5 thiết giáp hạm có tầm ảnh hưởng lớn nhất lịch sử (1)

Google News

(Kiến Thức) - Đó không phải là những con tàu nổi tiếng, mà chúng mang tính cách mạng, đột phá trong lịch sử phát triển thiết giáp hạm.

Khi nói đến thiết giáp hạm, người ta thường hình dung tới những pháo đài kim loại khổng lồ trên đại dương, với vỏ giáp cực dày và dàn pháo hạm cỡ khủng. Chúng được sinh ra để hủy diệt mọi thứ đồng thời chịu được những đòn tấn công mạnh nhất.
Nhắc tới một danh sách tiêu biểu cho thời đại thiết giáp hạm thì những cái tên khủng khiếp như Yamato của Đế quốc Nhật hay USS Lowa của Mỹ luôn có một vị trí trang trọng. Tuy nhiên, trong danh sách về những thiết giáp hạm có tầm ảnh hưởng trong lịch sử được thực hiện bởi Bradley Perrett, một chuyên gia cao cấp của tạp chí Aviation Week & Space Technology, cả hai con tàu này đều không có mặt, thay vào đó là cái tên khá bất ngờ và có thể là ít được biết tới, điều này là do tiêu chí xếp hạng của danh sách không dựa trên độ to lớn hay sức mạnh “cơ bắp” của những chiến hạm mà đề cao tính cách mạng, đột phá trong thiết kế.
1. La Gloire
 
Vào những năm 1850 (thế kỷ 19), hai cường quốc châu Âu là Anh và Pháp lao vào một cuộc chạy đua vũ trang lớn. Phát triển sức mạnh cho các hạm đội được cả hai bên rất chú trọng. Pháp ra sức đóng nhiều tàu chiến mới và đặc biệt là dòng Napoleon - chiến hạm đầu tiên dùng động cơ hơi nước. Tuy vậy, người Anh cũng nhanh chóng đóng được những tàu chiến hơi nước, thậm chí là đóng nhiều hơn cả Pháp.
Paris biết rằng nếu không có đột phá về công nghệ, họ sẽ thất bại trong cuộc chạy đua với London. Các tàu chiến to nhỏ đương thời đều được đóng bằng gỗ và việc khai thác công năng loại vật liệu này đã đạt đến giới hạn đỉnh cao. Ý tưởng về tàu chiến lớn bọc thép bắt đầu được xem xét nghiêm túc, hơn nữa thành công của các sà lan, tàu nhỏ hơi nước bọc thép mà Pháp đã sử dụng trong trận chiến Crimean càng thúc khẳng định sự đúng đắn của ý tưởng.
Lớp tàu bọc thép mang tên La Gloire (vinh quang) ra đời, đây là công trình của nhà thiết kế hải quân Henri Dupuy de Lome. Ba tàu thuộc lớp này được đóng, bắt đầu từ tháng 4/1859. Chiếc đầu mang tên trùng với tên của lớp tàu này đi vào phục vụ đầy đủ trong năm 1860 và chính thức trở thành tàu chiến vượt đại dương bọc thép đầu tiên của thế giới.
Chiếc La Gloire có lượng giãn nước 5.630 tấn, dài 77,88m, rộng 16,92m, tốc độ tối đa 11 hải lý/giờ. Nguồn động lực cho tàu là 8 động cơ nồi hơi đốt bằng than, tổng công suất 2.500 mã lực. Bên cạnh đó còn 3 cột buồm dự phòng trong thời đại mà người ta không tin tưởng hoàn toàn vào máy hơi nước. Sự đặc biệt của La Gloire không gì khác chính là lớp vỏ thép dày 12cm bọc ngoài thân gỗ dày 43cm. Chúng có thể chống lại sức công phá của những loại pháo hạm hạng nặng bắn đạn nổ vốn dễ dàng xuyên thủng các tàu vỏ gỗ, đặc biệt là có thể “miễn nhiễm” với đại pháo British-68 uy lực nhất của Hải quân Anh lúc bấy giờ.
La Gloire tại cảng. Tranh của Louis Le Breton.
Vũ khí ban đầu của La Gloire là dàn pháo nòng rãnh xoắn, 36 khẩu 163mm. Cách bố trí hỏa lực vẫn theo kiểu truyền thống thời đại thuyền buồm là đặt các hàng pháo dọc hai bên mạn tàu. Những chiến hạm này là không có đối thủ trên đại dương, chúng làm Nữ hoàng Anh Victoria mất ngủ. Tuy nhiên, kỷ nguyên của La Gloire quá ngắn ngủi như ngôi sao băng vụt sáng trong bầu trời đêm.
Chỉ một năm sau, Hải quân Hoàng gia Anh, với thực lực vốn có của mình đã nhanh chóng có sức mạnh đáp trả với chiến hạm bọc thép HMS Warrior - vượt trội hoàn toàn so với kỳ hạm Pháp. Le Gloire, chiếc tàu chiến bọc kim loại chắc chắn chưa phải là một thiết giáp hạm đúng nghĩa nhưng nó là chiếc cầu nối sang thời đại mới của các chiến hạm. Một cách mạng của hơn 500 tàu được đóng mới trong giai đoạn 1860-1949.
2. HMS Royal Sovereign
 
