Video: Cận cảnh vạn niên thanh được trồng trong văn phòng, nhà ở:
Thông tin này nhận được nhiều sự quan tâm, bày tỏ lo lắng, hoang mang của cộng đồng mạng, nhất là những gia đình hoặc văn phòng có trồng cây vạn niên thanh.
Để tìm hiểu rõ hơn về loài cây vạn niên thanh đang gây xôn xao cộng đồng mạng, PV đã đến chợ cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội để tìm hiểu và khảo giá. Tại đây, theo tìm hiểu của PV, có nhiều loại vạn niên thanh nhưng chủ yếu có 2 loại được bày bán là vạn niên thanh lá tròn, to bản và vạn niên thanh thân leo. Theo một chị bán hàng, loài cây này không có độc, nếu có độc thì đã không ai mua. Về giá của vạn niên thanh tùy loại nhưng dao động từ 80 đến 700 ngàn đồng/chậu.
Loài cây này được trồng nhiều ở văn phòng hoặc gia đình. Nói về ý nghĩa của vạn niên thanh, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho biết:
“Trong phong thủy, việc sử dụng loại cây này chứng tỏ người chủ có đầu óc khoa học, yêu ghét phân minh, càng thích hợp cho người làm trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đầu tư chứng khoán hay mở mang thị trường mới, lĩnh vực mới. Cây vạn niên thanh sống lâu năm mà vẫn xanh tốt, mùa đông lá không héo úa nên được coi là loài cây mang ý nghĩa cát tường, sử dụng rộng rãi. Dùng vạn niên thanh trong ngày lễ tết là ngụ ý sung túc tốt đẹp, trong việc hôn nhân là cầu chúc như ý, trong lễ mừng thọ là để chúc sống lâu”.
Chia sẻ thêm về tác dụng khi trồng cây vạn niên thanh, ông Nguyễn Đại Định, nguyên giảng viên Đại học Y Hà Nội cho biết: “Vạn niên thanh có nghĩa là cây sống lâu và chịu được bóng râm. Vạn niên thanh có nhiều loại, như loại dây leo và có cây thân như thân cây mía, có loại lá đốm hoặc lá không đốm, tán lá rất rộng có khả năng quang hợp rất tốt.
Cây này được trồng nhiều trong nhà là bởi vì hai giới động vật và thực vật khác nhau ở chỗ, động vật hút ôxy thải cacbonic, còn riêng thực vật hút cacbonic và thải ôxy. Nhiều người thường trồng cây vạn niên thanh trong nhà để lọc không khí, cấp thêm ôxy cho người”.
Khi hỏi cây vạn niên thanh có độc hay không thì ông Định cho biết thêm: “Vạn niên thanh không dùng làm thuốc nên không thể biết có độc hay không, trong các sách về y học hầu như không nói đến cây này dùng để làm thuốc. Tuy nhiên, cây này không gây hại, chỉ có ích giúp lọc không khí và đẹp”.
Cũng theo ông Nguyễn Lân Dũng có rất nhiều loại tên vạn niên thanh, quy vào ba chi khác nhau: Aglaonema (Minh ti), Dieffenbachia (Môn trường sinh) và Scindapsus (Vạn niên thanh leo). Chúng đều có hình dạng tương tự nhau, có chung đặc tính hút độc làm sạch không khí. Cả ba chi này đều đẹp, rẻ tiền và thông dụng ở Việt Nam”.
Trong đó, chi Dieffenbachia (hay còn gọi là Môn trường sinh) có tới 56 loài khác nhau. Có một số loài trong chi này có tính độc nhẹ khi nhai lá. Tuy nhiên không đến mức đe dọa tính mạng như lời đồn thổi trên mạng, ông Nguyễn Lân Dũng chia sẻ thêm.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định: “Các cây vạn niên thanh thường nuôi trồng trong nhà thuộc loài Aglaonema siamense, không liên quan gì đến các cây có tính độc nhẹ thuộc chi Dieffenbachia (Môn trường sinh). Nên không có gì đáng ngại về độc tính”.
Hiện thông tin về loài cây cảnh vạn niên thanh vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.