Theo tạp chí quân sự Jane’s Defence Weekly, nhà máy của Tổ hợp hàng không Pakistan ở Kamra đã khởi động dây chuyền sản xuất 50 chiếc tiêm kích JF-17 Block 2 thế hệ mới theo đơn đặt hàng của Không quân Pakistan. Dự kiến, chuyến bay đầu tiên của những chiếc tiêm kích này sẽ được thực hiện vào cuối năm nay.
JF-17 Block 2 là phiên bản nâng cấp của những chiếc tiêm kích đa năng hạng nhẹ JF-17 là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô (CAC) của Trung Quốc và Tổ hợp hàng không của Pakistan. Đây được xem là mẫu tiêm kích đa năng có giá rẻ nhất thế giới hiện nay, với thế hệ đầu chỉ là 15 triệu USD/chiếc, còn Block 2 được cho vào khoảng 20-25 triệu USD/chiếc - vẫn còn quá rẻ so với tiêm kích Nga, châu Âu.
JF-17 Block 2 được đánh giá vượt trội hơn so với những chiếc JF-17 thế hệ đầu tiên, được nâng cấp theo yêu cầu của Không quân Pakistan cũng như dành cho mục đích xuất khẩu.
|
Phần thân của một chiếc tiêm kích JF-17 Block 2 đang được hoàn thiện tại khu liên hợp hàng không Kamra ở Pakistan.
|
Điểm đặc biệt trên JF-17 Block 2 là nó có khả năng tiếp nhiên liệu trên không với thiết bị nằm bên thân phải của máy bay. Nhưng tính năng này của bản Block 2 vẫn còn đang quá trình thử nghiệm.
Tuy được đánh giá là phiên bản nâng cấp nhưng một số chi tiết trên những chiếc JF-17 thế hệ mới vẫn sẽ không thay đổi so với phiên bản ban đầu. Và nhà máy sản xuất máy bay của Pakistan sẽ đảm nhiệm việc chế tạo các bộ phận đó.
Ngoài ra, bản Block 2 cũng sẽ được nâng cấp hệ thống điện tử cũng như hệ thống phần mềm mới. Nó cũng được trang bị hệ thống radar mới là Nanjing KLJ-7 do Trung Quốc chế tạo.
Theo một số nguồn tin, KLJ-7 (hay còn gọi là Type 1478) là hệ thống radar điều khiển hỏa lực băng X do Viện Công nghệ điện tử Nam Kinh (NRIET) phát triển và giới thiệu lần đầu giữ những năm 2000. KLJ-7 có nhiều chế độ hoạt động gồm: tác chiến ngoài tầm nhìn; không chiến tầm gần; giám sát mặt đất và kháng nhiễu.
KLJ-7 có thể giám sát 10 mục tiêu trong chế độ theo dõi - trong khi - quét (TWS) và dẫn tên lửa hạ 2 mục tiêu ngoài tầm nhìn cùng lúc. Nó có thể phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ sóng radar RCS ở cự ly xa 75km hoặc 35km (ở bán cầu sau), phát hiện mục tiêu mặt nước ở tầm 135km.
Đặc biệt, nhờ việc hiện đại hóa radar mà JF-17 Block 2 có thể mang theo các tên lửa chống hạm C-802 và tên lửa không đối không tầm xa SD-10A do Trung Quốc chế tạo. Bên cạnh đó, JF-17 vẫn có thể mang hệ vũ khí phương Tây như bom Mk82/84 của Mỹ.
Theo kế hoạch tất cả những chiếc tiêm kích JF-17 thế hệ đầu tiên đang được Không quân Pakistan sử dụng đều sẽ được nâng cấp lên bản Block 2 trong thời gian sắp tới.
|
Bộ phận vòi tiếp nhiên liệu trên không của chiếc JF-17 phiên bản nâng cấp.
|
Bên cạnh phục vụ nhu cầu trong nước, Pakistan còn hướng tới việc xuất khẩu JF-17 và bước đầu đã có một số hợp đồng nhất định được ký kết. Ngoài các phiên bản một chỗ ngồi những chiếc JF-17 thế hệ mới còn có phiên bản hai chỗ ngồi dành cho thị trường xuất khẩu.
Tham mưu trưởng Không quân Pakistan Marshal Tahir Rafique Butt cho hay, hiện tại nước này không cần tới các phiên bản hai chỗ ngồi của tiêm kích JF-17 nhưng trong tương lai có thể sẽ cần thiết nhất là trong quá trình đào tạo và huấn luyến phi công mới.
Các phi công của Không quân Pakistan cũng được huấn luyện chuyển loại và làm quen với phiên bản nâng cấp mới của JF-17 dựa trên hệ thống mô phỏng được đặt ở khu liên hợp công nghệ hàng không ở Kamra, họ phải làm quen với nó trong một chương trình huấn luyện với 25 giờ bay.
Hiện nay gần như toàn bộ số tiêm kích JF-17 phiên bản đầu đã được bàn giao cho Không quân Pakistan và chúng sẽ được sử dụng để thay thế 150 chiếc máy bay chiến đấu đã hết niên hạn sử dụng là F-7P và Mirage III/V.