La Gloire mang lại niềm cảm hứng ghê gớm, thế giới của những con tàu bọc thép rồi dần dần là các thiết giáp hạm (thân thép hoàn toàn) được lộ ra cho các nhà thiết kế thỏa sức khám phá và thử nghiệm. Đó là thời kỳ mà mỗi năm đều có vô số các mẫu thiết kế tàu chiến kim loại với đủ các trường phái, ý tưởng được vẽ ra. Mẫu trước chưa kịp đóng xong thì nhà máy đã có trong tay bản thiết kế của mẫu sau. Mọi thứ chỉ dừng lại khi người ta tìm ra được một thiết kế hoàn hảo, mạnh mẽ, đủ sức thuyết phục tất cả để tạo ra một hình mẫu, quy chuẩn mới. Tất cả những điều này được tìm thấy trên thiết giáp hạm Royal Sovereign. Đây cũng là chiếc đầu tiên trong 8 chiếc thuộc lớp tàu mang tên nó, được bắt đầu đóng vào năm 1889 và đi vào phục vụ 3 năm sau đó.
Royal Sovereign là lời khẳng định cho sức mạnh của hải quân hùng mạnh nhất thế giới trước sự thách thức của Hải quân Pháp, Nga và nhiều cường quốc biển đang lên. Người Anh đã tạo ra một hải quân mạnh hơn ít nhất hai nước sau họ cộng lại bằng những thiết giáp hạm như vậy. Công trình của Sir William White đã kết hợp được những ưu điểm và xu hướng trong thiết kết tàu chiến của 3 thập kỷ.
Royal Sovereign có lượng dãn nước tối đa 15.580 tấn, dài 125m, rộng 23m, lớn hơn rất nhiều những tàu chiến trước đó của Hải quân Hoàng gia và là chiến hạm lớn nhất thế giới. Nó cũng vượt trội mọi đối thủ về vỏ giáp, sức mạnh hỏa lực và tốc độ. Hệ động lực lúc này đã hoàn toàn dựa vào động cơ hơi nước, tàu có thể đạt tốc độ tối đa 17,5 hải lý/giờ, tầm hoạt động 8.700km trên một hành trình. Là một thiết giáp hạm khổng lồ, đai giáp chính của con tàu chỗ dày nhất lên tới 46 cm, cho phép miễn nhiễm với những quả đạn pháo uy lực nhất trên biển. Thời bấy giờ, pháo hạm loại 305mm đang được ưa chuộng nhưng với Royal Sovereign, nó dùng pháo ngoại cỡ 343 mm.
 Hai trong số bốn khẩu đại pháo 343mm của Royal Sovereigen, chúng được đặt chung trên một bệ “barbette” xoay.
Tàu có 4 khẩu pháo như vậy, mỗi khẩu nặng 67 tấn. Hỏa lực hỗ trợ là 10 pháo 152,4mm cùng hàng chục pháo cỡ nòng nhỏ hơn, có tốc độ bắn nhanh, nhằm mục đích tiêu diệt các tàu nhỏ cũng như làm hư hại và áp chế hệ thống hỏa lực trên các thiết giáp hạm đối phương, tạo điều kiện cho pháo chính tung ra đòn kết liễu. Cách bố trí hỏa lực trên Royal Sovereign rất tiên tiến và tiêu biểu cho các thiết giáp hạm thời đó.
Hỏa lực chính là 4 khẩu pháo 343 mm được đặt ở trục trung tâm của con tàu, chia làm 2 cụm trước sau, mỗi cụm hai khẩu. Bên sườn tàu và xung quanh pháo chính là các pháo cỡ nòng nhỏ bắn nhanh. Các khẩu pháo được đỡ bằng các bệ “barbette” xoay, linh hoạt thay vì đặt trong các tháp pháo nặng nề. Đây là một thiết kế được phát minh bởi người Pháp, nó tới khả năng tấn công linh hoạt cho các chiến hạm và cực kỳ hiệu quả trong những trận hải chiến ở vùng biển động, khi các khẩu pháo đặt cao sẽ giảm bớt ảnh hưởng của nước biển bắn vào. Royal Sovereign đã là quy chuẩn cho việc thiết kế tàu chiến trong 15 năm sau đó.
3. HMS Dreadnought
 
