao đặc chủng Type 79 và Type 84A do Trung Quốc sản xuất. Quân đội Tanzania được trang bị khá nhiều loại cầu phao và thiết bị hỗ trợ công binh một phần do địa hình của nước này. Trước đó, vào năm 2011 Tanzania cũng đưa vào trang bị hệ thống phà tự hành bánh xích GSP do Nga chế tạo.
Vũ khí "khủng" đều là hàng sao chép
Trong số các trang bị xuất xứ từ Trung Quốc, "khủng" nhất phải kể đến hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa A100 cỡ 300mm. Nó được cho là bản sao chép của hệ thống pháo phản lực BM-30 9A52 Smerch của Nga. Dù vậy, công ty chế tạo A-100 là Tổng công ty Công nghiệp phương Bắc (NORINCO) quảng cáo rằng, phạm vi tấn công hiệu quả của nó xa hơn nhiều so với BM-30.
Theo Jane's, Tanzania mua các hệ thống pháo phản lực A-100 vào năm 2009 và luôn giữ bí mật về loại vũ khí này từ đó cho tới cuộc duyệt binh năm 2014.
 Pháo cối tự hành Tyoe-07PA do Trung Quốc sản xuất.
Pháo cối tự hành Type 07PA dùng khung gầm xe bọc thép Type 07P 8x8 dành riêng cho thị trường xuất khẩu. Type 07PA trang bị pháo cối 120mm đạt tầm bắn xa đến 9,5km với đạn nổ phá hoặc 8,5km với đạn rải mìn.
Về phần FB-6A, là hệ thống tên lửa phòng không di động tầm ngắn do Trung Quốc sản xuất. Theo một số nguồn tin, đây là thiết kế sao chép theo phiên bản hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn AN/TWQ-1 Avenger SHORAD của Boeing phát triển cho Quân đội Mỹ.
AN/TWQ-1 được trang bị các tên lửa Stinger và đặt trên khung gầm là xe bọc thép tiêu chuẩn Humvee của Quân đội Mỹ. Trong khi đó FB-6A lại được đặt trên xe bọc thép SFQ2040 cũng là mẫu xe bọc thép nhái theo Humvee do công ty Thẩm Dương sản xuất. Mỗi bệ phóng FB-6A mang theo 8 tên lửa phòng không FN-6 với tầm bắn khoảng 5,5 km cùng với một xe radar dành cho nhiệm vụ phát hiện mục tiêu và dẫn đường.
FB-6A được xem là hệ thống phòng không tầm ngắn bổ sung cho các hệ thống tên lửa phòng không cá nhân Igla-1 (SA-16) và Strela-2 (SA-7) do Nga sản xuất đang được các lực lượng vũ trang của Tanzania sử dụng.
Trong buổi lễ trên còn có sự xuất hiện thêm các hệ thống radar giám sát phòng không chưa từng được Tanzania công bố trước đây. Rất có thể nó được dùng để hỗ trợ cho các tên lửa phòng không tầm trung 2k12 Kub (NATO định danh là SA-6) và S-125 Pechora (NATO định danh là SA-3).
 Phi đội F-7G của Không quân Tanzania.
Tanzania cũng đã mua một số lượng nhất định xe bọc thép chở quân tiêu chuẩn WZ-551 của Trung Quốc. Đặc biệt, WZ-551 hiện là một trong những mẫu xe bọc thép khá phổ biến trong các lực lượng quân sự ở các quốc gia Đông Phi như Burundi, Kenya và Ethiopia.
Lực lượng Không quân của Tanzania cũng góp mặt trong buổi lễ trên với sự xuất hiện của phi đội máy bay chiến đấu F-7G còn có cái tên khác là J-7 do hãng hàng không Thành Đô, Trung Quốc sản xuất.
J-7 là thiết kế sao chép mẫu máy bay chiến đấu MiG-21 huyền thoại của Liên Xô. Với các phiên bản xuất khẩu giá rẻ đây được xem như là mẫu máy bay chiến đấu bán chạy nhất của Trung Quốc nhưng kèm theo đó J-7 cũng chịu không ít tai tiếng về chất lượng của mình.
Trà Khánh

Bình luận(0)