Trang mạng
Nationalinterest mới đây đã có bài viết về tầm quan trọng của các hệ thống phòng thủ bờ biển đối với chiến lược của Mỹ và các đồng minh ở châu Á nhằm đối phó với sự trỗi dậy của
Trung Quốc.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Những năm gần đây, Trung Quốc đã phát triển một loạt các hệ thống phòng thủ bờ biển mạnh mẽ, một phần của sức mạnh chống các cuộc tấn công từ đường biển. Những khả năng đó đã buộc Mỹ, Australia phải xem xét lại chiến lược của họ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đã có một số câu hỏi được đặt ra, tại sao Mỹ và Australia lại không có các hệ thống tên lửa chống hạm phóng từ mặt đất trong kho vũ khí của họ. Mỹ, Australia có tên lửa chống hạm phóng từ tàu chiến, từ máy bay. Nhưng nếu có hệ thống tên lửa chống hạm phóng từ mặt đất sẽ cải thiện được rất nhiều vấn đề chiến lược.
|
Trung Quốc đã phát triển một loạt các hệ thống phòng thủ bờ biển mạnh mẽ.
|
Vấn đề này đã được đề xuất gần đây bởi các thành viên Quốc hội Mỹ và một số học giả. Các hệ thống phòng thủ bờ biển rất hữu ích để xua đuổi, ngăn chặn các hoạt động bằng đường biển của đối phương. Mặt khác, kiểm soát bờ biển tạo nên một khu vực tự do hàng hải và ngăn đối phương kiểm soát vùng biển.
Kiểm soát bờ biển không chỉ xua đuổi các hoạt động trên biển mà còn ngăn chặn hiệu quả các hoạt động của đối phương trong khu vực. Trong những năm qua, kiểm soát bờ biển là sự kết hợp giữa không quân và hải quân. Mặc dù hệ thống phòng thủ bờ biển chỉ có thể ngăn chặn đường biển, nhưng nếu hội nhập chung với không quân và hải quân sẽ tạo nên một công cụ mạnh mẽ trong việc duy trì kiểm soát trên biển đặc biệt là các khu vực ven biển.
Sự phát triển của các loại tên lửa chống hạm Trung Quốc đã gây rất nhiều áp lực đối với Mỹ và các đồng minh ở tây Thái Bình Dương. Đã qua rồi những ngày có thể áp đặt kiểm soát trên biển ở bất kỳ nơi nào. Hơn nữa, các chương trình tàu sân bay, tàu ngầm, tàu chiến mặt nước cho thấy tham vọng của Bắc Kinh trong việc kiểm soát đại dương và triển khai sức mạnh trong tương lai.
|
Tên lửa chống hạm chủ lực Harpoon của Mỹ và các đồng minh chỉ phóng từ tàu chiến và máy bay.
|
Điều đó đã tạo nên sự cạnh tranh chiến lược một cách nghiêm trọng đối với sự hiện diện của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Những thách thức đó thể hiện một cách hòa bình hay bạo lực sẽ phụ thuộc một phần vào cách mà Mỹ và các đồng minh sử dụng sức mạnh quân sự trên tất cả các lĩnh vực.
Những hệ thống phòng thủ bờ biển sẽ mang lại cho Mỹ và các đồng minh 3 lợi ích, làm giảm nguy cơ leo thang, tạo sự linh hoạt chiến lược và giảm nhẹ sự tổn thương cho các nền tảng mang phóng khác. Những hệ thống như Type 88 sẽ mang lại cho Nhật Bản khả năng lựa chọn từ chối xâm nhập với ít mối đe dọa và sự leo thang không đáng có.
Các hệ thống phòng thủ bờ biển triển khai cố định hoặc bán cố định sẽ cho phép Mỹ và Australia tối đa hóa sức mạnh kiểm soát trên biển trong các cuộc xung đột nếu có. Sử dụng các hệ thống phòng thủ bờ biển triển khai ở các vùng ven biển hay các hệ thống đặt cố định tại các nút thắt quan trọng dọc theo các tuyến hàng hải sẽ tạo nên tuyến phòng thủ hậu phương vững chắc.
|
Những hệ thống phòng thủ bờ biển như Type-88 của Nhật Bản là công cụ quan trọng để củng cố vị thế của Mỹ ở châu Á.
|
Sau đó, Mỹ và các đồng minh có thể tăng cường triển khai trên không và trên biển đến những khu vực quan trọng và quyết định. Sự có mặt của các hệ thống phòng thủ bờ biển sẽ đảm bảo sự sống sót trước một đối thủ đầy khả năng.
Học thuyết “Không-hải chiến” chứa đựng trong nó nhiều rủi ro trong một cuộc xung đột tiềm tàng ở tây Thái Bình Dương. Chi phí hoạt động cao của các tiêm kích thế hệ 5 như F-22, F-35 sẽ là một thách thức trong việc duy trì chúng trên không cho đến khi có thể phóng thành công vũ khí và hy vọng quay được về nhà.
Một vấn đề quan trọng khác là Trung Quốc không bị vướng vào Hiệp ước INF (cấm phát triển các tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500km). Điều đó đang trực tiếp tạo nên những bất lợi cho Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến ở tây Thái Bình Dương.
Do đó những hệ thống phòng thủ bờ biển sẽ là công cụ quan trọng để củng cố vị thế của Mỹ và các đồng minh ở châu Á Thái Bình Dương. Các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng, các chuyên gia cần nghiên cứu một cách nghiêm túc về vấn đề này.