Năm 1906, nước Anh cho hạ thủy một thiết giáp hạm mang tên HMS Dreadnought. Sự xuất hiện của nó đã biến mọi con tàu chiến trước đó đều trở thành lạc hậu, đó là một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của sức mạnh hải quân thế giới. Trong sử sách sau này, cái tên Dreadnought đồng nghĩa với một thời đại mới của các thiết giáp hạm, thậm trí với những người không chuyên thì Dreadnought tức chỉ thiết giáp hạm.
Cuối thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20 là giai đoạn mà kỹ thuật chế tạo pháo có nhiều thành tựu mới, bên cạnh đó sức mạnh của ngư lôi cũng được tăng lên. Điều đó khiến các nhà thiết kế có xu hướng sử dụng nhiều hơn các khẩu pháo lớn, tầm bắn xa trên chiến hạm, phần để có thể tấn công sớm đối thủ, phần để tránh bị dính ngư lôi. Bên cạnh đó, việc sử dụng quá nhiều loại pháo cỡ nòng khác nhau trên một con tàu mang tới nhiều rắc rối khi chiến đấu, pháo cỡ nòng nhỏ thường tỏ ra bất lực trước các đai giáp dày. Loại bỏ số lượng lớn pháo nhỏ và thay bằng vài khẩu pháo lớn dường như là một lựa chọn khôn ngoan. Các lực lượng hải quân trên thế giới bắt đầu theo đuổi xu hướng này.
Như tại Nhật với chiến hạm Satsuma hoặc tại Mỹ khi người ta đã cho đóng hai thiết giáp hạm: South Carolina và Michigan, mang khá ít pháo nhưng mang tới 8 khẩu cỡ 305mm. Nhưng nổi bật nhất vẫn là chương trình tàu chiến trang bị toàn pháo cỡ nòng lớn của Hải quân Hoàng gia Anh. Người phụ trách chương trình này là Đô đốc Sir John Fisher. Người Anh một lần nữa muốn tái khẳng định sức mạnh tuyệt đối của họ trên đại dương bằng thiết giáp hạm kiểu mới.
Con tàu có lượng dãn nước tối đa trên 21.000 tấn, dài 160 m, rộng 25 m. Đây là thiết giáp hạm đầu tiên ứng dụng động cơ turbine hơi nước thay cho động cơ hơi nước cũ. Công suất máy được thiết kế ở mức 23.000 mã lực nhưng thực tế nó có thể tăng cao hơn, tốc độ tối đa không dưới 21 hải lý/giờ, hành trình dự trữ trên 12.200 km. Dàn pháo lớn cỡ 305mm trên tàu lên tới 10 khẩu, được bố trí trên 5 tháp pháo đôi, 3 tháp pháo đặt dọc theo trục tàu, 2 quay về đuôi tàu, 1 quay về trước. 2 tháp pháo còn lại đặt hai bên mạn tàu phía trước.
Bản vẽ chiếu 3 chiều của HMS Dreadnought, nổi bật là hệ thống hỏa lực với dàn pháo cỡ nòng lớn đồng nhất.  
Các khẩu pháo có thể xoay theo cả góc tà và góc phương vị để bắn ra những quả đạn nặng 400 kg, tiêu diệt đối phương từ cự ly tối đa 18km. Trên nóc các tháp pháo chính và tại một số phần thượng tầng có bố trí các pháo nhỏ hơn. Chiến hạm khổng lồ này có thể chiến đấu tầm xa hiệu quả nhờ hệ thống chỉ huy tác chiến toàn cầu bằng sóng radio mà hải quân Anh mới đưa vào sử dụng. Thực tế từ trận Tsushima, trận chiến giữa các thiết giáp hạm đã chứng minh hỏa lực cực mạnh tầm xa từ pháo lớn và tốc độ cao là hai ưu thế tuyệt vời bên cạnh giáp thép dày truyền thống.
Dreadnought lúc đó được mô tả như thứ vũ khí nguy hiểm nhất trong chiến tranh, uy lực nhất thế giới. Sự xuất hiện của con tàu không chỉ đánh dấu những thành tựu tuyệt vời trong kỹ thuật và công nghiệp quốc phòng mà còn khơi mào cho một cuộc chạy đua mới giữa những cường quốc hải quân trên toàn thế giới.
Anh Trần

Bình luận(0)