Trung Quốc bí mật bán MiG-21 “nhái” cho Tanzania

Google News

(Kiến Thức) - Tanzania đã tiếp nhận từ Trung Quốc 12 tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ F-7TN – phiên bản xuất khẩu của J-7G được Trung Quốc sao chép mẫu MiG-21 Liên Xô.

Tạp chí Jane's Defence Weekly đưa tin, Không quân Tanzania đã tiếp nhận 12 chiếc máy bay chiến đấu F-7TN và 2 chiếc máy bay huấn luyện FT-7TN của Trung Quốc.
Theo nguồn tin, hợp đồng này được ký kết trong năm 2009, việc giao hàng hoàn thành trong năm 2012, nhưng mãi bây giờ mới được tiết lộ. Những chiếc máy bay này sẽ thay thế 11 chiếc máy bay chiến đấu cũ F-7A mà Tanzania cũng nhập khẩu từ Trung Quốc từ những năm 1970.
Các máy bay chiến đấu mới sẽ được triển khai ở Dares Salaam và sân bay Mwanza.
 Một chiếc F-7 xuất khẩu cho Bangladesh với buồng lái kiểu mới, kiểu dáng chiếc F-7 này khá giống với biến thể MiG-21F-13 với mũi nhọn thụt sâu vào trong cửa hút không khí cho động cơ phản lực.
Tiêm kích F-7TN là phiên bản xuất khẩu của tiêm kích J-7G được Tập đoàn Hàng không Thành Đô sao chép cải tiến từ dòng tiêm kích huyền thoại MiG-21 của Liên Xô. J-7 (biến thể xuất khẩu F-7) được xem là mẫu tiêm kích chiến đấu bán chạy nhất của công nghiệp hàng không Trung Quốc hiện nay, với 13 quốc gia mua sử dụng. Tuy nhiên, chủ yếu những nước dùng J-7 đều tập trung ở khu vực Trung Đông và châu Phi.
Các máy bay J-7 hay bản xuất khẩu F-7 so với tiêm kích MiG-21 nhìn chung không có sự đổi khác nhiều về hình dáng, kích thước, khả năng mang vũ khí mà chủ yếu được cải tiến về hệ thống điện tử hàng không (nhất là radar).
Ví dụ, trong giai đoạn từ 2008-2010, Trung Quốc từng xuất khẩu F-7NM sang Namibia và F-7NI cho Nigeria, những chiến đấu cơ này sử dụng hệ thống radar điều khiển hỏa lực Grifo7 do Italy sản xuất. Riêng trong lô hàng xuất khẩu sang Tanzania lần này, được sử dụng hệ thống radar KLJ-6E do Trung Quốc chế tạo.
Những loại radar này có tầm trinh sát, phát hiện mục tiêu cao hơn so với mẫu radar RP-21/22 trên dòng MiG-21. Tất nhiên, những chiếc MiG-21 hiện đại hóa theo tiêu chuẩn hiện đại (như MiG-21 Bison Ấn Độ, MiG-21 Lancer Romania) sau này dùng các radar có tầm hoạt động xa hơn.
J-7 (hay F-7) trang bị động cơ tuốc bin phản lực của Trung Quốc cho tốc độ ngang bằng MiG-21, hỏa lực có pháo 30mm trong thân (cơ số 60 viên) và 5 giá treo mang tổng cộng 2 tấn vũ khí gồm tên lửa không đối không tầm ngắn, bom hàng không và rocket 55/90mm.
Hoàng Anh

Bình luận(0)