Đại liên đa năng M60 (Mỹ)
Cũng như nhiều quốc gia thuộc khối Đồng Minh khi đối đầu với quân phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, người Mỹ đã thu được nhiều kinh nghiệm học hỏi từ những khẩu súng máy của người Đức. Họ quan tâm đến khẩu MG-42 trứ danh và muốn chuyển nó sang dùng cỡ đạn của mình nhưng kết quả là thất bại hoàn toàn, bởi vì ai đó “quên” rằng cỡ đạn .30-06 của Mỹ khoảng 6mm dài hơn đạn 7,92mm của Đức. Mặc dù thất bại những người Mỹ vẫn quyết tâm học hỏi và từ năm 1945 họ đã thử nghiệm nhiều mẫu súng thiết kế từ MG42.
|
M60 trên giá 3 chân giúp bắn chính xác hơn.
|
Năm 1946, Quân đội Mỹ thử nghiệm mẫu súng máy T44, vốn kết hợp các ưu điểm từ hai loại súng máy nổi tiếng của Đức là cơ chế hoạt động của FG-42 và cơ chế nạp đạn dây của MG-42. Mặc dù vậy đến năm 1948 việc phát triển T44 đã bị đình lại và sau nhiều lần cải tiến, sang tên thì đến năm 1957 mẫu thử nghiệm T161 mới chính thức được chấp nhận và đưa vào biên chế Quân đội Mỹ với tên gọi “súng máy M60 7,62mm”.
Cũng như các loại súng máy khác, M60 sử dụng cơ chế trích khí, sử dụng đạn nạp vào bằng dây, làm mát bằng không khí với một chế độ bắn duy nhất là liên thanh, nòng súng có thể dễ dàng thay đổi. M60 có thể được khai hỏa từ máy bay, từ hỏa điểm hay kẹp nách để bắn, tuy vậy thì để đạt tầm bắn xa hiệu quả nhất, M60 nên được bắn khi sử dụng giá 2 chân hoặc 3 chân và bắn từng loạt 3-5 viên.
Khẩu súng này quá nặng và khó nhắm khi bắn mà không sử dụng biện pháp hỗ trợ, mặc dù khối lượng nặng cũng góp phần làm giảm độ giật. Tầm bắn hiệu quả của M60 đạt 1.100m khi bắn mục tiêu dạng diện ở mặt đất trên giá 3 chân và 800m khi dùng mội giá 2 chân, còn nếu mục tiêu đơn lẻ là 600m.
|
M60 có thể nhanh chóng thay nòng khi cần thiết.
|
M60 được Mỹ sử dụng rộng rãi trong cuốc chiến tranh xâm lược Việt Nam với vai trò là hỏa lực cấp tiểu đội bộ binh, nó còn được gắn trên xe bọc thép M113 hay gắn trên tàu tuần tiễu lẫn máy bay trực thăng. M60 được lính Mỹ đặt tên lóng là “con heo” do kích thước kềnh càng của nó.
Khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam ảnh hưởng nhiều đến các loại vũ khí, M60 không phải là ngoại lệ, các chi tiết của súng dễ dàng bị gỉ sét nếu không được bảo dưỡng thường xuyên, thậm chí có thể bị hóc đạn khi đang khai hỏa. Lực lượng đặc nhiệm SEAL sử dụng phiên bản ngắn nòng của M60 tại đây, họ còn cất đạn trong ba lô và nối dây đạn đến súng, do đó có thể bắn hàng ngàn viên mà không phải lo nạp đạn.
|
Lính Mỹ sử dụng M60 trong chiến tranh Việt Nam.
|
Từ những năm 1980, tiếc thay M60 đã dần bị thay thế bởi trung liên FN Minimi/M249 SAW khi nhu cầu một loại súng máy tốc độ bắn cao và gọn nhẹ lên ngôi dù cho có giảm bớt tính năng sức mạnh của khẩu súng. Mặc dù nhiều binh sĩ Mỹ không đồng tình như vậy khi cho rằng sức mạnh của cỡ đạn 7,62mm vẫn còn rất cần thiết và M60 vẫn còn được sử dụng trong các chức năng như gắn trên phương tiện cơ giới.
