Vượt qua hàng nghìn ứng cử viên mới có được tấm giấy gọi nhập học danh giá của Trường Sĩ quan Không quân. Rồi lại qua các kỳ sàng lọc gắt gao và vô cùng khốc liệt mới đủ điều kiện bước vào học lái máy bay và tiếp tục trải qua các kỳ sát hạch về trình độ, bản lĩnh, sự linh hoạt trong xử lý tình huống… mới chọn ra phi công nằm trong danh sách lái máy bay Su-30. Đó là "hành trình" mà những phi công trẻ thế hệ 7X, 8X của Trung đoàn Không quân 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) đã vượt qua, nhằm thỏa ước nguyện làm chủ bầu trời Tổ quốc…
Là phi công trẻ nhất của Trung đoàn Không quân 923 lái máy bay Su-30, Thượng úy Đỗ Toàn Thịnh (27 tuổi) không nén được cảm xúc khi kể với chúng tôi giây phút hoàn thành bài bay đầu tiên cùng với loại máy bay hiện đại này. Niềm hạnh phúc, xen lẫn chút tự hào dường như vẫn còn nguyên vẹn trong Thịnh ở lần tiếp đất đầu tiên với chiếc Su-30. Lần ấy, vừa tiếp đất an toàn, đồng đội của anh đã ào đến vây chặt lấy Thịnh cùng những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Từ bài huấn luyện bay đầu tiên cách đây hơn một năm, đến thời điểm này Đỗ Toàn Thịnh đã bước sang các bài bay lộn nhào phức tạp, song cảm giác hồi hộp, hạnh phúc pha chút kiêu hãnh vẫn vẹn nguyên và tươi mới như những ngày đầu chính thức làm chủ chiếc Su-30.
|
Phi công lái Su-30MK2.
|
Nói chuyện với chúng tôi, Thịnh không kể về những khó khăn vất vả trong quá trình huấn luyện của những học viên phi công, mà anh kể nhiều về niềm tự hào của những đồng đội được chọn đào tạo phi công Su-30. Thịnh chia sẻ:
“Để trở thành phi công đã phải trải qua rất nhiều khâu tuyển chọn. Vì thế, hàng nghìn người mới chọn được một người đủ điều kiện rèn luyện để trở thành phi công. Trong số những phi công đó lại được sàng lọc gắt gao, vượt qua một số tiêu chí nhất định mới đủ điều kiện trở thành phi công lái máy bay Su-30”, Thượng úy Thịnh chia sẻ.
Nghe Thịnh kể chuyện, 3 Thượng úy phi công thế hệ 8X, gồm Nguyễn Trọng Quân, Đỗ Vũ Công, Vũ Đức Đại cùng hào hứng: “Giây phút đồng đội điều khiển máy bay Su-30 vút lên bầu trời, chúng tôi vô cùng thích thú và mong nhanh tới thời điểm hoàn thành các bài sát hạch, chính thức làm chủ hoàn toàn buồng lái để điều khiển loại máy bay này”.
Đó không chỉ là mong ước của Quân, Công, Đại mà của tất cả những ai theo đuổi ước mơ bay. Trước khi về công tác tại Trung đoàn Không quân 923, ba phi công Nguyễn Trọng Quân, Đỗ Vũ Công, Vũ Đức Đại đều trải qua lái các thế hệ máy bay Yak-52, L-39, Su-22 và đã tích lũy được hơn 300 giờ bay. Nhưng giây phút cả ba chàng trai chính thức nhận quyết định học chuyển loại lái máy bay Su-30, niềm vui mới thực sự thăng hoa.
Thượng úy phi công Đỗ Vũ Công chia sẻ: “Ngoài nghiên cứu kiến thức cơ bản về loại máy bay Su-30, chúng tôi phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi học tập những kinh nghiệm từ các thế hệ phi công. Ở loại máy bay Su-30 có hai buồng lái nên đòi hỏi tính hiệp đồng chiến đấu của phi công rất cao”.
|
Những phi công trẻ của Trung đoàn 923 vinh dự học bay Su-30MK2.
|
Từ lý thuyết đến thực hành bay huấn luyện, các phi công phải trải qua khoảng thời gian dài tích cực luyện tập, từ bay mô hình, chuyển qua bay cạn (tức là quá trình tập luyện dưới mặt đất với quy trình y hệt như sẽ thực hiện ở trên không). Với mỗi phi công, yếu tố sức khỏe và bản lĩnh xử lý tình huống luôn được đặt lên hàng đầu. Đơn giản như trong một bài bay nhào lộn phức tạp, phi công ngồi trong buồng lái bị áp lực đè lên cơ thể. Quá trình nhào lộn, máu trên não sẽ dồn xuống chân gây thiếu máu não, có thể dẫn đến thiếu tỉnh táo. Một số người trong quá trình tập luyện những bài bay này đã rơi vào trạng thái không kiểm soát được. Như thế không đủ điều kiện trở thành phi công lái Su-30.
Vì vậy, để có thể tham gia các bài bay tốt, bản thân mỗi phi công phải tự đề ra cho mình kỷ luật thép trong rèn luyện thể lực bổ trợ tiền đình và nâng cao sức khỏe, sức bền đồng thời kết hợp với tự nghiên cứu học tập nâng cao trình độ, hoàn thiện bản thân. Tiêu chí về giỏi ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Nga) cũng là yếu tố bắt buộc.
Trong phi đội bay của Thịnh, sách gối đầu giường của các chàng phi công trẻ là tài liệu dạy lái Su-30, nhiều khi máy tính, chuông điện thoại cũng dành cài đặt những câu nói tiếng Nga về tình huống bất trắc trên không để tạo thành thói quen hằng ngày. Theo Chính ủy Trung đoàn Không quân 923 Nguyễn Huy Tuấn, huấn luyện phi công được thực hiện theo quy trình từ đơn giản đến phức tạp, với các bài bay ngày - đêm, bay biển... Do vũ khí, khí tài đều do Liên bang Nga sản xuất, nên muốn hiểu các hệ thống cảnh báo, phát hiện mục tiêu... yêu cầu phi công phải giỏi tiếng Nga. Đó là điều bắt buộc.
Đứng trong hàng ngũ phi công là vinh dự tự hào, nhưng cũng đối đầu với biết bao thử thách khắc nghiệt. Bởi vậy, khi trò chuyện với chúng tôi, Thượng úy phi công Vũ Đức Đại cho rằng: “Lái máy bay không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là niềm đam mê, khát khao cháy bỏng. Chỉ khi nào có niềm đam mê thực sự thì khi ấy mới trở thành những phi công giỏi”.
“Sức trẻ, mạnh mẽ, bản lĩnh, ham học hỏi, không sợ đối đầu với thử thách là chân dung thế hệ phi công 8X của Trung đoàn Không quân 923, những chủ nhân của các loại máy bay hiện đại. Có được đội ngũ cán bộ tài năng và can đảm ấy, chúng tôi thực sự tự hào”, Trung tá phi công Nguyễn Huy Tuấn, Chính ủy Trung đoàn Không quân 923 mỉm cười khẳng định với chúng tôi như vậy.