Nhắc đến súng trường tiến công nhiều người nghĩ ngay đến AK-47 bởi đây là khẩu súng trường tiến công thành công nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại. AK-47 đã trở thành vũ khí làm thay đổi cục diện chiến trường hiện đại.
Sự thành công của AK-47 là nhờ vào tài sáng tạo của nhà thiết kế vũ khí Mikhail Kalashnikov, nhưng trong đó có sự ảnh hưởng và kế thừa không nhỏ từ mẫu súng trường tiến công nỗi tiếng của Đức quốc xã là STG-44.
Năm 1941 trong cuộc tấn công vào Liên Xô, bộ binh của Đức quốc xã đã gặp bất lợi lớn về vũ khí cá nhân. Các nhà thiết kế vũ khí Đức quốc xã đã phát triển ý tưởng sản xuất một loại súng mới mạnh hơn súng tiểu liên nhưng có cỡ nòng nhỏ hơn súng trường đang sử dụng.
|
Súng trường tiến công MKB-42(H).
|
Các nhà thiết kế Đức quốc xã đã phát triển một loại đạn mới có đường kính 7,92x33mm để phục vụ cho quá trình phát triển súng mới. Hai nhà thiết kế Walther và Haenel đã phát triển nguyên mẫu súng trường mới được đặt tên Maschinenkarabiner 1942 (MKB-42).
Hai nhà thiết kế đã phát triển 2 mẫu thử nghiệm súng trường mới cùng được đặt tên là MKB-42 nhưng thêm chữ cái tên của nhà thiết kế vào phía sau để phân biệt. Walther là mẫu MKB-42(W), Haenel là MKB-42(H). Mẫu thiết kế MKB-42(H) đã chứng minh ưu thế so với đối thủ.
Quân đội Đức quốc xã đã lựa chọn mẫu súng trường mới của Haenel và yêu cầu một vài sửa đổi để có thể gắn kính ngắm trong một số nhiệm vụ. Cuối năm 1942 đầu 1943, khoảng 11.833 súng trường MKB-42(H) sửa đổi đã được sản xuất và đưa vào sử dụng.
Súng trường MKB-42(H) hoạt động theo nguyên tắc trích khí, súng có hoạt động ở 2 chế độ, tự động hoặc bán tự động. Tuy nhiên, việc trang bị rộng rải súng trường mới đã gặp khó khăn do đấu đá trong nội bộ Đức quốc xã. Adolf Hitler đã đình chỉ tất cả các chương trình phát triển súng trường mới cho đến năm 1943. MKB-42(H) được giữ lại bằng cách núp bóng dưới một chương trình phát triển súng trường mới mang tên Maschinenpistole 43 (MP-43).
Tuy nhiên, sự lừa dối này đã bị Hitler phát hiện, chương trình tiếp tục bị đình chỉ. Mãi đến tháng 3/1943 Hitler mới cho khôi phục lại các chương trình phát triển và đánh giá súng trường mới. Đến tháng 9/1943, Hitler rất ấn tượng với màn trình diễn của súng trường MP-43, sản xuất loạt đã được phê duyệt.
Tháng 04/1944, Hitler ra lệnh đổi tên súng trường MP-43 thành MP-44, ba tháng sau, Hitler lại tham khảo ý kiến của các tướng lĩnh để đặt cho súng trường mới một cái tên mang nhiều ý nghĩa tinh thần cũng như tuyên truyền cho sức mạnh của nó. Hitler đã đặt cho MP-44 tên gọi “Sturmgewehr” (tiếng Đức có nghĩa là súng trường cơn bão).
|
"Cơn bão" Sturmgewehr-44.
|
Sau đó tên gọi này được dịch sang tiếng Anh là “assault rifle”(súng trường tiến công) từ đó về sau thuật ngữ này đã trở thành tiêu chuẩn cho sự phát triển của các súng trường hiện đại. Sturmgewehr-44 (STG-44) đã trở thành “cha đẻ” của súng trường tiến công hiện đại ngày nay.
Súng trường tiến công STG-44 có tầm bắn hiệu quả 300m ở chế độ tự động, 600m ở chế độ bán tự động. STG-44 đã được sử dụng để chống lại Hồng quân Liên Xô ở mặt trận phía Đông. Nó tỏ ra vượt trội so với các súng tiểu liên PPS, PPSh-41 của Liên Xô.
Súng trường tiến công đầu tiên của thế giới đã ra đời quá muộn để có thể góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường. Tuy nhiên, STG-44 đã khai sinh một dòng vũ khí cá nhân mới là “súng trường tiến công”. Sau khi kết thúc chiến tranh, Liên Xô là quốc gia đầu tiên áp dụng khái niệm “súng trường tiến công” để phát triển loại vũ khí cá nhân mới. Sản phẩm tiêu biểu chính là súng trường tiến công AK-47.
|
Rất may, STG-44 ra đời khá muộn, ở thời điểm cuộc chiến đã gần như ngã ngũ.
|
Mặc dù AK-47 không phải là một bản sao trực tiếp của STG-44, tuy nhiên người ta tin rằng hàng chục ngàn khẩu STG-44 bị Liên Xô thu giữ đã cung cấp cho Kalashnikov và nhóm thiết kế của ông một cái nhìn tổng thể để đưa ra những cải tiến cho dòng súng trường tiến công mới.
Ảnh hưởng trực tiếp nhất có thể nhận thấy của AK-47 là cỡ đạn 7,62x39mm được phát triển từ cỡ đạn 7,92x33mm của STG-44. Tiếp sau thành công của AK-47, Mỹ cũng đã phát triển dòng súng trường tiến công mới M16 dựa trên ý tưởng sử dụng của STG-44.