Điều tra thảm họa
… Kết quả của việc xem xét chi tiết mọi hoàn cảnh và hậu quả của vụ nổ đã xác định như sau:
- Hư hại của thiết giáp hạm Novorossiysk là do nổ khối thuốc nằm trong nền đất đáy biển dưới phần mũi tàu
- Trọng lượng khối thuốc nổ khoảng 1.000-1.100 kg thuốc nổ TNT
- Có nhiều khả năng hơn cả là ngày 29/10 đã có nổ bên dưới con tàu thủy lôi của Đức loại RMH hoặc LMB có ngòi nổ M-1 đã được rải từ thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2.
Song ngay trong báo cáo đó có ghi: “Ủy ban xác nhận là việc bảo vệ pháo đài Sevastopol chống tàu ngầm xâm nhập không đạt yêu cầu. Lối vào căn cứ phải được bảo vệ bằng cách đóng lại bằng vật cản nổi và lưới chống ngư lôi đặt ngay trên lối vào vụng Sevastopol. Đêm rạng ngày 29/10 năm đó, bất chấp là tàu kéo trực như bình thường, vẫn đậu tại cửa thả vật cản, nhưng cửa bằng vật cản đã không được đóng lại, và chỉ sau vụ phá hoại Novorossiysk theo chỉ thị cuả cục trưởng cục tác chiến Bộ tư lệnh Hạm đội cửa đã được đóng lại lúc 2h35 phút ngày 29/10, nghĩa là 1 giờ 4 phút sau vụ nổ”.
|
Thân tàu thủng một lỗ lớn khủng khiếp.
|
Nhằm phát hiện tàu ngầm định xâm nhập căn cứ, có quy định là tàu săn ngầm lớn thường xuyên tuần phòng ngay tại cửa vào vụng biển. Thực tế, do lỗi của chỉ huy sư đoàn 24 bảo vệ vùng nước và cả Bộ tư lệnh Hạm đội cũng biết, việc tuần phòng của các tàu săn ngầm được thực hiện không thường xuyên do chúng bị điều đi làm những nhiệm vụ khác không liên quan đến tuần phòng.
Sự vi phạm nghiêm trọng như vậy cũng đã xảy ra đêm rạng ngày 29/10 năm đó, khi tàu săn ngầm lớn làm nhiệm vụ tuần phòng lúc 5h50 phút ngày 28/10 đã bị sĩ quan trực tác chiến của sư đoàn 24 bảo vệ vùng biển rút khỏi tuần tra mà không có tàu khác thay thế. Nó được phái đến mũi Lukull để phục vụ các chuyến bay của không quân và chỉ quay về để làm nhiệm vụ tuần phòng lúc 1h17 phút ngày 29/10, nghĩa là 14 phút trước khi vụ nổ xảy ra.
Trạm thu thủy âm Saturn-12 (Sao Thổ 12) ở mũi Hersonissos thực hiện việc theo dõi tàu ngầm. Đây là trạm cũ loại đã lạc hậu nên không thể phát hiện được tàu ngầm ít ồn và đi chậm. Ngày 28/10, trạm được sửa chữa theo kế hoạch và không hoạt động từ 8h40 phút đến 19h.
Như vậy: “Do các vi phạm có tính hệ thống, nghiêm trọng và tội lỗi đối với mệnh lệnh và chỉ thị về bảo vệ vùng nước thuộc pháo đài của chỉ huy Sư đoàn 24 bảo vệ vùng nước và Phó đô đốc Galitskiy và các cấp dưới của ông, pháo đài Sevastopol thường xuyên đã không được bảo vệ chống sự xâm nhập của tàu ngầm và ngư lôi. Tình trạng này đã diễn ra trước vụ nổ ngày 28/10, và cả ngay trong đêm rạng ngày 29/10 năm đó”.
Các kết luận của ủy ban Vyacheslav Malyshev suốt gần 50 năm qua đã bị hàng chục chuyên gia về biển phản bác. Giả thuyết về vụ nổ của ngư lôi rất không thuyết phục.
|
Tàu tuần dương Project 26 tuy có lượng giãn nước nhỏ hơn 3 lần Novorossiysk nhưng hứng chịu vụ nổ tương đương (theo ước tính của nhà điều tra), dù vậy tàu vẫn có thể về được cảng sửa chữa.
|
Để so sánh, vụ nổ của tàu tuần dương Project 26 Kirov (lượng giãn nước toàn tải 9.436 tấn) vì va phải ngư lôi Đức ngày 17/10/1945 trong vịnh Phần Lan. Cũng như đối với Novorossiysk, vụ nổ xảy ra ở phần tháp phía mũi tàu. Trọng lượng khối nổ tương đương 910 kg trotil, nghĩa là cũng khoảng như vụ nổ của tàu Novorossiysk, khoảng 2.000 tấn nước tràn vào Kirov, con tàu không chạy được nữa trong 50 phút nhưng đã được kéo thành công về Kronshtad.
Lưu ý rằng, lượng giãn nước của Kirov ít hơn 3 lần so với Novorossiysk. Tính chất hư hại của thiết giáp hạm Novorossiysk và tàu tuần dương Kirov hoàn toàn khác nhau. Tàu tuần dương Kirov bị hư hại thân tàu, các mối hàn ở đáy tàu bị đứt do vụ nổ của ngư lôi từ không tiếp xúc đặt dưới đáy biển, còn thiết giáp hạm Novorossiysk bị thủng thân tàu.
