Dù thời đại hoàng kim của chiến đấu cơ động cơ cánh quạt đã kết thúc từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng trong những năm gần đây một vài quốc gia lại đang phát triển những chiến đấu cơ cánh quạt. Một trong số đó là mẫu EMB-314 Super Tucano do Brazil chế tạo. Bên cạnh đó, một trong những cường quốc công nghiệp quốc phòng thế giới, nước Mỹ lại cũng đang “hồi sinh” loại máy bay này với sự ra mắt của mẫu AT-6 Texan II.
“Hồi sinh” chiến đấu cơ cánh quạt
Theo tạp chí Flight Global, doanh nghiệp quốc phòng Hawker Beechcraft (Mỹ) vừa tiến hành cuộc thử nghiệm bay lần đầu tiên của chiến đấu cơ Beechcraft AT-6 thành phẩm vào ngày 20/8 tại Wichita.
Theo đó, lúc 10h30 giờ địa phương, chiếc AT-6 số hiệu N630LA do 2 phi công thử nghiệm Lionel Alford và JD O'Malley điều khiển đã cất cánh và nhanh chóng lẫn vào bầu trời xanh .
“Đó là một chiếc máy bay tuyệt vời để bay. Bạn chỉ cần thiết lập chế độ trên máy bay, bạn đã sẵn sàng để bay, nó sẽ mang bạn đi. Nó sẽ cảnh báo cho bạn biết nếu có những hành động không đúng. Nó bay rất đẹp”, phi côngAlford đã không tiếc lời tán dương sau chuyến bay.
|
Hai mẫu thử chiến đấu cơ cánh quạt AT-6 trên bầu trời.
|
Vào năm 2006, tại triển lãm Farnborough, Hawker Beechcraft chính thức công bố kế hoạch phát triển các biến thể chiến đấu từ loại máy bay huấn luyện sơ cấp T-6 Texan II, AT-6.
AT-6 là biến thể cải tiến mạnh và hiện đại nhất trong dòng T-6, nó được phát triển thành một máy bay tấn công hạng nhẹ. Beechcraft đã chế tạo 2 mẫu thử nghiệm AT-6, trong đó chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiếc thứ nhất diễn ra vào tháng 9/2009, chiếc thứ 2 bay lần đầu vào tháng 5/2010. Cả 2 mẫu thử này đều đã đạt mốc 1.600 giờ bay.
Hawker Beechcraft cho ra mắt AT-6 trong các triển lãm hàng không Royal International Air Tattoo và Farnborough tại Anh trong năm 2010.
Sức mạnh chiến đấu cơ cánh quạt thế kỷ 21
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ AT-6 được cho là một mẫu máy bay đa dụng và đáp ứng được nhu cầu của rất nhiều thị trường tiềm năng.
Ngoài khả năng đào tạo phi công lý tưởng được thừa kế từ T-6, giờ đây AT-6 còn có thể thực hiện thêm rất nhiều nhiệm vụ khác, phối hợp, hỗ trợ tấn công chính xác, trinh sát vũ trang, kiểm soát và giám sát đường không, tuần tra và tham gia cứu hộ cứu nạn.
Để thực hiện được những công việc này, AT-6 phải là một máy bay được thiết kế và trang bị tốt.
|
AT-6 với tổ hợp ngắm mục tiêu quang điện/hồng ngoại gắn dưới thân.
|
Động cơ được nâng cấp mạnh mẽ hơn với động cơ cánh quạt Pratt & Whitney PT6A-68D công suất 1.600 mã lực. Cơ quan quản lý hàng không Liên bang FAA phê duyệt sử dụng hệ thống điện tử hàng không chính của CMC Esterline: buồng lái kính với các màn hình hiển thị điều khiển thông minh, cho phép phi công dễ dàng điều khiển máy bay một cách linh hoạt.
