Ấn Độ sắm sát thủ diệt chim sắt cho cường kích Jaguar

Google News

(Kiến Thức) - Với tên lửa không đối không ASRAAM, cường kích Jaguar sẽ được tăng cường đáng kể khả năng phòng vệ.

Tạp chí Jane’s Defence Weekly đưa tin hôm 8/7 cho biết, Vương quốc Anh và Ấn Độ đã ký kết hợp đồng mua sắm trị giá 250 triệu Bảng Anh cho các tên lửa không đối không ASRAAM mới do công ty vũ khí MBDA phát triển. Được biết, ASRAAM sẽ được trang bị cho các máy bay cường kích SEPECAT Jaguar của Không quân Ấn Độ.
Tên lửa ASRAAM sẽ đóng vai trò như tên lửa không đối không mới của Không quân Ấn Độ, sau mẫu tên lửa Rafael Python-5 của Israel được đưa vào trang bị trong năm 2009. Rafael Python-5 được Ấn Độ lựa chọn để thay thế cho mẫu tên lửa không đối không R550 Magic 1 SRAAM đã ngưng sản xuất.
ASRAAM được Không quân Hoàng gia Anh thử nghiệm vào năm 2011 và ngay sau đó Bộ quốc phòng Ấn Độ đã để ý tới mẫu tên lửa không đối không này, tới năm 2012 Ấn Độ bắt đầu tiến hành đàm phán với Anh để mua mẫu tên lửa trên.
ASRAAM (viết tắt của cụm từ Advanced Short Range Air-to-Air Missile - tên lửa không đối không tầm ngắn tiến tiến, hay được Mỹ định danh là AIM-132) là loại tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại. Nó có trọng lượng 88kg, dài 2,9m, lắp đầu nổ phá mảnh nặng 10kg, tên lửa đạt tầm bắn 300m-50km, tốc độ bay Mach 3.
Một chiếc cường kích SEPECAT Jaguar của Không quân Ấn Độ.
Tên lửa ASRAAM sẽ được trang bị cho những chiếc Jaguar Darin II với hệ thống giá treo tên lửa do công ty Cobham cung cấp. Phát ngôn viên của MBDA khẳng định, hợp đồng trên đã được ký kết và số tên lửa trên sẽ được bàn giao cho Không quân Ấn Độ trong thời gian sắp tới, nhưng lại không tiết lộ số lượng cụ thể tên lửa ASRAAM sẽ được bàn giao trong lô hàng đầu tiên.
Vào đầu năm 2013, hãng MBDA cũng tiết lộ với Jane’s rằng, hãng này sẽ kết hợp hệ thống radar Elta EL/M-2032 với hệ thống kiểm soát hỏa lực của Jaguar, hệ thống mũ bay thông minh và tên lửa không đối ASRAAM mang lại một sức mạnh mới cho Không quân Ấn Độ.
Ngoài ra, hợp đồng ASRAAM cũng đi kèm với điều kiện 30% các bộ phận của tên lửa ASRAAM sẽ được sản xuất ở Ấn Độ. Điều này khiến MBDA phải đàm phán lại với các công ty Ấn Độ để thực hiện một phần của hợp đồng trên ở Ấn Độ và phần còn lại được sản xuất ở miền bắc nước Anh.
Trà Khánh

Bình luận(0)