Nhưng tất cả đi đến hồi kết khi vào năm 1994, Quân đội Mỹ ra chương trình chọn loại súng máy hạng trung với hai ứng viên là M60E3 và FN MAG, cuộc đua diễn ra ở hai hạng mục chính: Số viên đạn bắn được giữa mỗi lần hóc đạn (MRBS) và số đạn bắn được giữa mỗi lần phải sửa chữa (MRBF).
Tổng cộng, mỗi khẩu bắn 50.000 viên, kết quả là M60 có 846 MRBS và 1.669 MRBF, so với 2.962 MRBS và 6.442 MRBF của FN MAG/M240, vậy là FN MAG/M240 đã trở thành người thắng cuộc và được chấp nhận đưa vào biên chế. Mặc dù M60 nhẹ hơn, có độ cân bằng tốt hơn, dễ điều khiển hơn và có sẵn nhiều trong kho, nó bị loại bỏ đơn giản là vì nó kém tin cậy hơn.
|
M60E4 là mẫu M60 mới nhất hiện tại.
|
Sau chiến tranh chống Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam thu được một số lượng rất nhiều đại liên “đuôi cá” M60 và nó đã được quân đội ta sử dụng rộng rãi vài năm sau đó.
Với ưu điểm tốc độ bắn nhanh, độ chụm tốt nhưng dễ hóc đạn nếu không được bảo quản tốt, tiếc rằng với việc cỡ đạn 7,62x51mm khác với cỡ đạn mà Việt Nam sản xuất nên M60 dần bị loại bỏ và hiện nay M60 (nếu có) chỉ còn số lượng rất ít và chúng ta thường gặp M60 trong các bảo tàng.
|
Bộ đội Việt Nam với xe jeep gắn M60 ở Campuchia
|
Thông số kỹ thuật
Cỡ nòng: 7,62x51mm NATO
Khối lượng: 10,4kg trên giá 2 chân - 17 kg nếu sử dụng thêm giá 3 chân
Dài: 1067mm
Chiều dài nòng: 560mm
Tốc độ bắn: Tùy chỉnh, 550 viên/phút
Tầm hiệu quả: 600m
Sơ tốc đầu nòng: 853m/s
Đại liên đa năng FN MAG (Bỉ)
Khẩu súng máy MAG (Mitrailleuse d'Appui General – Súng máy đa chức năng) được phát triển bởi nhà sản xuất vũ khí hạng nhẹ nổi tiếng FN Herstal (nơi sản sinh ra khẩu FN Minimi 5,56mm huyền thoại) đến từ nước Bỉ trong những năm 1950, với vai trò là một khẩu súng máy đa chức năng có thể sử dụng như một khẩu súng máy hạng nhẹ với giá 2 chân, hay một khẩu súng máy hạng trung trên giá 3 chân hoặc gắn trên xe tăng, xe quân sự, máy bay trực thăng (nguyên lý phát triển giống đại liên PKM).
|
Các thành phần chính trên FN MAG.
|
Thiết kế của FN MAG về cơ bản là cơ chế hoạt động dạng Browning, lấy từ khẩu trung liên M1918 BAR, đảo ngược mặt trên xuống dưới và sử dụng tiếp đạn bằng dây đạn lẫn cò súng lấy từ khẩu đại liên huyền thoại MG-42 Đức quốc xã. Thiết kế này sử dụng nhiều thép dập nhiều hết mức có thể để giảm công lao động và giá thành, kết quả là khẩu súng trông khá góc cạnh nhưng rất “thực dụng”. Bởi cho dù vẻ ngoài trông không đẹp lắm nhưng đảm bảo độ tin cậy và hiệu quả đã được kiểm nghiệm, đã được sử dụng trong quân đội hàng chục quốc gia trên thế giới bao gồm Bỉ, Anh, Mỹ (với tên gọi M240), Israel và nhiều quốc gia khác.