Lockheed Martin trên cơ sở những gì thu được từ việc cải tiến cường kích A-10C cũng tham gia phát triển hệ thống điện tử thông tin liên lạc và nhiệm vụ. Kết quả đã tạo ra một hệ thống nhiệm vụ theo tiêu chuẩn “Plug and Play” kết hợp với hệ thống liên kết dữ liệu chiến đấu tiên tiến, khả năng điều khiển và sử dụng các vũ khí tấn công đa dạng với độ chính xác cao.
AT-6 được trang bị hàng loạt các cảm biến điện quang học, hồng ngoại, lade và siêu quang phổ, ví dụ như Wescam MX-15Di. Phi công cũng có thể được trang bị mũ lái tích hợp hệ thống hiển thị mục tiêu trên kính mũ.
Máy bay có 6 mấu treo vũ khí ở cánh cho phép mang được súng máy, các loại tên lửa không đối đất như AGM-114 Hellfire và AGM-65 Maverick, tên lửa đối không AIM-9 Sidewinder, các loại bom dẫn đường Paveway II/ IV, bom thông minh JDAM, bom đường kính nhỏ và rocket 70mm.
Thân và vỏ máy bay cũng được gia cố và đắp thêm giáp bảo vệ và gắn thêm các hệ thống cảnh báo tên lửa AN/AAR-47, hệ thống đối phó trả đũa ALE-47
|
AT-6 ném thử bom có điều khiển.
|
Các hệ thống trang bị của AT-6 được đánh giá chung là hiện đại, phù hợp với các tiêu chuẩn của Mỹ và NATO, rất thích hợp trong việc phối hợp tác chiến với các hệ thống vũ khí cùng tiêu chuẩn.
Trở lại với chuyến bay ra mắt, máy bay mang theo 2 bình nhiên liệu phụ 250 lít, 2 bom dẫn đường bằng lade GBU-58 Paveway, 2 cụm ống phóng rocket LAU-131 (7 ống phóng, sử dụng cho tất cả các rocket đường kính 70mm của Mỹ ). Ngoài ra máy bay còn mang theo một hệ thống cảm biến quang điện/hồng ngoại L-3 Wescam MX-15Di.
Mặc dù là một máy bay thành phẩm nhưng chiếc AT-6 này vẫn thuộc sở hữu của tập đoàn tạo ra nó. Vì đơn giản, Beechcraft chưa tìm được khác hàng cho loại máy bay này.
Khi được hỏi vì sao ngay trong chuyến bay đầu tiên chiếc AT-6 đã mang theo một khối lượng vũ khí “khủng” như vậy, Derek Hess, Phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của tập đoàn rất tự tin trả lời: “Bởi vì điều đó là hết sức dễ dàng”.
Hess cũng nói rằng, AT-6 sẽ tiếp tục được cải tiến để trở lên mạnh mẽ hơn nữa. Thời gian gần đây AT-6 chứng minh khả năng không đối không của nó với súng máy và tên lửa AIM-9 Sidewinder.
Trong khi đó, Russ Bartlett, Giám đốc phụ trách mạng thương mại quốc phòng của tập đoàn thì cho rằng, trong tương lai, AT-6 có thể kết hợp với một tiềm kích tối tân như Lockheed F-35 để kiểm soát một khu vực rộng lớn.
Chủ tịch Bill của Beechcraft cũng rất lạc quan khi cho rằng việc bị “ế” của AT-6 chỉ là tạm thời, ông hy vọng sẽ có những khách hàng đầu tiên trước khi kết thúc năm 2013. Beechcraft nhận định thị trường cho loại máy bay tấn công hạng nhẹ đang rất rộng, có hơn 26 đồng minh của Mỹ phù hợp cho loại máy như AT-6, chủ yếu tập trung ở châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông, có thể hơn 500 máy bay sẽ mua trong vòng 10 năm tới.
”Chúng tôi sẽ bán được rất nhiều máy bay”, ông Boisture nói.