Kỳ 4: Hạm đội Thái Bình Dương số 2 đại bại
Sau thất bại trong nỗ lực phá vây ngày 12/4/1904 và hơn thế làm Đô đốc tài danh Makarov tử nạn, Hạm đội Thái Bình Dương tiếp tục bị Hải quân Nhật vây hãm tại cảng Lữ Thuận. Ngày 10/8/1904, Hạm đội Thái Bình Dương một lần nữa nỗ lực phá vây tiến về Vladivostok nhưng tiếp tục bị các tàu chiến Nhật Bản đánh chặn buộc phải quay trở lại cảng. Tuy không mất tàu chiến nào trong trận đánh này nhưng vị tư lệnh hạm đội - Đô đốc Vitgeft trúng đạn tử thương khi đang trên tàu tuần dương Tsesarevich chỉ huy.
Trước tình hình nguy cấp ở Lữ Thuận, ngay trong tháng 10/1904, Sa Hoàng đã quyết định sử dụng tàu chiến của Hạm đội Baltic để thành lập Hạm đội Thái Bình Dương số 2 do Đô đốc Zinovy Petrovich Rozhestvensky chỉ huy lên đường cứu viện Lữ Thuận.
Hạm đội Thái Bình Dương số 2 gồm 45 chiến hạm, trong đó có 12 thiết giáp hạm, 8 tuần dương hạm, khu trục hạm và nhiều tàu khác bắt đầu hành trình từ Nga vào ngày 15/10 (trong số này có cả chiếc tuần dương hạm Rạng Đông – con tàu đã bắn phát pháo báo hiệu cuộc Cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại năm 1917).
Do chính phủ Anh đứng về phía Nhật Bản trong cuộc chiến này, nên hạm đội không thể sử dụng kênh Suez, mà phải đi vòng qua châu Phi. Đường đi kéo dài thêm nhiều, cộng với thời tiết miền nhiệt đới khiến các thủy thủ Nga rất mỏi mệt. Đặc biệt, trên đường đi, Hạm đội Thái Bình Dương số 2 đã dừng lại ở vịnh Cam Ranh (Việt Nam) để nghỉ ngơi và tiếp tế lương thực, nhiên liệu.
|
Eo biển Tsushima - nơi xảy ra trận hải chiến làm Hạm đội Thái Bình Dương số 2 của Hải quân Nga "chìm" xuống đáy đại dương.
|
Sau hành trình rất dài, mãi tới ngày 20/5, Hạm đội Thái Bình Dương số 2 mới tới được Thượng Hải, Trung Quốc. Lúc này, tình thế đã thay đổi, cảng Lữ Thuận đã thất thủ vào ngày 2/1, nên đô đốc Rozhestvensky buộc phải đưa tàu chiến lên căn cứ Vladivostok. Chỉ có điều, muốn đến được Vladivostok, người Nga phải vượt qua eo biển Tsushima do Nhật kiểm soát. Nguy cơ bị tập kích giữa đường là rất lớn, nhưng Đô đốc Rozhestvensky không còn lựa chọn nào khác.
Đêm 26 rạng ngày 27/5/1905, Hạm đội Nga tiến vào eo biển Tshushima. Cả đội tàu mày mò đi trong đêm tối, giữa sóng biển gào thét và sương mù dày đặc, hạn chế tối đa liên lạc vô tuyến và đèn hiệu. Nhưng không ngờ kế hoạch vẫn bị lộ, gián điệp Nhật cài cắm ở Thượng Hải và các tàu tuần tra Nhật Bản vẫn hoạt động rất tích cực, theo dõi kĩ lưỡng mọi biến động của người Nga.
Lúc 2h45 phút, tuần dương hạm Shinano Maru của Nhật Bản đã phát hiện tàu bệnh viện Oryol của Nga. Lúc 4h30 phút, hai tàu tiếp cận nhau, tuy nhiên Oryol lại nhầm tuần dương hạm Shinano Maru là một tàu khác của người Nga. Thay vì báo động cho hạm đội, Oryol lại đánh tín hiệu để thông báo cho tàu Nhật Bản rằng đã có nhiều tàu khác của Nga ở gần đó.
