Ngày 14/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị quân đội nước này rút những đơn vị chủ lực thuộc các lực lượng vũ trang Nga ở Syria (chỉ giữ lại một lực lượng nhỏ tại cảng Tartous và căn cứ Khmeymim thuộc tỉnh Latakia của Syria), khẳng định Moscow đã đạt được hầu hết các mục tiêu của chiến dịch can thiệp quân sự tại đây.
|
PGS. TS. Nguyễn Cảnh Toàn, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. |
Phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Cảnh Toàn, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về động thái rút quân của Nga cũng như thái độ và hành động của Nga trong các vấn đề quốc tế nóng hổi hiện nay.
Ông đánh giá thế nào về quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Nga Putin?
PGS. TS. Nguyễn Cảnh Toàn: Tôi cho rằng đây là một quyết định đầy bất ngờ nhưng cũng hết sức khôn ngoan, kịp thời và đúng đắn. Bởi lẽ, Nga đã đạt được những mục tiêu cơ bản đặt ra từ đầu ở Syria, không chỉ đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mà cho tất cả các bên trong và ngoài Syria.
Rút quân trên thế mạnh của người thắng cuộc, chủ động điều khiển cuộc chơi và buộc các bên liên quan trong tiến trình đàm phán hòa bình cho quốc gia này nhận thấy không thể thiếu tiếng nói của Nga.
Tuyên bố của Chính phủ Syria cũng nêu rõ toàn bộ vấn đề này diễn ra trong sự hợp tác toàn diện giữa Nga và Syria, và đây là một bước đi đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và chính xác. Rút quân đội khỏi Syria là một minh chứng cho điều này. Tổng thống Nga Putin thường có những quyết định như thế.
Trước tuyên bố rút quân khỏi Syria, trong thời gian gần đây, Nga và Mỹ đã có những động thái hợp tác tích cực trong việc giải quyết khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Theo ông, toan tính của mỗi nước trong “cuộc chơi” này là gì?
PGS. TS. Nguyễn Cảnh Toàn: Theo tôi, thực tình Mỹ chẳng muốn hợp tác tích cực trong việc giải quyết khủng hoảng Syria với Nga. Tình thế hiện nay, Nga đang ở thế mạnh. Muốn hay không, Mỹ buộc phải có động thái mới là bắt tay một với Nga, còn tay kia luôn thủ thế.
Nếu Nga suy yếu kể cả trong nước lẫn ở Syria và phạm vi ảnh hưởng của một cường quốc trên toàn cầu trong thế giới đa cực thì Mỹ sẵn sàng “hất” Nga để trở thành siêu cường đơn cực.
Cuộc nội chiến Syria kéo dài 5 năm qua đã đẩy hàng triệu người Syria vào cảnh cơ cực, đồng thời góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng di cư tới châu Âu chưa từng có trong lịch sử. Theo ông, tiếng nói của Nga có ý nghĩa như thế nào trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này?
PGS. TS. Nguyễn Cảnh Toàn: Không những Nga đóng vai trò gì trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư của Liên minh châu Âu (EU) hiện nay mà là đóng vai trò quan trọng. Chấm dứt nội chiến ở Syria, đàm phán hòa bình cho quốc gia này và khoanh lò lửa chiến tranh không lan rộng ra... Nếu hòa bình được vãn hồi ở khu vực này thì dòng người tị nạn sẽ giảm thiểu và rõ ràng vai trò của Nga ở đây là rất quan trọng. Thiếu Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư của EU hiện nay, EU thiếu đi một sự ủng hộ to lớn.
Tuy nhiên, Nga và EU vốn dĩ vẫn "cơm không lành, canh không ngọt", nhất là liên quan đến căng thẳng Ukraine. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ này?
PGS. TS. Nguyễn Cảnh Toàn: Như nhiều người đã biết, quan hệ giữa Nga và EU thấp nhất sau chiến tranh Lạnh, tiếp tục bế tắc quanh quẩn sự trừng phạt, hiệu lực của các thỏa thuận Minsk được “Bộ tứ Normandy” (gồm Ukraine, Đức, Pháp và Nga) thông qua có hiệu lực ngày 15/2/2015 được kỳ vọng sẽ giúp miền Đông Ukraine im tiếng súng nhưng trên thực tế có sự “biến tướng” kéo dài thêm tiếng súng, nhì nhằng ở mức độ khác nhau.
Theo đánh giá của chúng tôi, đường lối chính trị của NATO trong quan hệ với Nga vẫn là không thân thiện và không cởi mở. Có thể nói và nói một cách sắc nét hơn rằng, chúng ta thực chất đã trượt vào giai đoạn Chiến tranh Lạnh mới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mời quý độc giả xem video: