Trung Quốc bán 1.700 máy bay cho quân đội nước nào?

Google News

(Kiến Thức) - Trong 35 năm, Trung Quốc xuất khẩu tổng cộng 1.700 máy bay quân sự tới hơn 60 quốc gia. Vậy đó là những loại máy bay nào và nước nào đã mua?

Theo Thời báo Hoàn Cầu, xuất khẩu sản phẩm hàng không Trung Quốc đã có 35 năm lịch sử. Trong những năm qua, nước này đã xuất khẩu khoảng 1.700 máy bay ra thế giới tới hơn 60 quốc gia trên thế giới.
Vậy Trung Quốc đã xuất khẩu loại máy bay nào? Những quốc gia nào sử dụng máy bay do Trung Quốc chế tạo?
Căn cứ vào thống kê công khai cho thấy, các mẫu máy bay xuất khẩu chủ yếu của Trung Quốc gồm có J-7, JJ-7, Kiêu Long, K-8, L-15, Z-9, Y-8 và Y-12. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu máy bay của Trung Quốc đạt 1 tỷ USD. Có thể nói, sản phẩm hàng không mà Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, bất luận là tính năng, độ an toàn và tính kinh tế đều được sự thừa nhận của thị trường quốc tế.
 Khoảng 500 chiếc J-7 được bán cho hàng chục quốc gia trên thế giới.
J-7: Quán quân máy bay chiến đấu xuất khẩu Trung Quốc
Theo mạng tổng hợp công nghiệp quốc phòng Nga, từ những năm 1960 trở lại đây, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 500 tiêm kích đánh chặn J-7 (gồm nhiều biến thể) cho các nước Albania, Bangladesh, Ai Cập, Zimbabwe, Iraq, Iran, Triều Tiên, Myanmar, Pakistan, Sudan, Tanzania và Sri Lanka. Sở hữu tính năng ưu việt, độ linh hoạt cao, giá cả hợp lý đã giúp cho loại tiêm kích sao chép MiG-21 này trở thành quán quân máy bay xuất khẩu của Trung Quốc.
Mặc dù, máy bay chiến đấu J-7 đang dần được rút ra khỏi danh sách tác chiến của Không quân Trung Quốc, nhưng trên thị trường quốc tế, J-7 vẫn có sức cạnh tranh đặc biệt. Theo báo chí Nga, năm 2013 Không quân Tanzania đã mua 12 máy bay tiêm kích F-7TN và 2 máy bay chiến đấu huấn luyện FT-7TN của Trung Quốc.
JF-17: niềm hi vọng mới
Trong khi mẫu J-7 đang dần lùi về quá khứ thì JF-17 nổi lên như là “ngôi sao” trên thị trường chiến đấu cơ trong tương lai của Trung Quốc. Theo báo chí Nga, giai đoạn 2010-2017, trong danh sách số lượng xuất khẩu máy bay chiến đấu đa năng thì Trung Quốc đứng thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Nga.
 Trung Quốc hi vọng bán 300 chiếc JF-17 trong những năm tới.
Để có được vị trí thứ 3 này chủ yếu dựa vào hợp đồng bàn giao và cấp giấp phép sản xuất máy bay chiến đấu Kiêu Long JF-17 cho Pakistan, tổng cộng có khoảng 100 máy bay với trị giá 2,52 tỷ USD. 4 năm trước Trung Quốc đã bàn giao (bao gồm cấp giấy phép sản xuất) 45 máy bay với giá 870 triệu USD. Số lượng bàn giao máy bay Kiêu Long trong 4 năm tới ít nhất là 55 máy bay, trị giá 1,65 tỷ USD.
Theo tờ The Diplomat của Nhật Bản, hiện nay có hơn 10 nước quan tâm đến loại máy bay này bao gồm Azerbaijan, Bangladesh, Congo, Ai Cập, Indonesia, Iran, Nigeria, Sri Lanka, Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Argentina, Ả Rập Saudi, Iraq, Zimbabwe.
Trước đó, công ty CATIC tiết lộ, Trung Quốc hy vọng thực hiện mục tiêu xuất khẩu 300 máy bay chiến đấu Kiêu Long JF-17 vào trước năm 2017, hiện nay đã tiến hành đàm phán và trao đổi với một số nước. Việc Trung Quốc trang bị động cơ WS-13 sản xuất trong nước cho các máy bay này chắc chắn sẽ loại bỏ được trở ngại lớn nhất trong xuất khẩu máy bay này. Trước đó, JF-17 chỉ sử dụng động cơ tuốc bin phản lực RD-93 do Nga chế tạo.
Máy bay huấn luyện thành công nhất: K-8 Karakorum
K-8 Karakorum là biến thể xuất khẩu của máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực JL-8 do Trung Quốc thiết kế, sản xuất. Loại máy bay này được đánh giá cao trên trường quốc tế, ngoài Không quân Trung Quốc ra, có 12 nước đã trang bị loại máy bay này gồm Bolivia, Ai Cập, Ghana, Myanmar, Namibia, Pakistan, Sri Lanka, Sudan, Tanzania, Venezuela, Zambia và Zimbabwe.
 Máy bay huấn luyện K-8 đang tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công.