“Sai lầm chết người” của tàu Nga đã giúp tuần dương hạm Shinano Maru phát hiện đội hình 10 chiếc tàu khác của Nga trong sương mù. Hạm đội Nga đã bị phát hiện, và cơ hội để lẻn đến Vladivostok trong im lặng đã biến mất.
|
Đô đốc Togo đứng chỉ huy trên thiết giáp hạm Mikasa trong trận hải chiến Tsushima.
|
Lúc 4h55 phút, thuyền trưởng Narukawa của tuần dương hạm Shinano Maru phát tín hiệu vô tuyến cho Đô đốc Togo ở Masampo: "Địch quân đang ở trong ô vuông tọa độ 203. Năm phút sau, các máy liên lạc vô tuyến của người Nhật cũng đã bắt được tín hiệu các tàu Nga thông báo cho nhau, rằng họ đã phát hiện thấy tuần dương hạm Nhật Bản đang theo dõi họ”.
Lúc 6h34 phút, trước khi khởi hành với Hạm đội Liên hợp, Đô đốc Togo đánh điện tín cho Bộ trưởng Hải quân Nhật Bản tại Tokyo: "Tôi vừa nhận được tin rằng hạm đội đối phương đã bị phát hiện. Hạm đội của chúng tôi sẽ thẳng tiến ra biển để tấn công kẻ thù và tiêu diệt chúng".
Vào khoảng 13h 40 phút, cả hai hạm đội nhìn thấy nhau và chuẩn bị để tấn công vào đối phương. 15 phút sau, Đô đốc Togo ra lệnh treo cờ tín hiệu Z: "Số phận của Đế quốc phụ thuộc vào kết quả của trận đánh này, tất cả mọi người hãy làm hết sức nhiệm vụ của mình."
Lực lượng của hạm đội Nhật Ban tham gia trận này gồm: 4 thiết giáp hạm; 27 tuần dượng hạm, 21 khu trục hạm, 37 pháo hạm và nhiều tàu phóng lôi. Trong đó, đóng vai trò soái hạm là thiết giáp hạm Mikasa trang bị 4 pháo 305mm và 14 pháo 152mm.
Tuy không có nhiều tàu lớn như Nga, nhưng trong một trận chiến mà người Nhật nắm quyền chủ động thì phần thắng không hẳn nghiêng về lực lượng đông hơn, mạnh hơn. Đó là chưa kể sau hành trình dài, thủy thủ Nga đều rất mệt mỏi.
Trong khi đó, quân Nhật được huấn luyện tốt hơn, sát với thực tế, với yêu cầu rất cao. Vũ khí của Nhật Bản cũng tốt hơn nhiều so với Nga. Đạn pháo của Nhật có sức công phá mạnh hơn, sử dụng chất nổ shimose do nhà hóa học Nhật Bản Shimose Masachika nghiên cứu. Các khẩu pháo cũng được hỗ trợ rất tốt bởi các thiết bị định hướng, xác định cự li. Các tàu chiến Nhật Bản có thể đạt tốc độ 16 hải lí/h, trong khi các tàu Nga chỉ là 9 hải lí/h.
Bước vào trận đánh, Đô đốc Togo điều 4 thiết giáp hạm dẫn đầu đội hình tấn công gồm: Mikasa (Đô đốc Togo chỉ huy), theo sau là thiết giáp hạm Shikishima, Fuji và Asahi. Nhờ ưu thế về độ cơ động cao, Đô đốc Togo cho tàu liên tục đổi hướng, thậm chí quay vòng 180 độ để gây bất ngờ cho Hạm đội Nga, đưa quân Nhật vào vị trí tấn công có lợi nhất.
|
Tàu chiến Nga chìm trong cơn mưa đạn từ pháo tàu Nhật Bản.
|
Các thiết giáp hạm Nga chậm chạp chìm trong mưa pháo quân Nhật. Tốc độ bắn của hạm tàu Nhật lên đến 2.000 phát trọng pháo mỗi phút. Các tàu chiến Nga bốc cháy dữ dội, bị thiệt hại nặng nề và liên tục bị đánh chìm.