FN MAG/M240 được lắp đặt trên tất cả các loại xe từ xe tăng, bọc thép đến xe tuần tra, trực thăng… Có thể nói rằng FN MAG cũng với dòng PKM là hai khẩu súng máy đa năng được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
|
M240 (tên Quân đội Mỹ đặt cho FN MAG) gắn sau đuôi "chim ưng biển" V-22 Osprey sẵn sàng khai hỏa.
|
Về cơ chế hoạt động, FN MAG sử dụng cơ chế trích khí, làm mát bằng không khí, nạp đạn bằng dây đạn. Nòng súng có thể dễ dàng thay thế với tay cầm phụ giúp việc thao tác thao lắp nòng súng nóng bỏng được dễ dàng hơn. FN MAG sử dụng các loại dây đạn tự rã có độ dài khác nhau như dây đạn loại m13 của Mỹ (loại tiêu chuẩn của NATO). Tốc độ bắn của súng có thể tùy chỉnh giữa “thấp” (cỡ 650 viên/phút) và “cao” (khoảng 950 viên/phút), tùy thuộc vào tính huống tác chiến, và khẩu súng máy này chỉ có một chế độ bắn duy nhất là liên thanh.
Giá hai chân đơn giản bằng nhôm được gắn vào trục xy-lanh giảm giật và ở dưới thân súng có chỗ kết nối giúp gắn FN MAG vào các mấu gắn lên phương tiện, thiết bị khác, ví dụ như giá đỡ ba chân khi cần thiết hay gắn lên xe. Thước ngắm tiêu chuẩn trên FN MAG là thước ngắm dạng cơ khí thông thường có thêm chỉnh lượng gió, nhưng các phiên bản FN MAG sau này có các rail Picatinny giúp lắp kính ngắm quang học, kính ngắm đêm thay cho ngắm bằng cơ khí.
|
Lính Mỹ với M240 gắn kính ngắm và rail Picatinny trên giá 3 chân.
|
Phiên bản tiêu chuẩn sử dụng báng gỗ (lúc mới đầu) và báng nhựa tổng hợp (sau này), ngoài ra các phiên bản FN MAG/M240 khác như M240C súng máy đồng trục sử dụng cò bắn bằng điện thay cho cò thường, hay bản M240D gắn trên trên xe hay vị trí cố định không sử dụng tay cầm mà sử dụng cơ cấu bắn bằng 2 tay giống DShKM.
Cũng cần nói thêm rằng, M240 đã chính thức hạ bệ dòng súng M60 với khẩu M60E4 năm 1995 để trở thành đại liên tiêu chuẩn của Quân đội Mỹ, lính thủy đánh bộ và đặc nhiệm Mỹ, thậm chí còn sử dụng M240 trước đó nữa vào năm 1990 thay cho khẩu M60E3.
|
Đặc nhiệm Mỹ với ụ súng 2 khẩu đại liên M240 tạo nên màn hỏa lực đáng sợ.
|
Theo một số nguồn tin, Quân đội Việt Nam có nhập một số bản FN MAG/M240 tiêu chuẩn, nhưng dường như số súng này dùng để nhóm thi bắn súng quốc tế sử dụng để “luyện” tay nghề hơn là sử dụng trong các hoạt động tác chiến. Nhưng biết đâu trong tương lai loại súng này sẽ có mặt nhiều hơn trong trang bị khi Quân đội Việt Nam tham gia các hoạt động tác chiến gìn giữ hòa bình ở nước ngoài, nơi có nhu cầu đồng bộ hậu cần với các quốc gia vốn thường sử dụng súng FN MAG/M240.
Thông số kỹ thuật
Cỡ nòng: 7,62x51mm NATO
Khối lượng: 11-13kg trên giá 2 chân (tùy phiên bản), 21 kg nếu sử dụng thêm giá 3 chân
Dài: 1260mm
Chiều dài nòng: 545mm
Tốc độ bắn: Tùy chỉnh, 650-750viên/phút và 950-1000 viên/phút
Tầm hiệu quả: 800m
Sơ tốc đầu nòng: 840m/s