Ra đời từ nhu cầu hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc
Để nâng cao năng lực không kích của mình, Trung Quốc từ những năm 1970 đã lên kế hoạch phát triển một loại máy bay tiêm kích-bom hai chỗ ngồi mang đậm màu sắc Trung Quốc. Kết quả của chương trình là sự ra đời của Tây An JH-7 (NATO định danh là Flounder), nó đã được trình diễn trước công chúng tại triển lãm hàng không Farnborough tháng 12/1988. Loại máy bay này bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ năm 1992 và cung cấp cho không quân và hải quân Trung Quốc.
|
JH-7 với tên lửa YJ-91 sao chép Kh-31 (Nga) đạt tầm bắn 120km.
|
Ban đầu có hai phiên bản JH-7 được phát triển cho không quân và hải quân Trung Quốc. Lô hàng 12 đến 18 chiếc JH-7 đầu tiên được chuyển tới cho không quân và hải quân Trung Quốc sử dụng để đánh giá vào đầu những năm 1990.
Tuy nhiên, Không quân Trung Quốc lúc đầu từ chối JH-7 vì cho rằng công nghệ của nó cũ kỹ và động cơ phản lực Spey Mk 202 của hãng Rolls-Royce, Anh Quốc không đáng tin cậy (???). Cuối cùng, họ chỉ chấp nhận sử dụng phiên bản nâng cấp là JH-7A đưa vào biên chế năm 2004.
Về cơ bản, JH-7 là loại máy bay tiêm kích - bom hạng nhẹ hai động cơ được biên chế để thay thế cho loại máy bay cũ H-5 và Q-5 của quân đội Trung Quốc. JH-7 có 4 phiên bản chính gồm: JH-7A, JH-7B, FBC-1 Flying Leopard và FBC-1A Flying Leopard II.
|
JH-7 có thể mang nhiều loại tên lửa hiện đại.
|
Trong đó JH-7A là phiên bản nâng cấp từ JH-7 đời đầu với những cải tiến ở hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số, hệ thống radar xung Doppler JL-10A, buồng lái hiện đại hơn với một màn hình điều khiển dạng tinh thể lỏng được tối ưu hóa cho phi công, hệ thống vũ khí được nâng cấp với khả năng phát hiện và dẫn đường cho các loại tên lửa, bom có điều khiển. Số lượng mấu cứng mang vũ khí đượng nâng lên tới 11. JH-7A bắt đầu được sử dụng trong Không quân Hải quân Trung Quốc từ năm 2004.
Còn JH-7B là phiên bản hiện đại hóa của JH-7A, tiếc rằng nó vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa thể ra mắt trong tương lai gần.
Phiên bản FBC-1 và FBC-1A cơ bản dùng để xuất khẩu ra nước ngoài của JH-7 và JH-7A với 11 điểm gắn vũ khí và khả năng mang được 9 tấn tên lửa, bom.
|
Ngoài tên lửa, JH-7 có thể mang khá nhiều bom.
|
Thiết kế mang “âm hưởng” Châu Âu
Thiết kế của JH-7 với buồng lái hai chỗ ngồi dạng trước-sau và hai cửa hút khí nhỏ hai bên buồng lái, một cánh đuôi đứng và nhiều chi tiết khác khiến ta liên tưởng đến thiết kế của loại máy bay tiêm kích - bom Tornado từ Châu Âu.
Vị trí của phi công sử dụng vũ khí là phía sau và cao hơn chỗ của phi công điều khiển máy bay một chút để dễ dàng quan sát chiến trường hơn. Vị trí của phi công được bảo vệ bởi các tấm giáp tăng cường.
|
JH-7 phóng tên lửa đối hạm.
|
Sức mạnh đáng nể chuyên tác chiến trên biển
“Tai mắt” của JH-7 bao gồm hệ thống radar đa chức năng điều khiển hỏa lực Type 232 H Eagle Eye với khả năng dẫn đường cho tên lửa chống hạm YJ-8 (C-801) ở khoảng cách tối đa lên tới 100km, ngoài ra còn giúp dẫn bắn các loại tên lửa đối không và quan sát thực địa. Tuy vậy thì radar này không thể hoạt động tốt khi không kích mặt đất vì thiếu khả năng nhận dạng địa hình và không kích chính xác.
Về kho vũ khí của JH-7 có thể kể đến như pháo hàng không hai nòng cỡ 23mm GSH-23L, tên lửa đối hạm YJ-8K, YJ-82K, tên lửa đối không PL-5, PL-8 và PL-9, tên lửa diệt radar YJ-91 tầm bắn 120km (vốn là phiên bản Trung Quốc của tên lửa Kh-31 Nga). Ngoài ra, JH-7 còn bắn được các loại rocket cỡ 57mm, 90mm cũng như các loại bom thông thường lẫn bom thông minh.
|
Pháo 23mm nòng kép trên JH-7.
|
Khả năng cơ động của JH-7 với 2 động cơ Spey Mk 202 của hãng Rolls-Royce (về sau được Trung Quốc mua bản quyền chế tạo với tên gọi WS-9 vào năm 1975), giúp JH-7/JH-7A có thể bay với tốc độ tối đa 1800km/h, tốc độ hành trình 903km/h, tầm bay tối đa đạt 1.759km và 3.700km nếu mang thùng dầu phụ, trần bay 16.000m.
|
JH-7 có khả năng không chiến với tên lửa đối không tầm ngắn và tầm trung.
|
Hiện nay Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc có trung đoàn số 27 đặt căn cứ tại đảo Hải Nam trang bị máy bay JH-7A. Máy bay JH-7A là mẫu máy bay đã ngang nhiên lượn nhiều vòng trên khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đe dọa các tàu chấp pháp của Việt Nam.