Mặc dù có phần yếu thế so với tên lửa nhưng pháo mặt đất vẫn là nắm đấm hỏa lực không thể thiếu của lục quân bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, các loại pháo kéo xe đang dần trở nên mất lợi thế do khả năng cơ động kém rất dễ bị đối phương phản pháo khi bắn.
Nhằm khắc phục hạn chế này, các quốc gia trên thế giới đang chú trọng vào phát triển các loại pháo tự hành nhằm mang lại khả năng cơ động cao hơn. Tuy nhiên, việc phát triển các pháo tự hành mới thường khá tốn kém lại tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Thay vào đó, các quốc gia trên thế giới trong đó có Ấn Độ đã chọn giải pháp cải tiến các pháo tự hành hiện có vừa mang lại khả năng cơ động vừa tiết kiệm chi phí.
Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) mới đây đã đưa ra giải pháp mới cải tiến, nâng sức mạnh pháo
M46.
|
Pháo tầm xa M46 130mm của pháo binh Việt Nam khai hỏa trong diễn tập bắn đạn thật.
|
Lựu pháo tầm xa M-46 do nhà máy MOTZ (Liên Xô) thiết kế từ cuối những năm 1950, và đưa vào sản xuất loạt từ 1954-1971. Pháo được thiết kế cho nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực bộ binh và chống tăng khi cần.
M-46 là loại pháo xe kéo nặng 7,7 tấn, dài 11,73m, cao 2,55m. Pháo cỡ nòng 130mm được đặt trên khung gầm có 2 bánh lốp, có thể kéo bằng xe vận tải hạng nặng hoặc xe kéo bánh xích chuyên dụng.
Pháo được thiết kế hệ thống hãm giật 2 xilanh đặt trên và dưới nòng pháo. Pháo có một khiên chữ V để bảo vệ pháo thủ trước mảnh bom, đạn pháo. Tuy nhiên, khiên này được đánh giá là khá hạn chế, khó bảo vệ được pháo thủ. Lựu pháo M-46 thiết kế với pháo nòng dài cỡ 130mm cho phép đạt tầm bắn xa tới 27km, tốc độ bắn cao nhất tới 8 phát/phút.
Đến nay pháo M46 130mm vẫn giữ được ưu thế hỏa lực của nó so với các pháo tự hành hiện đại khác nhưng do khả năng cơ động kém ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động chiến đấu của nó.
|
Pháo M46 đặt trên khung gầm xe tăng chủ lực Arjun Mk1.
|
Người Ấn đã đưa pháo M46 130mm đặt trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun Mk1, được gọi là Arjun Catapult. Pháo tự hành cải tiến giữ nguyên cơ cấu hỏa lực của pháo M46.
Hai bên hông xe được thiết kế dạng hộp để che chắn cho ê kíp vận hành, 30 đạn pháo được xếp trong một ngăn ở bên trái của xe. Pháo tự hành có một mái che phía trên cho ê kíp vận hành. Arjun Catapult giữ nguyên vị trí lái xe như trên xe tăng nguyên bản, tháp pháo thiết kế dạng cố định, nòng pháo chỉ có thể di chuyển qua lại 2 bên trong giới hạn 12,5 độ.
Khung gầm xe tăng Arjun Mk1 được thiết kế với một hệ thống treo đặc biệt để hấp thu lực giật của pháo khi bắn. Pháo có tốc độ bắn trung bình khoảng 5 viên/phút ở chế độ duy trì liên tục, tốc độ bắn tối đa có thể đat 8 viên/phút.
Tầm bắn của pháo tự hành Arjun Catapult vẫn giữ nguyên như M46 với 27km khi sử dụng đạn pháo thông thường và 40km khi sử dụng đạn pháo tăng tầm. Pháo có khả năng bắn nhiều loại đạn như: đạn nổ phá mảnh; đạn xuyên giáp; đạn khói; đạn chiếu sáng và đạn hóa học.
|
Arjun Catapult khai hỏa tấn công mục tiêu.
|
Khung gầm được trang bị động cơ diesel MTU 838 Ka 501 công suất 1.400 mã lực. Nó sử dụng hộp số bán tự động với 4 số tới và 2 số lùi.
Hệ thống động lực mạnh mẽ này giúp pháo tự hành Arjun Catapult đạt tốc độ 72km/h trên đường nhựa, dự trữ hành trình 450km.
Binh chủng
Pháo binh Việt Nam hiện có trong biên chế số lượng lớn pháo tầm xa M46 130mm, nhận được từ Liên Xô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nếu Việt Nam có thể tiến hành nghiên cứu cải tiến M46 theo cách của Ấn Độ sẽ tạo ra được một bước đột phá lớn cho lực lượng pháo binh Việt Nam.
Thực tế, Việt Nam đang từng bước đi theo hướng phát triển pháo tự hành này với chi phí rẻ, nhưng đảm bảo tăng sức cơ động. Gần đây, Việt Nam đã tổ chức bắn thử nghiệm, đánh giá lựu pháo tự hành 105mm được thiết kế đặt trên xe bánh lốp, lắp pháo M101 của Mỹ.