Theo tạp chí Jane’s Defence Weekly, Hải quân Indonesia đã trang bị cho 2 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp KCR-40 (KRI Clurit và KRI Kujang) hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần CIWS AK-630 do Nga chế tạo. Trước đây, các chiến hạm Indonesia chủ yếu sử dụng các loại pháo phòng không của châu Âu trên tàu chiến.
AK-630 là hệ thống phòng thủ tầm gần do nhà thiết kế KBP nghiên cứu phát triển trang bị cho các chiến hạm Hải quân Liên Xô/Nga và được xuất khẩu rộng rãi ra nước ngoài. Ở Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia sử dụng nhiều nhất hệ thống AK-630 trang bị cho các tàu chiến hiện đại.
|
Pháo phòng không cao tốc AK-630.
|
Hệ thống AK-630 gồm một pháo AO-18 6 nòng cỡ 30mm và hệ thống điều khiển hỏa lực A-213-Vympel. Pháo đạt tốc độ bắn rất cao 5.000 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 4.000m, cơ số đạn tối đa 2.000 viên. Pháo hữu hiệu trong tác chiến chống tên lửa diệt hạm, máy bay, trực thăng bay thấp, UAV.
Phát ngôn viên nhà máy đóng tàu PT Palindo (PT PAL) cho Jane’s biết, hệ thống CIWS đang được tích hợp lên hệ thống radar trinh sát của tàu và trải qua các bài thử nghiệm trước khi nhận chứng nhận hoạt động đầy đủ. Hệ thống này đặc biệt sẽ thử nghiệm trong khả năng phát hiện và khóa mục tiêu các cuộc tấn công mô phỏng bằng máy bay, tàu cỡ nhỏ và tên lửa hành trình.
Tùy thuộc vào các đánh giá hiệu suất của AK-630 trên KRI Clurit và Kujang, AK-630 có thể được trang bị cho toàn bộ lớp tàu KCR-40. Jane’s dẫn báo cáo của Hải quân Indonesia tháng 1/2012 cho biết là họ mong đợi sẽ nhận tổng cộng 9 tàu KCR-40 vào năm 2014.
|
Tàu tấn công nhanh tàng hình KCR-40.
|
KCR-40 là lớp tàu tấn công tàng hình do Indonesia tự thiết kế và đóng mới. Tàu có lượng giãn nước khoảng 250 tấn, vỏ tàu làm bằng hợp kim nhôm và thép độ bền cao, trang bị 3 động cơ MAN V12 cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h.
Cũng theo đại diện công ty, ngoài CIWS AK-630, Clurit và Kujang gần đây được lắp bệ phóng cho tên lửa hành trình chống tàu C-705 do PT Pindad và Tập đoàn Công nghiệp Khoa học Hàng không Không gian Trung Quốc (CASIC) hợp tác sản xuất.