Thiết giáp hạm Fuji kết liễu tàu Borodino của Nga bằng loạt pháo bắn trúng kho đạn. Đô đốc Nga Rozhestvensky bị thương nặng do mảnh đạn văng vào đầu. Chuẩn Đô đốc Nebogatov đã tiếp nhận quyền chỉ huy hạm đội Nga. Người Nga mất các chiến hạm Hoàng thân Suvorov, Oslyabya, Hoàng đế Aleksander III và Borodino.
Đến chiều tối, khu trục hạm và tàu phóng lôi Nhật Bản tiếp tục tấn công mạnh từ nhiều hướng. Người Nga cố rút lên phía Bắc nhưng không thành, thêm hai thiết giáp hạm và hai tuần dương hạm bị đánh chìm. Trong khi đó người Nhật chỉ mất có 3 tàu phóng lôi.
Hạm đội Nga tan tác, Chuẩn Đô đốc Nebogatov cùng 6 chiến hạm Nga bị đô đốc Togo vây chặt. Tuyệt vọng, Nebogatov ra lệnh cho 6 chiếc tàu còn lại đầu hàng theo lệnh của. Tuy nhiên, nhiều tàu chiến từ chối đầu hàng, chiến đấu quyết tử để bảo vệ danh dự và bị đánh đắm. Những thủy thủ sống sót của Nga đều được Nhật cứu vớt để bày tỏ sự tôn trọng trước hành động dũng cảm của con tàu. Một vài tàu chạy thoát về Thượng Hải hay Vịnh Manila (Philippines) và đều bị chính quyền sở tại bắt giữ.
|
Vết đạn trên thân tàu tuần dương Oleg - Hạm đội Thái Bình Dương số 2 chạy thoát được tới vịnh Manila (Philippines).
|
Chỉ có 3 tàu Nga chạy thoát về đến Vladivostok gồm: tuần dương hạm Almaz và hai khu trục hạm Grosny và Bravy. Sau trận này, Hạm đội Thái Bình Dương số 2 (hay chính là Hạm đội Baltic) gần bị xóa sổ hoàn toàn với 21 chiến hạm bị đánh đắm, 7 chiếc bị bắt sống, 4.380 thủy thủ thiệt mạng, 5.917 người bị bắt giữ. Về phía Nhật, tổn thất thấp hơn nhiều với 3 tàu phóng lôi bị chìm, 117 lính thiệt mạng và 583 người bị thương.
Về số phận của 2 người chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương số 2 là Chuẩn Đô đốc Nebogatov và Đô đốc Rozhestvensky. Cả hai đều bị Nhật Bản bắt giam và sau đó được trả về Nga. Tuy không bị xử bắn nhưng đều bị chính quyền Sa Hoàng bỏ tù vài năm rồi được ân xá, nhưng danh tiếng của 2 vị tướng hải quân đều bị mất hết.
Sự thất bại ở cả mặt trận trên bộ và cả trên biển đã làm người Nga mất sự tự tin, ngoài ra do tình hình chính trị trong nước bất ổn nên Sa Hoàng quyết định chọn giải pháp thương thảo hòa bình. Ngày 5/12/1905, Nga - Nhật ký kết Hiệp ước hòa bình Portsmouth trên tàu chiến Hải quân Mỹ tại Portsmouth, bang News Hampshire.
Theo đó, Nga công nhận Triều Tiên là một phần trong không gian ảnh hưởng của Nhật và đồng ý rút ra khỏi Mãn Châu. Nhật sáp nhập Triều Tiên năm 1910, với ít sự phản đối từ các cường quốc khác. Nga cũng hủy bỏ hợp đồng về quyền thuê cảng Lữ Thuận trong 25 năm, bao gồm căn cứ hải quân và bán đảo xung quanh nó. Đế quốc Nga nhượng lại nửa phía Nam đảo Sakhalin cho đế quốc Nhật Bản.