Sức mạnh "sát thủ" diệt tàu đổ bộ 4K51 Rubezh của Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Dù dùng đạn tên lửa thế hệ cũ nhưng tổ hợp tên lửa bờ 4K51 Rubezh của Việt Nam vẫn hữu hiệu trong tác chiến chống tàu đổ bộ.

Hiện nay, trong “lá chắn” phòng thủ bờ biển của Hải quân Nhân dân Việt Nam ngoài các tổ hợp tên lửa bờ 4K44 Redut có tầm bắn siêu xa, K-300P Bastion-P hiện đại nhất, còn có tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ tầm ngắn mang tên 4K51 Rubezh cũng do nước bạn Liên Xô viện trợ từ những năm 1980.
Tổ hợp tên lửa bờ 4K51 Rubezh được phát triển vào đầu những năm 1970 nhằm bổ sung cho tổ hợp 4K44 Redut. Những năm 1960, lực lượng phòng thủ bờ biển Hải quân Liên Xô biên chế chủ yếu tổ hợp 4K44 Redut có tầm bắn siêu xa, đầu đạn cỡ lớn nhưng mỗi xe bệ phóng chỉ có một đạn và phải có nhiều phương tiện mang khí tài chiến đấu đi cùng. Lúc này, hải quân cần một tổ hợp tên lửa cơ động cao hơn, nhưng tầm bắn ngắn hơn bổ sung vào lưới phòng thủ bờ.
Bộ đội hải quân nạp đạn tên lửa vào bệ phóng KT-161 trên xe phóng 3P51.
Năm 1970, Cục thiết kế Raduga được giao nghiên cứu phát triển tổ hợp tên lửa thế hệ mới. Trong quá trình phát triển, các nhà thiết kế quyết định lựa chọn tên lửa hành trình chống tàu tầm ngắn P-15 Termit (NATO định danh là SS-N-2) trang bị cho tổ hợp, định danh là 4K51 Rubezh. Từ năm 1978, tổ hợp 4K51 Rubezh chính thức được chấp thuận đưa vào phục vụ trong Hải quân Liên Xô.
Có thể nói, so với 4K44 Redut, tổ hợp 4K51 Rubezh gọn nhẹ hơn rất nhiều với việc tích hợp cả đài điều khiển hỏa lực, radar và ống phóng trên cùng một khung gầm xe bánh lốp cơ động cao.
“Mổ xẻ” thành phần tên lửa 4K51 Rubezh
Biên chế một khẩu đội tên lửa 4K51 Rubezh gồm có 4 xe phóng đạn 3P51, 4 xe nạp đạn và 16 quả đạn tên lửa hành trình chống tàu P-15M – cải tiến từ đạn P-15U.
Xe phóng đạn 3P51 thiết kế đặt trên khung gầm cơ sở xe vận tải bánh lốp hạng nặng MAZ-543M. Trên xe phóng lắp đặt cabin điều khiển hỏa lực, đài radar trinh sát – dẫn bắn Harpoon, cụm 2 ống phóng tên lửa KT-161 cùng một số thành phần phụ khác.
Trong đó, đài radar trinh sát – dẫn bắn Harpoon được dùng để phát hiện mọi mục tiêu trên mặt biển (tầm trinh sát 40-100km) và làm nhiệm vụ cung cấp lệnh dẫn đường cho tên lửa. Anten của radar khi hành quân thu lại trong các ống thủy lực gấp gọn phía trước cabin điều khiển, khi chiến đấu nhờ hệ thống thủy lực được nâng cao lên 7,3m.
Cụm ống phóng tên lửa KT-161 trong trạng thái hành quân thì cửa ống phóng quay về phía sau, khi chiến đấu thì quay một góc về hướng bắn 110 độ và đưa vào góc nâng phóng đạn 20 độ.
 Xe phóng đạn 3P51 trong trạng thái chiến đấu với ống phóng quay về hướng bắn, anten dựng lên cao.
Tổ hợp Rubezh trang bị đạn tên lửa hành trình chống tàu tầm ngắn tốc độ dưới âm P-15M được cải tiến dựa trên đạn P-15U. Đạn P-15M có chiều dài khoảng 6,56m, sải cánh 2,5m, đường kính thân (lớn nhất) 0,78m, trọng lượng phóng 2,5 tấn, lắp đầu đạn nổ phá uy lực mạnh 513kg (có một số nguồn thì cho là 454kg). Trên thân tên lửa, có 3 cánh đuôi tam giác gắn liền thân và 2 cánh lớn ở giữa thân được gấp gọn trong trạng thái hành quân.