Theo quan chức Trung Quốc, máy bay K-8 kiếm được không ít ngoại tệ cho đất nước, là một trong số ít máy bay xuất khẩu ra bên ngoài có thể kiếm tiền của Trung Quốc. Trong đó Ai Cập là nước sử dụng K-8 lớn nhất, tổng cộng mua và sản xuất 120 chiếc.
Ngôi sao đang lên: L-15
L-15 là máy bay huấn luyện cấp cao siêu âm thế hệ mới do Công ty công nghiệp hàng không Hồng Đô Trung Quốc nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu huấn luyện phi công cho máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ 4, 5.
Tại triển lãm hàng không Singapore, phía công ty Hồng Đô tiết lộ, vị khách nước ngoài đầu tiên của máy bay huấn luyện cấp cao L-15 là Zambia. Ngoài ra, gần đây, Bộ quốc phòng Venezuela đã tuyên bố, không quân nước này sẽ mua L-15 của Trung Quốc. Những đột phá này cho thấy máy bay L-15 chính thức bước vào đấu trường quốc tế.
 L-15 đang có triển vọng xuất khẩu lớn trên thị trường máy bay huấn luyện siêu thanh.
Báo chí nước ngoài đánh giá cao việc xuất khẩu L-15, cho rằng, máy bay huấn luyện cấp cao có khả năng tấn công đối đất và đối hải với tầm bắn tối thiểu 100 km, bất luận là tầm bay hay là trọng tải vũ khí đều không bị mất đi khả năng chiến đấu của một máy bay tấn công chiến thuật, trái lại giá chỉ bằng một nửa máy bay chiến đấu thế hệ 3, thậm chí thấp hơn.
Đối với các nước châu Phi, Mỹ Latinh mà nói máy bay huấn luyện cấp cao hiện đại đủ để thay thế máy bay tấn công, thậm chí là người đầu tiên sử dụng một số chức năng tác chiến của máy bay chiến đấu.
Đại diện xuất khẩu trực thăng Trung Quốc: Z-9
Z-9 là trực thăng đa năng hạng nhẹ do công ty chế tạo máy bay Cáp Nhĩ Tân sản xuất sau khi có được giấy phép sản xuất trực thăng Dauphin của Pháp. Quân đội Trung Quốc trang bị lượng lớn trực thăng này, ngoài ra Z-9 cũng được bán ra nhiều nước gồm Bolivia, Cabo Verde, Campuchia, Kenya, Lào, Mali, Mauritanie, Namibia, Pakistan.
 Triển vọng xuất khẩu Z-9 vẫn tốt.
Gần đây báo chí Nga cho rằng, Hải quân Bangladesh đã quyết định mua 2 trực thăng Z-9C của Trung Quốc, dùng để thực hiện nhiệm vụ chống ngầm và tìm kiếm cứu nạn. Điều này cho thấy, triển vọng xuất khẩu trực thăng Z-9 của Trung Quốc vẫn tốt.
Máy bay vận tải xuất khẩu chủ lực: Y-8
Tại triển lãm hàng không Paris năm 2013, giám đốc công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc tiết lộ với Thời báo Hoàn Cầu, tình hình bán máy bay Y-8 rất tốt, không chỉ để đạt được doanh số bán hàng ở Nam Mỹ, còn mở rộng thị trường bán hàng mới tại châu Á. Theo phương tiện truyền thông nước ngoài, máy bay Y-8 của Trung Quốc đã được xuất khẩu sang 6 nước gồm Myanmar, Pakistan, Sudan, Tanzania, Venezuela và Sri Lanka.
 Y-8 đang xâm nhập vào thị trường Mỹ Latinh.
Giám đốc Công ty công nghiệp máy bay Thiểm Tây Trung Quốc Ký Quảng Hưng tiết lộ, thị trường xuất khẩu máy bay Y-8 đã được phục hồi đáng kể sau 10 năm ảm đạm, yêu cầu của thị trường quốc tế đối với mẫu máy bay này hiện rất mạnh.
Ngày 21/5/2011, Công ty công nghiệp máy bay Thẩm Tây ký hợp đồng xuất khẩu 8 máy bay vận tải Y-8C cho Venezuela. Thương vụ này tăng tổng số lượng máy bay Y-8 xuất khẩu lên 25 chiếc, mở đường cho Y-8 thâm nhập vào thị trường Mỹ Latinh.
Phá vỡ sự độc quyền của phương Tây trên thị trường UAV
Ngoài lĩnh vực máy bay có người lái, công nghiệp hàng không Trung Quốc cũng đang bước vào giai đoạn tiến công thị trường UAV, phá vỡ thế độc quyền của phương Tây.
Trong vài năm trở lại đây, nước này đã xuất khẩu số lượng nhỏ máy bay không người lái cho Pakistan, Myanmar và một số nước khác. Trung Quốc liên tục ra mắt nhiều mẫu máy bay không người lái trinh sát, vũ trang khác và nhận được sự đánh giá cao từ các nước.
Tạp chí Aviation Week của Mỹ bình luận, đầu thế kỷ 21, tiến độ nghiên cứu UAV của Trung Quốc vẫn chậm, nhưng sau năm 2011, ngành công nghiệp UAV đã cho thấy sự tăng trưởng bùng nổ.
Bằng Hữu

Bình luận(0)