Theo trang tin china.com, sân bay trên đá Vĩnh Thử (tức đá Chữ Thập, Trường Sa của Việt Nam) có diện tích 23.000m2, bao gồm đường băng, hai khu vực cất, hạ cánh cho trực thăng.
|
Ảnh chụp từ trên cao đá Chữ Thập của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép |
Sân bay này được nói là đủ diện tích cho 8 tới 10 chiếc máy bay dân dụng Boeing 737 cất, hạ cánh.
Nếu được sử dụng cho mục đích quân sự, sân bay này đáp ứng được 10 chiếc máy bay cảnh báo sớm Y-8 do Trung Quốc tự sản xuất, hoặc máy bay tuần thám, máy bay trinh sát và lắp đặt thêm các hệ thống gây nhiễu điện tử.
Sân bay trái phép này cũng được cho là có thể cùng lúc chứa 24 tới 48 chiếc chiến đấu cơ J-10, J-11 đang được sử dụng rộng rãi trong không quân Trung Quốc.
Nhiều trang tin quân sự Trung Quốc hô hào, số máy bay này đủ sức "chiến đấu hết mình với bất cứ quốc gia nào Đông Nam Á và cả hàng không mẫu hạm Mỹ".
Năm ngoái, khi báo chính thống Trung Quốc lác đác đăng tải thông tin về hoạt động cải tạo, bồi lấp trái phép của nước này tại Trường Sa của Việt Nam, đã có không ít ý kiến cho rằng đây là bàn đạp để Bắc Kinh thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại, điểm yếu của sân bay trái phép này không phải không có, mà thậm chí là có rất nhiều.
Đơn cử như việc đây là sân bay cố định, rất khó thoát khỏi sự theo dõi của vệ tinh quân sự. Hơn nữa, nó cũng không có hệ thống phòng ngự kiên cố, chỉ một cuộc tập kích ngắn ngủi cũng khiến bao công sức của hải quân Trung Quốc phút chốc tan tành.
Khoảng cách quá xa tới đất liền của Trung Quốc cũng khiến sân bay trên đá Chữ Thập không thể kịp thời tu bổ, khắc phục tổn thất sau khi bị tấn công.
Vì vậy, mạng tin Sina.com cho rằng Trung Quốc có lẽ trước hết nên thiết lập sân bay dân sự tại đây. Các trang báo của nước này cũng đang tung hô cho toan tính lập sân bay dân sự, bất chấp thực tế Bắc Kinh đang phớt lờ luật pháp quốc tế, phớt lờ quy định hàng không thế giới khi ngang nhiên xâm phạm không phận Việt Nam.
Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cho biết: Trong 2 ngày 6 và 8/1, Cục đã liên tiếp có Thư gửi Văn phòng đại diện khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của ICAO tại Băng Cốc, đề nghị ICAO với tư cách là tổ chức hàng không quốc tế chịu trách nhiệm điều phối chung phải có biện pháp, giải pháp để các quốc gia không thực hiện những hoạt động bay uy hiếp an toàn đến hoạt động hàng không quốc tế.
|
Sơ đồ hoạt động bay của các tàu bay Trung quốc sáng 8/1 trong FIR (vùng thông báo bay) Hồ Chí Minh |
Ngày 8/1, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã gửi Thư đến Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), nhắc lại Công hàm chính thức của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Trường Sa, đồng thời phản đối mạnh mẽ hoạt động bay của các tàu bay Trung Quốc đe doạ đến an ninh, an toàn; tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông;
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không có thêm các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, và không lặp lại hành động tương tự, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế.
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp an toàn hoạt động bay trên biển Đông và đề nghị ICAO và cộng đồng hàng không quốc tế yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động tương tự.
Hiện nay, các cơ quan quản lý điều hành bay của Việt Nam vẫn đang hết sức nỗ lực giám sát chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động bay bình thường trong các Vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.