Về động cơ đạn, P-15M lắp động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn đặt ở phía dưới thân gần đuôi tên lửa và động cơ hành trình nhiên liệu lỏng cho phép đạt tốc độ hành trình 1.100km/h (Mach 0,9), tầm bắn từ 8-80km (nghĩa là vô hiệu với mục tiêu dưới 8km), trần bay của tên lửa 25-50-250m được nạp vào máy tính trên tên lửa trước khi phóng.
Đạn P-15M trang bị hệ thống định vị quán tính trong giai đoạn bay hành trình ở pha đầu, pha giữa, ở pha cuối có thể dùng 2 phương án dẫn đường gồm: tự dẫn bằng radar chủ động kích hoạt khi cách mục tiêu 10-20km; dùng đầu tự dẫn hồng ngoại Snegir-M.
Rất hữu hiệu khi chống tàu đổ bộ
 Anten radar trinh sát - dẫn bắn Harpoon trong trạng thái chiến đấu.
Khi có lệnh chiến đấu, khẩu đội tên lửa sẽ nhanh chóng cơ động ra trận địa phòng thủ bờ biển. Tại trận địa, xe phóng sẽ nâng anten radar lên độ cao cần thiết, quay ống phóng về hướng phóng và đưa ống phóng về tư thế phóng đạn. Trong cabin điều khiển, sĩ quan theo dõi màn hình radar tìm kiếm, phát hiện, xác định tọa độ và nạp thông tin mục tiêu vào bộ nhớ đạn tên lửa. Sau đó, chỉ chờ lệnh của chỉ huy kíp chiến đấu là phóng đạn.
 Bên trong cabin điều khiển đặt trên xe phóng đạn 3P51.
Sau khi ấn nút phóng, tên lửa rời ống phóng bằng động cơ khởi tốc, ra khỏi ống phóng thì động cơ hành trình cũng khởi động đồng thời cánh chính tên lửa mở ra. Sau khi cháy hết nhiên liệu, động cơ khởi tốc sẽ tự động tách khỏi tên lửa và rơi xuống biển. Tên lửa bay với động cơ nhiên liệu lỏng và hạ xuống độ cao hành trình theo lập trình sẵn.
Ở pha cuối tiếp cận mục tiêu, đầu tự dẫn radar chủ động hoặc đầu tự dẫn hồng ngoại (cài đặt sẵn khi chưa phóng) tự khóa mục tiêu và điều khiển tên lửa tấn công bằng đầu đạn nửa tấn thuốc nổ.
 Đạn tên lửa P-15M rời bệ phóng với động cơ khởi tốc và động cơ hành trình cùng đốt.
Có thể nói, tổ hợp tên lửa bờ 4K51 Rubezh có tính cơ động cao khi cả radar và bệ phóng tên lửa đều nằm cùng một xe, đạn tên lửa có sức công phá cực mạnh, xe phóng có thể phóng loạt 2 tên lửa vào mục tiêu hoặc là nhiều xe phối hợp phóng loạt nhiều đạn.
Tuy nhiên, tổ hợp không phải là không có nhược điểm, không những thế đó còn là nhược điểm lớn. Tổ hợp dùng loại tên lửa chống tàu đã lỗi thời, kích thước quá lớn, tốc độ không cao, dễ bị gây nhiễu điện tử. Động cơ tên lửa dùng nhiên liệu lỏng nên khả năng duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu không cao (nhiên liệu lỏng không thể để lâu trong đạn mà phải chứa bên ngoài, khi chiến đấu thì nạp vào).
Nhưng dẫu sao, với đầu đạn cực mạnh như vậy, đạn P-15M nói riêng và tổ hợp 4K51 Rubezh vẫn rất hữu hiệu khi tác chiến chống tàu vận tải, tàu đổ bộ cỡ lớn, nhỏ thường có hệ thống phòng thủ không mạnh, nó sẽ dễ đột phá hơn nhất là khi dùng phương án phóng loạt tên lửa.
Hoàng Lê

Bình luận(0)