Siêu tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc sẽ đảm nhiệm vai trò tác chiến ở trên khắp thế giới và làm “ô bảo vệ” tàu sân bay.
Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc, các doanh nghiệp đóng tàu nước này được cho là đang phát triển tàu khu trục thế hệ mới định danh tên lớp là Type 055. Con tàu có thể có lượng giãn nước lên tới 12.000 tấn biến nó trở thành tàu khu trục lớn thứ 2 thế giới, sau siêu hạm DDG-1000 của Mỹ.
Hiện, Type 055 là dự án quan trọng nhất trong việc phát triển tàu chiến mặt nước cỡ lớn của Trung Quốc, là trọng tâm của kế hoạch phát triển hải quân trong giai đoạn “5 năm lần thứ 12”. Type 055 có năng lực tác chiến đa năng, tổng hợp, toàn diện, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tương lai đối với Hải quân Trung Quốc.
|
Ảnh đồ họa siêu hạm Type 055.
|
Nhiệm vụ của Type 055 không giống so với những tàu khu trục thông thường trước đó của Trung Quốc. Theo đó, Type 055 có khả năng hoạt động viễn dương, thậm chí tới những vùng biển xa trên khắp thế giới, đồng thời có thể phối hợp tác chiến với nhóm các tàu sân bay.
Trong cụm tác chiến tổng hợp trên biển hợp nhất, Type 055 sẽ thực hiện nhiệm vụ tàu chỉ huy, có thể chỉ huy vài biên đội tác chiến chiến thuật trên mặt biển và nhiều tàu ngầm, nhiều lượt máy bay trên không tiến hành tác chiến liên hợp, có khả năng tiếp nhận và phát tín hiệu thông tin thu nhận được từ các trạm vệ tinh.
Trong phối hợp tác chiến với nhóm tàu sân bay, tàu khu trục Type 055 còn có thể đảm nhiệm nhiệm vụ phòng không, chống hạm, săn ngầm.
Siêu hạm Type 055 được thiết kế kiến trúc thượng tầng hình kim tự tháp khá đặc biệt nhằm tối ưu cho khả năng tàng hình. Hệ thống anten được tích hợp bên trong kiến trúc thượng tầng thay vì gắn bên ngoài. Điều này không ngoài mục đích tăng yếu tố tàng hình tốt hơn.
Trên nền tảng của radar mảng pha Type 346A trang bị trên Type 052D, tàu khu trục Type 055 sẽ sử dụng hệ thống radar mảng pha quét điện tử chủ động thế hệ mới, cự ly dò tìm lên đến 600km. Nó có thể giám sát hàng trăm mục tiêu, tự động phân phối mục tiêu cho các đơn vị tác chiến tương ứng, từ đó tạo thành hệ thống tác chiến tổng hợp.
|
Thân tàu Type 055 có nét khá giống với siêu hạm DDG-1000 của Mỹ và kiến trục thượng tầng độc đáo.
|
Hệ thống động lực chính của Type 055 là biến thể cải tiến của động cơ tuốc bin khí Type QC-280 do Trung Quốc tự sản xuất, nhưng sẽ lần đầu tiên áp dụng phương thức đẩy bằng điện nặng.
Tàu Type 055 được phát triển trên nền tảng tàu khu trục Type 052D của Hải quân Trung Quốc, chính vì vậy hệ thống pháo hải quân PJ-38 cỡ 130mm của Type 052D cũng sẽ là pháo chủ lực cho Type 055. Pháo này có hệ thống nạp đạn tự động, thích hợp với nhiều loại đạn, tốc độ bắn khoảng 40 phát/phút, tầm bắn 29,5 km.
Cũng như Type 052D, Type 055 chắc chắn sẽ trang bị hệ thống ống phóng thẳng đứng (gồm 64 ống) có thể bắn nhiều loại tên lửa gồm: phòng không tầm xa HQ-10; tên lửa đối đất; tên lửa chống tàu tầm xa YJ-83.
Hỏa lực phòng không tầm thấp của Type 055 có thể trang bị hệ thống pháo lade, một loại tên lửa tầm ngắn định danh là HQ-26. Trước đó cũng đã có nguồn tin cho rằng, Type 055 trang bị tổ hợp pháo cao tốc Type 1130 CIWS tương tự loại trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Với hệ thống hỏa lực như vậy, Thời báo Hoàn Cầu nhận định, hỏa lực của Type 055 gấp 3-5 lần so với tàu khu trục lớp Arleigh Burke và gấp 2 lần hỏa lực tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ.
|
Type 055 trang bị tên lửa đối không tầm xa HQ-10. Ảnh minh họa
|
Cũng theo báo chí Trung Quốc, gần đây nước này đã hạ thủy chiếc tàu khu trục Type 052D thứ 3. Đây là loại tàu khu trục tên lửa đa năng mới được phát triển trên nền tảng Type 052C, trang bị hệ thống phóng thẳng đứng gồm 64 ống (lắp đạn tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 hoặc tên lửa đối đất), pháo hải quân cỡ 130 mm, hệ thống tác chiến chỉ huy tổng hợp mới, tên lửa chống tàu tầm xa YJ-62 hoặc YJ-83 và hệ thống radar mảng pha chủ động Type 346A.
Việc tàu sân bay Liêu Ninh của nước này chính thức đi vào sử dụng đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với hải quân, đó chính là cần có một lực lượng phòng không, săn ngầm mạnh mẽ để tiến hành bảo vệ tàu Liêu Ninh. Do vậy, Type 055 có thể coi là “chiếc ô bảo vệ” cho tàu sân bay trong tác chiến viễn dương tương lai.