Tại một phiên điều trần gần đây của Quốc hội Hoa Kỳ, một quan chức cấp cao của ngành ngoại giao nước này đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về quyết định của New Delhi mua năm trung đoàn tên lửa phòng không S-400 Triumf từ Nga để trang bị cho Không quân Ấn Độ (IAF).
Cụ thể, bà Alice Wells - Cục Phó thường trực về các vấn đề Trung và Nam Á, thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trình bày trước tiểu ban Ngoại giao của Hạ viện hôm 13/06, nói rằng việc mua sắm các hệ thống phòng không S-400 có thể hạn chế việc phát triển quan hệ quân sự Mỹ - Ấn.
|
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 (Ảnh minh họa) |
Theo bà Wells, việc trang bị các hệ thống phòng không tầm xa mới của Nga có thể giới hạn việc Ấn Độ gia tăng quan hệ với Hoa Kỳ. Cụ thể, bà Wells cho rằng: “Tại một thời điểm nhất định, một quốc gia phải đưa ra một lựa chọn chiến lược về những đối tác, và về các loại vũ khí sẽ nhận được từ đối tác đó”.
Được biết, Ấn Độ và Nga sẽ kí hợp đồng mua năm trung đoàn tên lửa S-400 hồi năm ngoái, tại Hội nghị thượng đỉnh song phương hàng năm được tổ chức tại New Delhi vào đầu tháng 10/2019. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì lễ ký kết. Giá trị hợp đồng lên đến 5 tỉ USD, và trung đoàn S-400 đầu tiên sẽ đi vào trực chiến từ mùa thu 2020.
Chính phủ của Thủ tướng Modi vẫn kiên trì quyết định mua S-400 do Nga sản xuất, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ. Như mọi quốc gia khác có ý định mua vũ khí Nga, Ấn Độ bị đe dọa sẽ trở thành đối tượng áp dụng của Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ bằng trừng phạt (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act - CAATSA), nhắm vào các khách hàng xuất khẩu quốc phòng của Nga. Đạo luật này sẽ áp đặt sự trừng phạt về kinh tế và tài chính đối với bất cứ quốc gia nào tham gia các giao dịch trên 15 triệu USD với ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Dĩ nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump đã được trao thẩm quyền miễn trừ trừng phạt bằng Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ (National Defense Authorization Act - NDAA) năm 2019. Thẩm quyền này cho phép Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của CAATSA trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, không rõ liệu Ấn Độ có thể có được tình trạng miễn trừ hay không. Về mặt pháp lý, miễn trừ trừng phạt sẽ được áp dụng cho các trường hợp mua sắm các thiết bị từ thời Liên Xô (cũ) với giá trị thấp hơn 15 triệu USD, và không dành cho những khí tài hiện đại và đắt đỏ như tên lửa S-400.
“Sẽ không có sự miễn trừ toàn diện, hay miễn trừ quốc gia đối với các tên lửa S-400” - bà Wells cảnh báo - “Chúng tôi lo ngại nghiêm trọng về khả năng (Ấn Độ) sẽ mua tên lửa S-400, và chúng tôi đang tiếp tục đối thoại về cách nước Mỹ và các nhà thầu quốc phòng của mình có thể hỗ trợ Ấn Độ (tìm một loại tên lửa phòng không khác để thay thế)”.
|
Nạp đạn cho tổ hợp tên lửa S-400 bằng cần cẩu - Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, hồi tháng 09/2008, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Cục Phát triển Trang bị của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa khi đã khởi động việc mua sắm các tên lửa phòng không S-400 và các máy bay chiến đấu đa chức năng Su-35S (tên mã NATO: Flanker-E).
Bà Wells cũng cho hay: “Chính phủ của tổng thống Donald Trump sẵn sàng giúp Ấn Độ đáp ứng nhu cầu quốc phòng, và hiện đang tìm kiếm một phương thức xây dựng quan hệ đối tác quốc phòng khác, trên cơ sở quy chế “Đối tác quốc phòng chính” mà Ấn Độ đã nhận được từ Quốc hội Mỹ”.
Mỹ cũng đã đề nghị sẽ cung cấp cho Ấn Độ hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không MIM-104F Patriot (PAC-3) và hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao (THAAD) thay cho tên lửa S-400.
Lời trình bày của bà Wells tại phiên điều trần được đưa ra trong một bối cảnh rất nhạy cảm, trước trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, chuyến thăm Ấn Độ vào cuối tháng này.
|
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 trong biên chế quân đội Nga |
Được biết, S-400 là loại vũ khí phòng không hiện đại bậc nhất của Nga nói riêng, và trên toàn thế giới nói chung. So với loại S-300 trước đó, hệ thống tên lửa S-400 được trang bị hệ thống radar cải tiến và được cập nhật phần mềm. S-400 cũng được trang bị 4 loại tên lửa mới, được phát triển trên cơ sở các đạn tên lửa phóng thẳng đứng, sử dụng nhiên liệu rắn kiểu 48N6E (tầm bắn ước tính 150km), và 48N6E2 (tầm bắn ước tính 195km) của hệ thống S-300.
S-400 được cho là có thể sử dụng một phiên bản đạn 48N6E2 cải tiến, với tầm bắn 250km. Chưa kể, hệ thống còn có thể sử dụng các đạn 9M96E và 9M96E2 với tầm bắn tương ứng là 40km và 120km. Các hệ thống phòng không S-300 cải tiến, như S-300PMU-2 Favorite cũng có thể bắn đạn 9M96E và 9M96E2.
Tốc độ phóng tên lửa của tổ hợp S-400 ước tính nhanh gấp 2,5 lần S-300, và có thể được sử dụng để chống lại hàng loạt các mục tiêu như máy bay tác chiến điện tử - gây nhiễu, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS), cũng như các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Hiện Nga đã hoàn thành việc trang bị 28 trung đoàn S-400 cho nhiệm vụ phòng thủ nội địa, và đang tập trung cho xuất khẩu. Phiên bản đạn tầm xa tiên tiến nhất dành cho tổ hợp S-400, loại 40N6 (với tầm bắn ước tính 400km, trang bị đầu dò radar chủ động) cũng đã được chấp nhận đưa vào biên chế quân đội Nga trong tháng 10.
Mời độc giả xem video: Quân đội Nga tập trận với tên lửa phòng không S-400.
Bài viết được đăng tải trên The Diplomat, theo quan điểm của Franz-Stefan Gady – nhà nghiên cứu, biên tập viên cao cấp của tờ báo.