Xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đã tàn phá nặng nề Dải Gaza. Theo tờ The Wall Street Journal, cuộc chiến tại Gaza được xem là cuộc chiến tranh đô thị tàn khốc nhất trong lịch sử hiện đại.
Khu phố Rimal, TP Gaza (Bắc Gaza) vào ngày 10-10-2023. Nguồn: ANADOLU
Gaza hoang tàn
Cách đây 3 tháng, Gaza là một nơi sôi động. Bất chấp sự bao vây của Israel trong nhiều thập niên, nhiều người Palestine vẫn thích sống ở Gaza, bên cạnh Biển Địa Trung Hải. Tại đây, họ tụ tập trong các quán cà phê và nhà hàng bên bờ biển, vui chơi trên bãi biển. Những chàng trai trẻ thì ngồi trước tivi vào buổi tối để xem bóng đá.
Giờ đây, Gaza đã trở thành một đống đổ nát.
Ở phía bắc Gaza, những cư dân còn lại phải di chuyển trên những con đường đầy gạch vụn, ngang qua các cửa hàng và khu chung cư bị đánh bom. Trên đường họ đi, kính vỡ kêu lạo xạo dưới chân, máy bay không người lái của Israel bay vù vù trên đầu.
Ở miền nam Gaza, người dân phải ngủ ngoài đường và đốt rác để nấu ăn. Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), khoảng 85% trong số 2,2 triệu người của Gaza đã rời bỏ nhà cửa và đang sinh sống trong phạm vi chưa đến 1/3 diện tích dải đất.
Đến giữa tháng 12-2023, Israel đã thả 29.000 quả bom, đạn và đạn pháo xuống dải đất này. Gần 70% trong số 439.000 ngôi nhà và khoảng một nửa số tòa nhà ở Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy.
Các vụ đánh bom đã phá hủy các nhà thờ Byzantine, đền thờ Hồi giáo cổ, các nhà máy, tòa nhà chung cư, trung tâm mua sắm, khách sạn sang trọng, nhà hát và trường học. Phần lớn cơ sở hạ tầng về nước, điện, thông tin liên lạc và chăm sóc sức khỏe đã không còn hoạt động.
Phần lớn trong số 36 bệnh viện trên dải đất này đều đóng cửa và hiện chỉ còn 8 bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân. Các vườn cây ăn trái, vườn cây olive và các nhà kính đã bị xóa sổ. Hơn 2/3 số trường học ở Gaza bị hư hại.
|
TP Beit Lahia (Bắc Gaza) vào ngày 26-12-2023. Ảnh: AFP
|
Phân tích của Ngân hàng Thế giới kết luận rằng tính đến ngày 12-12-2023, xung đột Israel-Hamas đã làm hư hại, phá hủy 77% cơ sở y tế, 72% công trình công cộng như công viên, tòa án và thư viện, 68% cơ sở hạ tầng viễn thông và 76% địa điểm thương mại. Khu công nghiệp phía bắc Gaza gần như bị phá hủy hoàn toàn.
Theo Ngân hàng Thế giới, hơn một nửa số con đường đã bị hư hỏng hoặc phá hủy. Trong khi đó, theo LHQ, khoảng 342 trường học ở Gaza đã bị hư hại.
Tương tự thiệt hại trong Thế chiến II
Phía Israel cho biết chiến dịch ném bom và đổ bộ của họ ở Gaza đã khiến hàng ngàn thành viên Hamas thương vong. Tuy nhiên, về phía các cơ quan quản lý Dải Gaza, họ cho biết xung đột cũng đã làm nhiều thường dân tại dải đất này thiệt mạng.
Theo thông báo mới nhất của Cơ quan Y tế Gaza, xung đột Israel-Hamas khiến hơn 23.700 người thiệt mạng và hơn 60.000 người bị thương. Hầu hết trong số họ là phụ nữ và trẻ em.
Theo The Wall Street Journal, thiệt hại tại Gaza tương tự những thiệt hại ở các thành phố của Đức sau khi bị quân Đồng minh tấn công trong Thế chiến II.
Ông Robert Pape – nhà khoa học chính trị tại ĐH Chicago (Mỹ) – cho biết: “Từ ‘Gaza’ sẽ đi vào lịch sử cùng với Dresden (Đức) và các thành phố nổi tiếng khác đã bị đánh bom. Những gì bạn đang thấy ở Gaza khiến chiến dịch của Israel nằm trong top 25% các chiến dịch trừng phạt khốc liệt nhất trong lịch sử”.
Do vùng chiến sự gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, các chuyên gia khảo sát thiệt hại bằng cách phân tích hình ảnh vệ tinh và theo dõi các đặc điểm vật lý (thông qua đo phản xạ và bức xạ phát ra ở khoảng cách xa).
Theo phân tích dữ liệu vệ tinh của các chuyên gia viễn thám tại ĐH TP New York (Mỹ) và ĐH Bang Oregon (Mỹ), có tới 80% tòa nhà ở phía bắc Gaza – nơi bị đánh bom nghiêm trọng nhất – bị hư hại hoặc phá hủy. Con số này cao hơn tỷ lệ các tòa nhà ở Dresden bị ném bom dẫn đến hư hại trong Thế chiến II.
|
Người dân trong căn lều ở Rafah (nam Gaza) hồi tháng 12-2023. Ảnh: AFP
|
Ông He Yin – nhà địa lý học tại ĐH bang Kent ở Ohio (Mỹ) – ước tính 20% đất nông nghiệp của Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy. Ông cho biết vụ lúa mì mùa đông ở Gaza đáng lẽ đã bắt đầu nhưng hiện nay vẫn chưa ghi nhận được hình ảnh liên quan. Điều này cho thấy vụ lúa mì mùa đông vẫn chưa được gieo trồng.
Israel cáo buộc Hamas sử dụng các tòa nhà dân sự để che giấu lối vào các đường hầm. Do đó, lực lượng Israel đã nhiều lần dùng chất nổ phá hủy các khu vực được cho là có đường hầm của Hamas.
Hồi tháng 12, trên X (tên gọi mới của Twitter), ông Eylon Levy – người phát ngôn của văn phòng thủ tướng Israel – viết rằng: “Khi bạn hỏi tại sao cơ sở hạ tầng dân sự ở Gaza bị hư hại, hãy nhìn vào nơi Hamas xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của chúng”.
Nhận xét về tình hình hiện tại của Gaza, ông Eyal Weizman – kiến trúc sư người Anh gốc Israel – cho biết: “Đây không còn là một nơi đáng sống nữa”.
Theo ông Weizman, hoạt động tái thiết Gaza trong tương lai buộc phải xem xét “toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng dưới lòng đất, vì khi (Israel) tấn công vào lòng đất (phá hủy các đường hầm), mọi thứ chạy qua lòng đất – như nước, khí đốt, nước thải – đều bị xé nát”.