Biệt động Italy là tác giả vụ tấn công?
Nhiều chuyên gia loại bỏ khả năng ngư lôi Đức phát nổ sau 12 năm. Các công ty Đức đảm bảo thời hạn sử dụng pin điện lắp trên ngư lôi nằm trong nước là 6 tháng. Toàn bộ ngư lôi Đức vớt được ở Sevastopol đầu những năm 1950 đều không dùng cho chiến đấu được. Vì vậy có thể cho rằng nguồn gốc vụ nổ có xác suất cao hơn cả là phá hoại của biệt kích người nhái.
Đầu tiên nhiều chuyên gia cho rằng vụ nổ thiết giáp hạm Novorossiysk là do các biệt kích người nhái Italy của tiểu hạm đội 10 MAS (ba chữ cái viết tắt tiếng Italy “Mezzi d'Assalto” – “các phương tiện tấn công phá hoại”). Những biệt kích người nhái do bá tước Valerio Borgeze chỉ huy này đã nổi tiếng khi đánh chìm 2 thiết giáp hạm Nữ hoàng Elizabeth và Valiant ngày 18/12/1941 tại cảng Alexandria ở Ai Cập. Sau hai tiếng nổ, cả hai thiết giáp hạm đều đã chìm xuống đáy biển. Mấy tháng sau mới trục vớt được chúng lên và năm 1943 đã sửa chữa xong các thiết giáp hạm này.
|
Người nhái Hải quân Italy có thể là "tác giả" vụ tấn công.
|
Bỗng nhiên tháng 8/2013, một cựu binh của đơn vị các người nhái chiến đấu Italy bí mật là Hugo D'Esposito đã thú nhận, rằng vụ nổ Novorossiysk là do đơn vị của ông ta thực hiện. Dường như chính ông đã tham gia vào chiến dịch, nhưng từ chối nói chi tiết.
Đáng chú ý, là vụ nổ Novorossiysk đã xảy ra vào ngày kỷ niệm cuộc hành quân của những người mặc sơ mi đen đến Roma mà kết quả của nó là nhà vua Italy ngày 30/10/1922 đã bổ nhiệm Benito Mussolini làm thủ tướng. Sau này, đây là ngày lễ của phát xít Italy.
Tác giả bài viết này cho rằng, có thể có hai động cơ của vụ nổ: thứ nhất là người Italy bị xúc phạm vì con tàu của họ mang cờ Liên Xô; thứ hai là sự lo lắng của Mỹ và NATO về khả năng đạn pháo 320 mm mang đầu đạn hạt nhân được đưa vào bộ vũ khí của Novorossiysk.
|
Cũng có giả thuyết cho rằng Mỹ - NATO lo sợ việc Liên Xô trang bị đạn hạt nhân cho Novorossiysk nên hậu thuẫn cho Hải quân Italy thực hiện cuộc tấn công nhấn chìm Novorossiysk.
|
Tác giả lưu ý, là những đầu đạn này đã được nghiên cứu chế tạo ở Liên Xô, nhưng sau khi Novorossiysk bị đánh đắm thì đạn 305mm có đầu đạn “đặc biệt” đã được đưa vào bộ vũ khí cho pháo của các thiết giáp hạm. Dù Novorossiysk đã tương đối cũ để đối đầu với các thiết giáp hạm hiện đại nhất của Mỹ trang bị 9 pháo 406mm. Vận dụng câu thành ngữ của người Mỹ “Chúa sinh ra người khỏe kẻ yếu, nhưng đại tá Kolt đã làm cho họ ngang bằng nhau”, có thể ghi nhận, là đạn dược làm cho các thiết giáp hạm ngang bằng nhau. Các đô đốc của NATO đặc biệt sợ đạn pháo đặc biệt của Novorossiysk nếu có tác chiến nhằm chiếm các eo biển của Biển Đen.
Xét về tổng thể, những người nhái Italy đã hành động dưới sự yểm trợ của của hạm đội Mỹ và Anh. Hành động chống lại Novorossiysk trùng với các cuộc cơ động Bosfor-55 của NATO, trong đó thiết giáp hạm USS New Jersy (BB-62) và 5 tàu khu trục Mỹ đã đến Istanbul, vi phạm công ước về eo biển.
Để kết luận cũng đáng nhắc lại cuộc kiểm tra “dấu vết Italy” được Bộ Tư lệnh hạm đội Biển Đen tiến hành tháng 8/1970. Tàu ngầm của sư đoàn tàu ngầm 14 bí mật tiến đến Sevastopol. Đến đêm một nhóm người nhái rời khỏi tàu ở độ sâu 20m. Biệt kích dùng tàu ngầm kéo đã xâm nhập vào vụng Sevastopol, vượt qua cửa bằng vật cản đã đóng. Đến 2h sáng họ đã tiếp cận thân tàu tuần dương chống ngầm Moscow, thả neo đúng chỗ thiết giáp hạm Novorossiysk từng thả neo. Đội tàu tuần dương đã không phát hiện ra việc đặt ngư lôi. Thật may, lần này chỉ là ngư lôi tập.